Trong phiên hôm qua (14/12), VN-Index lên thử thách ngưỡng cản 1.480 điểm đầu phiên nhưng thất bại. Tuy nhiên, trong phiên chiều, khi chỉ số bị đẩy xuống dưới ngưỡng 1.470 điểm, lực cầu đã hoạt động tích cực, kéo thị trường trở lại và đóng cửa tạo cây nến Doji với thanh khoản tăng lên mức cao nhất 1 tuần.
Thanh khoản tăng cho thấy dòng tiền đã hoạt động tích cực trở lại, nhưng ở chiều ngược lại cho thấy lực bán cũng đã tăng lên khi số mã giảm chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử. Việc VN-Index chỉ giảm nhẹ nhờ sự trở lại đầy ấn tượng của nhóm cổ phiếu thép, trong đó riêng HPG đã đóng góp hơn 1,3 điểm cho VN-Index.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay, tâm lý thận trọng vẫn chưa được tháo bỏ ở cả bên bán và bên mua, dù sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế, nhưng mức biến động không lớn nên VN-Index giằng co nhẹ quanh tham chiếu và vẫn tích lũy trong biên độ hẹp 1.470 - 1.480 điểm. Thanh khoản thị trường theo đó cũng chưa cải thiện như kỳ vọng sau phiên tăng mạnh trở lại hôm qua.
Trong các nhóm cổ phiếu, dù không còn duy trì đà tăng mạnh như phiên hôm qua, nhưng một số cổ phiếu lớn trong ngành thép như HPG, HSG, NKG vẫn duy trì đà tăng, hỗ trợ cho VN-Index.
Nhóm bất động sản đang có sự phân hóa, trong đó VIC đang là lực cản lớn nhất cho thị trường khi kéo lùi VN-Index hơn 1 điểm.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng và chứng khoán yếu đà trở lại khi chỉ có lác đác một vài sắc xanh nhạt, còn lại đều đang giao dịch trong sắc đỏ, nhưng mức giảm cũng không lớn.
Nhóm phân bón tích cực nhất, nhưng cũng không đủ lớn để có tác động đáng kể tới VN-Index.
Ngày mai là ngày đáo hạn phái sinh tháng 12, được dự báo sẽ có những biến động bất ngờ cuối phiên, nên việc nhà đầu tư thận trọng trong phiên hôm nay cũng là điều dễ hiểu. VN30-Index trong phiên hôm qua và sáng nay đều yếu hơn VN-Index và đã 3 phiên liên tiếp đóng cửa dưới đường MA20.
Sau hơn nửa đầu phiên giằng co nhẹ quanh tham chiếu, VN-Index được kéo lên test lại vùng kháng cự 1.480 điểm vào nửa cuối phiên, nhưng đây vẫn là vùng kháng cự mạnh trong giai đoạn hiện tại, nên chỉ số này thêm một lần thất bại.
Đóng cửa, VN-Index tăng 2,27 điểm (+0,15%), lên 1.478,29 điểm với 195 mã tăng (4 mã trần BAF, VOS, CIG và BTT), trong khi có 244 mã giảm và 54 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt 536,4 triệu đơn vị, giá trị 14.746 tỷ đồng, giảm 13% về khối lượng và 15% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 17,5 triệu đơn vị, giá trị 839,8 tỷ đồng.
Trong các mã lớn, VIC vẫn là lực hãm lớn nhất với VN-Index khi giảm 1,17% xuống 101.300 đồng, lấy đi của VN-Index khoảng 1,2 điểm. Ngoài ra, VHM cũng giảm 0,37% xuống 81.800 đồng, lấy đi của VN-Index 0,4 điểm. Ngoài ra, còn có GAS, HVN, MWG, VPB.
Trong khi đó, đà tăng của HPG hạ nhiệt khi đóng cửa ở mức 48.100 đồng, tăng 0,84%. Ngoài HPG, chỉ có thêm 2 mã thép tăng giá là NKG với 1,48% lên 41.150 đồng và HSG tăng 1,06% lên 38.000 đồng.
Tuy nhiên, thị trường lại ghi nhận sự nổi lên của “anh cả” nhóm ngân hàng là VCB với mức tăng 0,91% lên 100.200 đồng, đóng góp gần 0,9 điểm cho VN-Index, lớn nhất trong các mã.
Ngoài VCB, nhiều nhóm ngân hàng khác cũng có sắc xanh sáng nay, trong đó TPB, OCB tăng mạnh nhất hơn 2%. Ngoài ra, HDB cũng tăng tốt 1,86% lên 30.150 đồng, nhưng đang gặp ngưỡng cản tại đường MA20 (30.850 đồng). Trong các mã tăng, SSB có mức tăng khiêm tốn nhất 0,13% lên 39.700 đồng. Chỉ có 3 mã giảm là EIB, VPB và BID, nhưng mức giảm không đáng kể.
Trong khi đó, nhóm chứng khoán không có mã nào đóng cửa có sắc xanh, chỉ SSI và VND tích cực nhất giữ được tham chiếu. Dù vậy, mức giảm của các mã khác không quá lớn, mạnh nhất là TVB cũng chỉ mất 1,78% xuống 24.850 đồng.
Trong nhóm bất động sản, ngoài cặp đôi VIC – VHM, các mã có tính thị trường vẫn giữ sắc xanh tốt. Trong đó, đáng chú ý là ROS tăng mạnh nhất 5,74% lên 9.940 đồng, thanh khoản hơn 34 triệu đơn vị, cũng cao nhất sàn.
Bên cạnh đó, HQC tăng 3,6% lên 7.980 đồng, khớp 17,75 triệu đơn vị, FLC tăng 2,2% lên 16.150 đồng, khớp 13,9 triệu đơn vị. CII có lúc lên trần 34.150 đồng, nhưng đóng cửa ở mức 32.700 đồng, tăng 2,3%, khớp 21,65 triệu đơn vị.
Ngoài ra, BCM, DIG, TEG, NLG, DXG, VPI…, cũng có mức tăng tốt trên 1%.
Trong khi đó, ITA lại giảm mạnh 4,3% xuống 16.650 đồng, khớp 26 triệu đơn vị, có lúc giảm sàn xuống 16.200 đồng.
SJF sau 2 phiên tăng trần trở lại sau chuỗi 10 phiên giảm sàn trước đó cũng đã hạ nhiệt trong phiên sáng nay. Có lúc SJF bị đẩy trở lại mức sàn 12.600 đồng, nhưng lực cầu tốt kéo mã này trở lại, đóng cửa giảm nhẹ 0,4% xuống 13.450 đồng, khớp 9,67 triệu đơn vị.
Tương tự, IDI có lúc giảm sàn xuống 16.000 đồng, trước khi đóng cửa ở mức 16.200 đồng, giảm 5,8% với thanh khoản 9,46 triệu đơn vị.
Trên HNX, thị trường cũng giằng co trong biên độ hẹp giống HOSE và đóng cửa HNX-Index cũng có sắc xanh nhạt.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,9 điểm (+0,20%), lên 455,58 điểm với 88 mã tăng (7 mã trần), trong khi có tới 127 mã giảm (3 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 74,5 triệu đơn vị, giá trị 1.961,9 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,2 triệu đơn vị, giá trị 28,3 tỷ đồng.
DL1 trở thanh tâm điểm trên sàn HNX sáng nay khi tăng vọt lên mức trần 14.900 đồng, khớp cũng cao nhất sàn 8,88 triệu đơn vị và còn dư mua trần.
CEO cũng tiếp tục duy trì sức nóng khi tăng 9,7% lên 45.200 đồng, khớp 7,23 triệu đơn vị, chỉ kém may mắn khi không giữ được mức trần 45.300 đồng.
Ngoài ra, cũng giống họ hàng trên HOSE, KLF cũng tăng mạnh 5,3% lên 8.000 đồng, khớp 8,51 triệu đơn vị.
Tương tự, APS tăng 8,1% lên 37.400 đồng, khớp 2,58 triệu đơn vị, có lúc lên trần 38.000 đồng.
Trong khi đó, các mã lớn lại khá yếu khi SHS giảm 1,2% xuống 50.800 đồng, khớp 3,5 triệu đơn vị; PVS giảm 0,4% xuống 26.400 đồng, khớp 3,95 triệu đơn vị.
Trong khi đó, UPCoM lại không thể trở lại tham chiếu khi đóng cửa giảm 0,27 điểm (-0,24%), xuống 111,82 điểm với 135 mã tăng (59 mã trần) và 168 mã giảm (9 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch 43,7 triệu đơn vị, giá trị 946 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,5 triệu đơn vị, giá trị 56,4 tỷ đồng.
Các mã có thanh khoản tốt và đáng chú ý trên UPCoM đều giảm giá sáng nay là HHV, VHG, BSR, CEN, G36 và VGT. Trong đó, giảm mạnh nhất là CEN giảm 14,2% xuống sát mức sàn 18.700 đồng, có lúc chạm sàn 18.600 đồng, khớp 2,51 triệu đơn vị.
Tác giả: T.Lê
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy