Kết luận thanh tra số 222/KL-TTCP về thực hiện pháp luật quản lý, sử dụng đất đai và quản lý, đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Kon Tum vừa được Thanh tra Chính phủ công bố cho thấy hàng loạt sai phạm xảy ra ở địa phương này.
Nhiều cán bộ huyện ủy, ủy ban được giao đất không qua đấu giá
Kiểm tra việc giao đất không thông qua đấu giá giai đoạn 2016 - 2019, Thanh tra Chính phủ cho biết trên địa bàn 7/10 huyện, thành phố ở tỉnh Kon Tum đã giao đất cho 972 trường hợp, với tổng diện tích gần 56 ha.
Tại thành phố Kon Tum, Thanh tra Chính phủ phát hiện tình trạng giao đất vượt hạn mức so với quy định của tỉnh Kon Tum, phân lô theo hiện trạng dẫn đến diện tích các lô không đồng đều.
Đặc biệt là việc giao đất cho 43 trường hợp thuộc Khu đô thị phía Nam cầu Đắk Bla không thuộc đối tượng tái định cư, nguy cơ thất thu ngân sách tối thiểu trên 3,5 tỷ đồng.
Dù việc giao đất không thông qua đấu giá cho các trường hợp không thuộc đối tượng tái định cư là sai, nhưng đây là những trường hợp trong gia đình có đất bị giải phóng mặt bằng ở địa bàn vùng kinh tế khó khăn.
Xét tình hình thực tế và việc thu thêm tiền rất khó thực hiện nên Thanh tra Chính phủ không kiến nghị thu thêm tiền có nguy cơ thất thu, nhưng cần phải kiểm điểm, xử lý kỷ luật nghiêm túc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trụ sở UBND thành phố Kon Tum (Ảnh: VOV).
Tại huyện Đắk Hà phát hiện 85 trường hợp giao đất không thông qua đấu giá đối với quỹ đất nhỏ, lẻ trong một thời gian dài, tập trung tại thị trấn Đắk Hà, xã Ngọc Wang, xã Đắk Hring, vi phạm Luật Đất đai.
Trong đó, có một số công chức thuộc huyện Đắk Hà được giao diện tích lớn như ông Nguyễn Thanh Dương - nguyên Trưởng Ban tổ chức Huyện ủy được giao thửa đất số 28 tờ bản đồ M, diện tích 651 m2; ông Phan Văn Cường - nguyên Phó Ban kinh tế HĐND huyện nay là Trưởng phòng Tài chính- Kế hoạch được giao thửa 29 (A20), diện tích 180 m2.
"Trong đó có những trường hợp là lãnh đạo hoặc người nhà lãnh đạo các cơ quan thuộc Huyện ủy, Ủy ban; có nhiều trường hợp được giao đất nhưng để trống không sử dụng hoặc chuyển nhượng thu chênh lệch"- Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.
Đoàn thanh tra tạm tính tiền sử dụng đất của 13/85 trường hợp thấy giá giao đất thấp hơn giá thị trường làm thất thu ngân sách nhà nước tối thiểu là 885,86 triệu đồng.
Tại huyện Ngọc Hồi, qua báo cáo và xác minh 319 trường hợp (danh sách UBND huyện cung cấp) thấy việc UBND huyện này giao đất cho các trường hợp (thuộc Công ty TNHH Một thành viên 732, Binh đoàn 15) không thông qua đấu giá, với tổng diện tích đất ở trên 7ha tại thôn 2 xã Đắk Kan vi phạm Điều 118 Luật Đất đai.
Tại huyện Kon Rẫy, UBND huyện ban hành quyết định giao đất trồng cây hàng năm khác tại thôn 1, xã Tân Lập không thông qua đấu giá cho hai hộ gia đình (hộ ông bà Trần Văn Út, Lê Thị Vi 298,4 m và hộ bà Đặng Thị Khanh 298,4 m) và quyết định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm Luật Đất đai. Hiện trạng hai thửa đất còn để trống, cần phải hủy quyết định giao đất, thu hồi và bố trí quỹ đất nông nghiệp cho hai hộ gia đình theo đúng quy định.
UBND huyện Đắk Hà (Ảnh: Tổ Quốc).
Nhiều vi phạm trong giao đất thông qua đấu giá
Trong việc giao đất thông qua đấu giá, Thanh tra Chính phủ cho biết đến thời điểm thanh tra, UBND tỉnh Kon Tum không ban hành quy chế mới về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất nên trong quá trình triển khai thực hiện một số đơn vị còn lúng túng, hiểu sai, hiểu chưa đúng.
Trong đấu giá đất (Dự án đầu tư hạ tầng khai thác quỹ đất phường Ngô Mây, Khu sân bay, Khu Tây Bắc Duy Tân, Khu đất nhỏ, lẻ thành phố Kon Tum; Dự án đường Nguyễn Sinh Sắc, Tổ dân phố 6, Dự án khai thác quỹ đất phát triển hạ tầng Tổ dân phố 7 (huyện Đắk Hà); Dự án Trung tâm thương mại và Dự án điểm dân cư thôn 1 (huyện Sa Thầy); Dự án Khu đất thôn 6, thị trấn Plei Kần; việc đấu giá trên địa bàn huyện Kon Plông) còn để xảy ra nhiều vi phạm.
Cụ thể là tổ chức đấu giá đất khi chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, chưa đầu tư cơ sở hạ tầng; đấu giá đất không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chậm nộp tiền trúng đấu giá nhưng không hủy kết quả đấu giá, không thu tiền đặt cọc; dùng chứng thư hết thời hạn để xác định giá khởi điểm tổ chức đấu giá, chậm ra thông báo nộp tiền; tùy tiện điều chỉnh vị trí, diện tích một số lô đất.
Hơn nữa, vị trí lô đất đấu giá chưa phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tổ chức đấu giá trọn gói khu đất với phương thức nộp tiền một lần, tiền đặt cọc lớn đã hạn chế người dân có nhu cầu sử dụng đất…
Tác giả: Thế Kha
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy