Dòng sự kiện:
Giang còi và nghề 'tay trái' chăn nuôi kiêm bác sĩ thú y ít ai ngờ
19/06/2018 18:33:50
Biết anh rời phố về làng từ lâu nhưng giờ tôi mới có dịp tới thăm cơ ngơi của người nghệ sĩ có biệt danh “Giang còi”. Nói là ở Mê Linh (Hà Nội) nhưng quả thực đường vào nhà anh sâu và xa tít tắp mấy cánh đồng.

Con đường dẫn vào nhà nghệ sĩ Lê Hồng Giang.

Dừng xe, nhìn ngắm xung quanh, tôi không khỏi giật mình vì nhà nghệ sĩ Lê Hồng Giang (nghệ danh Giang còi) nằm trơ vơ ở giữa đồng, phía sau lưng nhà là một bãi tha ma. Thấy tôi có vẻ ái ngại, anh cười bảo: Dân ở đây hiền lắm! Mấy năm trước mới chuyển về chỉ có gia đình anh, bây giờ phía trước đã có thêm nhiều nhà thì đâu có gì lo ngại. Anh tâm sự: “Ngày ấy, các con tôi đứa nào cũng bảo sợ ma. Tôi trấn an chúng rằng: Ba rất muốn nhìn thấy ma mà chưa được thấy bao giờ. Nếu ba đi diễn, ở nhà các con nhìn thấy thì cố giữ chúng lại để gặp ba nhé! Lâu dần các con tôi cũng quen”.

Không gian làng quê nguồn năng lượng tái tạo sức lao động

Vẫn biết về quê để tìm sự tĩnh tại trong tâm hồn sau những chuỗi ngày lăn lộn với phim trường, với ánh đèn sân khấu và cũng là để vui thú điền viên lúc tuổi già, nhưng với nghệ sĩ Giang còi, mọi chuyện không đơn giản là vậy.

 

Trên diện tích rộng hơn 10.000m2, nghệ sĩ Giang cứ miệt mài tự làm tất cả từ đóng gạch lát lối đi, làm khuôn viên, trồng cây, tự đào ao nhỏ thả cá trồng sen, nuôi đủ các loại gia súc, gia cầm. Thậm chí, anh còn tự mua khung nhôm về hàn làm xích đu cho các con.

Nghệ sĩ Giang còi tâm sự: “Là nghệ sĩ, đáng lẽ ra chỉ dành tâm lực của mình cống cho nghệ thuật, chứ đâu cần phải vất vả, vật lộn với cuộc sống như thế này, song có lẽ cuộc đời đâu đơn giản thế. Cuộc sống đối với văn nghệ sĩ, càng những ngày nghỉ lễ, Tết là những ngày chúng tôi bận rộn với guồng quay công việc, rời sân khấu về nhà thì lo đủ chuyện từ thực phẩm bẩn, đến ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn... làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người. Về nông thôn tự tay trồng cũng là cách làm tiêu cực vì mỗi người sinh ra đều có một công việc. Song thực tế, về quê, tự tay trồng cây rau, nuôi con cá, con gà mới dám chắc là thực phẩm sạch, còn đi mua, kể cả vào siêu thị cũng không ai dám chắc đó là thực phẩm sạch 100% như quảng cáo.

Bạn có hiểu thực phẩm sạch là thế nào không? Nghệ sĩ Hồng Giang giảng giải cho tôi như một kỹ sư nông nghiệp giàu kinh nghiệm. Anh bảo: “Không phải cứ cây trồng, vật nuôi tự nhiên là sạch đâu nhé, mà rất cần phương pháp, khoa học, kỹ thuật để phòng trách sâu, dịch bệnh, để cây trồng, vật nuôi phát triển bình thường. Tuy nhiên, thời gian thu hoạch cũng sẽ phải được kiểm soát chắc chắn rằng lượng thuốc bảo vệ thực vật, hay thuộc tiêm phòng cho động vật đã được đào thải, đảm bảo an toàn với người thì mình mới thu hoạch”.

 

Chiếc xích đu tự tay nghệ sĩ Hồng Giang làm cho các con. Bạn bè đến chơi nhà nam nghệ sĩ ai cũng muốn ra vườn thưởng lãm vẻ đẹp của thiên nhiên.

Nói là vậy nhưng để nuôi được bầy vịt đẻ đâu dễ. Thời gian đầu anh cũng nuôi, nhưng rồi kết quả cũng không khả quan do nhiều khi lịch diễn dày đặc, phải nhờ hàng xóm trợ giúp nên việc chăm sóc không theo như mong muốn. Nghệ sĩ Hồng Giang cho rằng: “Đối với vật nuôi, cho ăn là chuyện đơn giản, dọn vệ sinh chuồng trại mới là điều đáng nói. Phải giữ vệ sinh sạch sẽ thì vật nuôi mới không nhiễm bệnh và bản thân mình sống cùng với nó mới đảm bảo có một bầu không khí trong lành cho sức khỏe. Thậm chí khi cho chúng ăn mình còn hiểu tính từng con, con nào ăn ít, con nào phàm ăn và điều chỉnh để chúng không bị đói, hay không quá no. Cho chúng ăn, quan sát chúng thật thú vị. Tôi có thể nhớ con gà nào đẻ sáng, con nào đẻ chiều, con nào có hiện tượng khô mũi muốn ốm là mình đã cho uống thuốc phòng bệnh ngay”.

Trị bệnh cho vật nuôi cũng là một nghệ thuật

Thời gian đầu mới nuôi chó, mèo, gà, vịt, bồ câu, khỉ... gặp lúc dịch bệnh cũng mệt, song chưa khi nào nghệ sĩ Giang còi cảm thấy nản. Anh luôn cố gắng dành thời gian nhiều hơn bên những con vật mà mình yêu thích.

Vật nuôi trong nhà được nghệ sĩ Hồng Giang cưng chiều như những thành viên trong gia đình.

Ngày đầu, không may gia súc, gia cầm bị bệnh, nam nghệ sĩ phải mời bác sĩ thú y về nhà điều trị, nhưng rồi thấy đường xá xa xôi cách trở, có những khi đêm khuya cần thì không thể gọi được ai, nên anh mày mò tìm hiểu và trở thành bác sĩ thú y gia đình từ khi nào không hay. Anh còn cẩn thận ngăn 2 phòng nhỏ ở tầng 1 làm nơi điều trị bệnh cho các loại gia súc, gia cầm để khoanh vùng và tránh lây lan dịch bệnh. Anh học cách lấy ven của chó, của mèo làm sao để tiêm cho chúng mỗi khi bị ốm hay phòng bệnh dịch theo mùa. Đến nay, nghệ sĩ Giang còi có thể sang tiêm giúp hoặc chỉ cho hàng xóm cách điều trị các loại bệnh ở gia súc, gia cầm.

Như một bác sĩ thú y thực thụ, nghệ sĩ Giang còi kể: “Bạn có thể hình dung con chó Nhật nó chỉ bé bằng nắm tay, khoảng 8 lạng, khi bị tiêu chảy, nếu không nhanh sẽ cướp đi sinh mạng của nó. Không chỉ tiêm thuốc trị bệnh mà còn phải truyền nước và sữa, sưởi đèn hồng ngoại cho nó để bảo toàn tính mạng. Những lúc như thế, thương chúng nó lắm nên mình càng chăm sóc kỹ càng, tỷ mỉ hơn. Lâu dần thành quen và thêm yêu cả công việc này.

Có những giống chó hiếm lên đến cả trăm triệu một con, nếu mình không chăm sóc tốt, không cẩn thận mà tiêm chệch ven vào gân thì què. Thời gian đầu mới làm quen, sợ chệch ven thì phải cạo lông để trích cho đúng ven, nhưng giờ thì không cần vẫn lấy ven chính xác”.


Nghệ sĩ Giang còi tâm sự:"Mỗi con vật nuôi trong nhà, các con anh đều đặt tên, cho nên, những năm trước, muốn làm thịt phải mang sang hàng xóm thịt giấu bọn trẻ. Thế rồi, anh quyết định chỉ nuôi bồ câu, thả cá và trồng cây, còn gà và vịt anh gửi hàng xóm nuôi và trả tiền. Đến khi đủ lớn, anh mang về nuôi trong khoảng 20 ngày và chỉ cho chúng ăn rau sạch, uống nước sạch thanh lọc cơ thể chúng. Trước khi làm thịt cũng vẫn phải mang sang nhờ nhà hàng xóm hoặc làm thịt giấu trẻ con vì con anh rất sợ sát sinh". 

Mỗi người có một cách để yêu thương và bày tỏ tình yêu thương của mình với mọi người và vạn vật xung quanh. Với nghệ sĩ Hồng Giang, tình yêu thương không chỉ là tình cảm của những người thân trong gia đình mà còn là tình cảm bạn bè, tình yêu nghề với những khát vọng sống nhân văn. Lý do bỏ phố về làng không chỉ thỏa mãn niềm vui sống giữa thiên nhiên, có thêm những giây phút tĩnh lặng để tái tạo sức lao động và là cơ hội để người nghệ sĩ thăng hoa cảm xúc trong sáng tạo nghệ thuật.


Theo Dân Việt

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến