Trong phiên sáng, VN-Index cố gắng test lại ngưỡng cản tâm lý 1.400 điểm, nhưng giống như phiên hôm qua, chỉ số này thêm nhiều lần thất bại. Sau chuỗi phiên tăng liên tiếp, đặc biệt là phiên khởi sắc đầu tuần, VN-Index dường như đang trong giai đoạn tích lũy để có thể leo lên chinh phục đỉnh lịch sử trong thời gian tới.
Bước vào phiên chiều, diễn biến giống như phiên chiều qua khi chỉ VN-Index giằng co nhẹ quanh tham chiếu, nhưng có điểm khác là chỉ số không thể duy trì đà tăng phiên thứ 8 liên tiếp mà quay đầu điều chỉnh nhẹ, trở lại vào trong dải Bollinger Band, vốn đang mở rộng.
Giống phiên tăng hôm qua khi thị trường tăng nhẹ là do 2 mã trụ VIC-VHM, thì phiên giảm hôm nay cũng đến từ một trong 2 mã này khi VHM giảm 1,11% xuống 80.000 đồng và lấy đi của VN-Index 1,05 điểm. Ngoài ra, còn có các mã trụ khác cũng bị kéo giảm như MSN, TCB, GAS, trong khi các mã đóng góp lớn nhất về điểm số cho VN-Index vắng bóng nhóm trụ.
Phiên giảm nhẹ hôm nay với thanh khoản thấp và số mã giảm không quá lớn so với số mã tăng cho thấy, tranh chấp giữa bên bán và bên mua vẫn khá mạnh. Trong khi bên mua đợi thị trường điều chỉnh để tích lũy cổ phiếu, thì bên nắm giữ cổ phiếu ai chốt lời đã chốt, nên việc ra hàng giá thấp là không có.
Việc thị trường sau chuỗi tăng mạnh sẽ đi ngang là điều dễ hiểu và cần thiết để tích lũy đi lên, bởi xét về yếu tố kỹ thuật, đường MACD vẫn đang tăng, đường ADX cũng duy trì đà tăng và đang hướng đến ngưỡng 20. Điểm đáng chú ý được tạo ra sau phiên ngày hôm nay đó là ngưỡng tâm lý 1.400 điểm đã trở thành ngưỡng cản quan trọng khi liên tiếp 2 phiên VN-Index không thể vượt qua.
Trong những phiên tới, khả năng thị trường sẽ tiếp tục rung lắc trong khu vực 1.375-1.400 điểm.
Chốt phiên hôm nay, VN-Index giảm 2,89 điểm (-0,21%), xuống 1.391,91 điểm với 195 mã tăng, 208 mã giảm và 60 mã đứng giá. Đáng chú ý, so với phiên sáng, số mã tăng trần chiều nay đã nhiều hơn hẳn với 11 mã so với 4 mã của phiên sáng, trong khi VAF thoát mức sàn, khiến không còn mã nào giảm kịch biên độ. Tổng khối lượng giao dịch đạt 645,3 triệu đơn vị, giá trị 18.788,5 tỷ đồng, giảm 13% về khối lượng và 15% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 37 triệu đơn vị, giá trị 1.284 tỷ đồng.
Trong các nhóm ngành đáng chú ý, nhóm ngân hàng có sự phân hóa, trong đó tạo bất ngờ là SSB khi bật mạnh trong phiên chiều, đóng cửa tăng 3,2% lên 37.050 đồng, thay thế HDB trở thành mã tăng mạnh nhất nhóm, thanh khoản đạt 2,7 triệu đơn vị, cao nhất hơn 3 tuần cho thấy dòng tiền lớn đang chảy vào mã này.
Ngoài SSB, chỉ có thêm 4 mã ngân hàng khác tăng giá hôm nay, nhưng chỉ ở mức nhẹ, trên dưới 0,5%. Trong khi ở chiều ngược lại, 3 mã giảm mạnh nhất là MSB, TCB và STB cũng chỉ giảm hơn 1%.
Trong khi “tân binh” SHB trở thành vua thanh khoản trên sàn khi khớp 25,5 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,7% xuống 30.000 đồng.
Nhóm chứng khoán chỉ còn 2 sắc xanh nhạt tại TVB và APG, còn lại đều giảm với các mã lớn như SSI, HCM, VND, VCI giảm trên dưới 1%.
Nhóm thép cũng tương tự khi chỉ còn 3 sắc xanh, mã đầu ngành HPG cũng điều chỉnh nhẹ theo thị trường khi giảm 0,35% xuống 56.800 đồng, thanh khoản 15,6 triệu đơn vị.
Nhóm dầu khí thậm chí toàn bộ chìm trong sắc đỏ, với PLX giảm 2,18% xuống 53.800 đồng và GAS giảm 0,89% xuống 111.000 đồng.
Trong khi đó, nhóm bất động sản, ngoại trừ một số mã lớn VHM, NVL, còn lại vẫn duy trì được sức hút khi có thêm VRC gia nhập nhóm tăng trần cùng HAR và LDG, trong khi NBB cũng đóng cửa dưới mức trần 1 bước giá. Trong đó, LDG là mã có thanh khoản 18 triệu đơn vị, còn dư mua trần hơn 2,2 triệu đơn vị.
Các mã bất động sản tăng mạnh khác có ITC, VPH, LHG, SCR, QCG, BCM tăng hơn 4%, trong đó BCM là mã đóng góp lớn nhất về điểm số cho VN-Index, nhưng cũng chỉ ở mức 0,48 điểm. Ngoài ra, HDC tăng 3,2%, các mã HDG, NLG, IJC, LGL, PDR, ITA tăng hơn 2%...
Đứng đầu trong nhóm này là FLC với 20,9 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 2,8% xuống 12.100 đồng. Với sắc đỏ tại FLC, nhóm cổ phiếu họ “FLC” không còn sắc xanh nào.
Trong khi đó, nhóm Louis lại có sóng mới với 4 sắc tím, trong đó có 1 mã trên HOSE là TGG và 3 mã trên HNX là VKC, BII và SMT. Các mã khác cũng đều có sắc xanh.
Trong khi đó, sàn HNX vẫn duy trì đà tăng chắc chắn nhờ “tân binh”, cũng là mã vốn hóa lớn thứ 2 trên sàn này tiếp chuỗi thăng hóa với hiệu ứng lên sàn. Chốt phiên hôm nay, KSF tiếp tục tăng trần lên 75.100 đồng và là phiên tăng trần thứ 6 liên tiếp kể từ lúc chào sàn với tổng mức tăng 108,6% so với giá tham chiếu lúc lên sàn ngày 6/10. Với mức giá này, vốn hóa của KSF là hơn 22.530 tỷ đồng, đứng thứ 2 trên sàn HNX sau THD. Tuy nhiên, thanh khoản của KSF không cao khi phiên hôm nay cao nhất cũng chưa tới 100.000 đơn vị.
THD hôm nay vẫn duy trì nhịp điều cũ khi nhích nhẹ từng bước 1 với mức tăng tối thiểu 0,04% lên 229.000 đồng, thanh khoản gần nửa triệu đơn vị.
Ngoài ra, mã có vốn hóa lớn thứ 4 là IDC cũng tăng tốt 3,16% lên 52.200 đồng, khớp gần 2,4 triệu đơn vị.
Riêng KSF đã đóng góp cho HNX-Index gần 2 điểm, giúp chỉ số này chốt phiên tăng 3,66 điểm (+0,97%), lên 379,34 điểm với 110 mã tăng và 100 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 115,3 triệu đơn vị, giá trị 2.603,6 tỷ đồng, tăng 7,9% về khối lượng và 4,8% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 24,5 triệu đơn vị, giá trị 718 tỷ đồng.
Ngoài các mã họ Louis là BII, VKC, SMT, cùng tân binh KSF, sàn này còn có 11 mã khác đóng cửa ở mức trần như PVL lên 6.600 đồng, hay SGH, TET, VNT, HVT, LCD…
Trong khi đó, PVS vẫn là mã giữ vị trí số 1 về thanh khoản với 5,7 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 1,4% xuống 28.800 đồng, mức thấp nhất ngày. Các mã lớn khác cũng giảm giá hôm nay có VCS giảm 1,23% xuống 128.200 đồng, PVI giảm 0,44% xuống 45.700 đồng, hay MBS giảm 1,49% xuống 33.000 đồng, khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Ngoài ra, cũng phải kể đến LAS khi tăng mạnh 7% lên 19.800 đồng, khớp 4,9 triệu đơn vị, TVC tăng 3,5% lên 17.600 đồng, khớp 4,3 triệu đơn vị.
Trên thị trường UPCoM, dù nỗ lực trở lại, nhưng thiếu chút may mắn nên chỉ số chính của sàn này vẫn đóng cửa trong sắc đỏ.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm nhẹ 0,03 điểm (-0,03%), xuống 98,78 điểm với 167 mã tăng và 122 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 75,9 triệu đơn vị, giá trị 1.605,7 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,6 triệu đơn vị, giá trị 82,8 tỷ đồng.
Diễn biến của các mã đáng chú ý trên thị trường này không có nhiều điểm nhấn trong phiên chiều. BSR vẫn là mã có thanh khoản lớn nhất với 11,76 triệu đơn vị, đóng cửa tăng nhẹ 0,9% lên 22.600 đồng. ORS vươn lên trở thanh mã có thanh khoản tốt thứ 2 với 5,77 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1% lên 29.000 đồng. HHV chỉ còn tăng 2,5% lên 20.500 đồng, so với mức tăng 7% của phiên sáng, thanh khoản gần 5 triệu đơn vị. Trong khi, VGT bị đẩy về tham chiếu 21.300 đồng và thanh khoản cũng lùi về vị trí thứ 4 với 4,43 triệu đơn vị.
VGI tăng 5,3% lên 38.000 đồng, khớp gần 2 triệu đơn vị và là mã đóng góp lớn nhất về điểm số cho UPCoM-Index hôm nay.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm theo thị trường cơ sở, trong đó hợp đồng đáo hạn tháng 10 giảm mạnh nhất và giảm mạnh hơn thị trường cơ sở. Cụ thể, VN30-Index giảm 4,02 điểm (-0,27%), xuống 1.505,55 điểm với 8 mã tăng, 19 mã giảm và 3 mã đứng giá. Hợp đồng đáo hạn tháng 10 VN30F2110 giảm 6,9 điểm (-0,46%), xuống 1.503,1 điểm với 173.438 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 38.187 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, số mã giảm chiếm thế áp đảo, chỉ có 16 mã tăng và mức tăng, nhưng các mã tăng giảm hôm nay cũng không lớn. Mã tăng lớn nhất là CPNJ2105 do SSI cũng chỉ 15,8%, lên 2.490 đồng, thanh khoản 873.300 đơn vị, còn giảm mạnh nhất là CMSN2107 do VCSC phát hành cũng chỉ giảm 15,7% xuống 3.220 đồng, thanh khoản chỉ 27.200 đơn vị.
Đáng chú ý, hôm nay thanh khoản của CVHM2110 do HSC phát hành tăng vọt lên hơn 4 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 4,4% xuống 1.290 đồng. Ngoài ra, có thêm 4 mã khác có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó có 3 mã do HSC phát hành và 1 mã do KIS phát hành. Các mã này đều đóng cửa giảm giá.
Tác giả: T.Lê
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy