Sau phiên giảm hôm qua, thị trường tiếp tục giằng co nhẹ quanh tham chiếu trong phiên sáng nay khi “cuộc chiến” giữa bên bán và bên mua tỏ ra khá cân bằng. Trong khi nhiều nhà đầu tư hiện thực hóa lợi nhuận trước khi quá muộn, thì cũng có nhiều nhà đầu tư cho rằng đà tăng của thị trường chưa dừng lại và các nhịp điều chỉnh là cơ hội để tích lũy dần cổ phiếu. Do đó, dù thị trường giằng co nhẹ, nhưng giao dịch vẫn diễn ra khá sôi động, thanh khoản duy trì ở mức cao.
Điểm đáng chú ý nhất trong phiên sáng nay chính là nhóm dầu khí khi đồng loạt tăng mạnh, trong đó có nhiều mã tăng trần. Nhóm dầu khí nổi sóng theo đà tăng của giá dầu trên thị trường thế giới khi giá dầu lên ngưỡng 85 USD/thùng.
Dù Cơ quan Thông tin năng lượng mỹ (EIA) vừa đưa ra dự báo nguồn cung dầu sẽ tăng trong trong năm tới và giá dầu sẽ hạ nhiệt dần từ tháng 12/2021, nhưng trên thị trường, giá dầu gần như không chịu tác động tiêu cực nào từ báo cáo này mà tiếp tục duy trì đà tăng, trong đó giá dầu WTI đang hướng tới mốc 85 USD/thùng, còn giá dầu Brent đã vượt qua ngưỡng này.
Trở lại với thị trường chứng khoán trong nước, bước vào phiên chiều, sóng lớn từ nhóm cổ phiếu dầu khí đã lan tỏa ra nhiều nhóm khác, trong đó có không ít mã bluechip, giúp thị trường bứt mạnh ngay khi mở cửa phiên chiều.
Tuy nhiên, trong sóng tăng lần này, ngưỡng 1.470 điểm đang trở thành ngưỡng cản cứng của VN-Index khi chỉ số này đã hơn 3 lần bị đẩy lại khi cố vượt qua, trong đó có phiên hôm qua bị đẩy mạnh xuống dưới tham chiếu. Do đó, trong phiên chiều nay, khi vừa chạm ngưỡng kháng cự này, lực cung đã ồ ạt được tung ra, đẩy VN-Index xuống như như lúc đi lên. Dù vậy, với sự hỗ trợ của nhóm dầu khí, một vài mã lớn ngân hàng và sự trở lại của một số mã bất động sản giúp VN-Index không bị đẩy xuống dưới tham chiếu khi đóng cửa có được sắc xanh nhạt.
Đóng cửa, trên đồ thị ngày của VN-Index tạo cây nến Doji cho thấy sự lưỡng lự của thị trường khi đang ở vùng đỉnh 1.470 điểm. Tuy nhiên, điểm tích cực là dòng tiền không hề tỏ ra nao núng, mà vẫn hoạt động rất tích cực, chảy mạnh hơn vào nhóm cổ phiếu tăng, giúp thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao và độ rộng nghiêng hẳn về số mã tăng giá.
Ngoài ra, các chỉ báo kỹ thuật khác vẫn đang có tín hiệu tích cực, như đường MA20 đi lên, dải bollinger band mở rộng, đường ADX vẫn đang tăng và đang hướng tới 40, ngoại trừ đường MACD đang có dấu hiệu đảo chiều đi xuống.
Chốt phiên, VN-Index tăng 3,52 điểm (+0,24%), lên 1.465,02 điểm với 258 mã tăng và 194 mã giảm, trong đó có tới 43 mã tăng trần, trong khi chỉ có duy nhất VMD giảm sàn sau thông tin Chủ tịch HĐQT Công ty bị khởi tố và bắt tạm giam. Tổng khối lượng giao dịch đạt 985,5 triệu đơn vị, tương đương tổng giá trị 29.742,4 tỷ đồng, giảm 4% về khối lượng và gần tương đương về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 30,4 triệu đơn vị, giá trị 1.336,5 tỷ đồng.
Trong các nhóm ngành đáng chú ý, trong khi các nhóm khác đều có sự phân hóa, thì nhóm xăng, dầu khí tiếp tục duy trì sóng lớn, trong đó PLX và PGC tăng trần lên 58.300 đồng và 29.300 đồng.
Trong đó, PLX là mã duy nhất trong nhóm VN30 tăng trần, đồng thời là mã đóng góp lớn nhất cho VN-Index hôm nay với khoảng 1,2 điểm. Thanh khoản hôm nay của PLX đạt 7,4 triệu đơn vị.
Ngoài PLX, một đại gia khác trong nhóm là GAS cũng tăng 1% lên 120.400 đồng, khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Ngoài nhóm dầu khí, nhóm bất động sản, xây dựng sau khi bị chốt lời cũng đã bắt đầu tạo sóng mới với nhiều sắc tím tại HBC, DIG, SCR, CCL, DRH, VRC, LDG, cùng hàng loạt mã khác tăng mạnh, trong khi ở chiều ngược lại có 16 mã giảm, trong đó có các mã bluechip như VHM giảm nhẹ 0,48% xuống 82.600 đồng, BCM giảm 3,21% xuống 54.200 đồng, PDR giảm 3,36% xuống 89.200 đồng. Trong khi VIC đứng giá tham chiếu 94.900 đồng.
Nhóm ngân hàng có sự phân hóa, nhưng sắc đỏ chiếm ưu thế hơn và biên độ giảm cũng mạnh hơn. Trong các mã tăng, EIB tăng mạnh nhất 1,96% lên 26.000 đồng. Ngoài ra, còn có 3 mã khác tăng trên 1% là TPB tăng 1,38% lên 44.000 đồng, khớp 1,87 triệu đơn vị; STB tăng 1,25% lên 28.450 đồng, khớp 16 triệu đơn vị, HDB tiếp tục mạch tăng tốt với mức tăng 1,08% lên 28.000 đồng, khớp 4,77 triệu đơn vị. Ngoài ra, chỉ có thêm “anh cả” VCB tăng 0,51% lên 97.600 đồng, góp mặt trong top các mã có đóng góp lớn nhất cho VN-Index hôm nay.
Ở chiều ngược lại, OCB giảm 2,5% xuống 27.300 đồng, các mã giảm hơn 1% có các mã lớn như TCB giảm 1,15% xuống 51.700 đồng, CTG giảm 1,37% xuống 32.500 đồng…
Nhóm chứng khoán cũng duy trì đà tăng tốt khi chỉ có 3 mã giảm nhẹ dưới 1% là VND, FTS và VDS, còn lại đều tăng. Trong đó, có 2 mã tăng trên 2% là VIX và TVB.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thép lại tỏ ra yếu thế khi chỉ có 3 sắc xanh nhạt le lói, còn lại đều giảm. Trong đó, mã đầu ngành HPG giảm 2,12% xuống 55.300 đồng là mã kéo VN-Index lớn nhất hôm nay. Ngoài ra, HSG giảm 2,52% xuống 44.500 đồng, NKG giảm 3,35% xuống 49.000 đồng.
Trong khi đó, với sự khởi sắc của nhóm HNX30, nhất là nhóm dầu khí, bất động sản, sàn HNX lại có phiên giao dịch bùng nổ về điểm số.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 5,6 điểm (+1,29%), lên 438,24 điểm với 173 mã tăng, trong khi chỉ có 70 mã giảm, trong đó có 28 mã tăng trần, trong khi chỉ có 2 mã giảm sàn lúc đóng cửa. Tổng khối lượng giao dịch đạt 153,7 triệu đơn vị, giá trị 4.126,6 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,19 triệu đơn vị, giá trị 180 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 có tới 23 mã tăng, 3 mã đứng giá và 4 mã giảm. Trong đó, CEO, L14 và VC3 tăng trần lên 16.500 đồng, 236.500 đồng và 47.300 đồng. Trong đó, CEO có thanh khoản tốt 6,4 triệu đơn vị và còn dư mua trần tới hơn 7,5 triệu đơn vị
Trong đó, dù không đóng cửa với sắc tím, nhưng các mã dầu khí trong rổ cổ phiếu này đều tăng mạnh, như PVS tăng 6,5% lên 31.100 đồng, khớp hơn 20,5 triệu đơn vị, đứng đầu sàn HNX; PVC tăng 5,1% lên 14.300 đồng; PVB tăng 4,2% lên 17.500 đồng.
Các mã dầu khí ngoài nhóm HNX30 tăng mạnh như PVG tăng trần lên 17.700 đồng, PCG tăng trần lên 11.900 đồng, PGS tăng trần lên 32.600 đồng.
Trong nhóm cổ phiếu lớn nhất sàn, chỉ có 3 mã giảm nhẹ là BAB, VCS và SHS, cùng MBS đứng giá, còn lại đều có sắc xanh.
Trên thị trường UPCoM, sau khi giao dịch khá yếu trong phiên sáng, bước vào phiên chiều, chỉ số chính của thị trường này đã được đẩy lên khá mạnh theo nhịp tăng của HNX với lực đỡ chính từ nhóm dầu khí, nhưng không thể giữ được mức cao nhất ngày.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,48 điểm (+0,44%), lên 109,66 điểm với 205 mã tăng và 138 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 119,5 triệu đơn vị, giá trị 2.607 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,2 triệu đơn vị, giá trị 48,5 tỷ đồng.
Nhóm dầu khí trên thị trường này cũng đồng loạt nổi sóng với MTG và PVO tăng trần lên 9.500 đồng và 11.500 đồng. Trong khi mã có sức hút nhất với dòng tiền là BSR tăng 4,94% lên 25.500 đồng, thanh khoản 20,4 triệu đơn vị. OIL tăng 4% lên 18.100 đồng, khớp 4,47 triệu đơn vị.
Ngoài ra, một tên tuổi mới nổi trên UPCoM là HHV cũng đang duy trì đà tăng tốt với mức tăng 4,9% lên 23.600 đồng, thanh khoản 10,4 triệu đơn vị, chỉ đứng sau BSR. VGT cũng tăng 5,1% lên 28.800 đồng, thanh khoản 3,29 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai của VN30 đều tăng giá, trái ngược với thị trường cơ sở. Cụ thể, trong phiên hôm nay, dù số mã tăng giảm cần bằng (đều 13 mã, thậm chí có PLX tăng trần), nhưng VN30 vẫn đóng cửa dưới tham chiếu khi các mã giảm đều khá nặng ký như HPG, CTG, TCB, VPB, VHM, MSN, VNM.
Chốt phiên, VN30-Index giảm 3,34 điểm (-0,22%), xuống 1.523,79 điểm, trong khi hợp đồng đáo hạn tháng 11 tăng 3,8 điểm (+0,25%), lên 1.529,3 điểm, thanh khoản 112.979 hợp đồng và khối lượng mở 33.541 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, số mã tăng có phần lép vế hơn so với số mã giảm, cả về số lượng cũng như biên độ. Cụ thể, mã tăng mạnh nhất là CVRE2111 do VND phát hành tăng chưa tới 10% lên 900 đồng, thanh khoản 160.400 đơn vị, trong khi mã giảm mạnh nhất là CVJC do KIS phát hành giảm 23,5% xuống 260 đồng, thanh khoản 657.700 đơn vị. Ngoài ra, còn có 8 mã khác giảm hơn 10%.
Về thanh khoản, hôm nay có 6 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, chủ yếu do KIS phát hành, cùng 2 mã do SSI và VND phát hành. Trong đó có 3 chứng quyền có chứng khoán cơ sở là HPG, 2 là của STB và còn lại là của VIC.
Tác giả: T.Lê
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy