Dòng sự kiện:
Giao dịch chứng khoán sáng 19/11: Tiền chuyển dịch sang cổ phiếu ngân hàng
19/11/2021 12:39:26
Nhiều cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa vẫn viết lên những câu chuyện đẹp trong sáng nay (19/11).

Trong phiên đáo hạn hợp đồng phái sinh tháng 11 ngày hôm qua 18/11, lực bán gia tăng mạnh tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip trong đợt ATC đã đẩy thị trường quay đầu điều chỉnh giảm.

Tuy nhiên, hầu hết các công ty chứng khoán đều cho biết, xu hướng tăng điểm của thị trường vẫn chưa bị bẻ gãy sau nhịp giảm hôm qua và khả năng VN-Index vẫn còn xác suất hướng đến ngưỡng kháng cự mạnh 1.500 - 1.510 điểm trong ngắn hạn.

Dù vậy, mẫu hình nến hướng lên đang dần hình thành và đã bắt đầu gây ra những tác động lo ngại đến tâm lý thị trường. Rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh là hiện hữu, nếu chỉ số phá vỡ cạnh dưới của mẫu hình, nằm tại quanh 1.465 điểm.

Điều này đã chưa xảy ra trong phiên sáng nay, VN30-Index như thường lệ sau phiên đáo hạn phái sinh đã trả lại số điểm đã mất. Điều quan trọng hơn, sự trở lại của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất đã giúp dòng tiền mở rộng hơn sang nhóm trụ ngân hàng, gồm cả những mã không nằm trong rổ VN30.

Các cổ phiếu bank nằm trong nhóm VN30 tăng điểm khá sớm, riêng HDB còn được kéo lên mức giá sát trần ngay nửa đầu phiên giao dịch, tiếp sau đó MBB, TPB, STB, TCB,... đều chuyển màu từ mức giá đỏ đầu phiên sang màu xanh với mức tăng điểm khá tốt.

Đối với nhóm cổ phiếu nhỏ, dấu hiệu cảnh báo lại phát ra. Khi thị trường tăng điểm tích cực thì số mã giảm điểm trên HOSE cứ tăng dần về cuối phiên, đạt con số 260 mã giảm điểm vào thời điểm 11h, tương tự là số mã tăng trần cũng giảm nhẹ.

Dòng tiền luân chuyển về nhóm mã cơ bản còn giúp cho nhóm cổ phiếu thép vốn đang trong đà rơi bất tận có lại được sự phục hồi nhẹ về cuối phiên sáng.

Về tổng thể thị trường, khi nhóm cổ phiếu cơ bản như ngân hàng, chứng khoán, thép "lên tiếng" thì VN-Index có cơ hội tốt để vượt khu vực cản ở 1.490-1.500 điểm vươn lên tầm cao hơn nữa. Nhưng để điều đó xảy ra, vẫn cần theo dõi xem sự dịch chuyển dòng tiền có bền vững, trên thực tế thị trường đã có phiên 3/11, nhóm bank tăng trần hàng loạt nhưng sau đó lại nhường sân chơi cho nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa.

Chi tiết phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 19/11, sự trở lại của nhóm bluechip đã giúp VN-Index khởi sắc về ngưỡng 1.475 điểm. Tuy nhiên, giao dịch thận trọng cùng việc thiếu nhóm trụ cột dẫn dắt khiến thị trường khó lòng đi xa, chỉ số này nhanh chóng quay đầu và rung lắc quanh vùng giá 1.470 điểm.

Mặc dù sắc xanh chiếm áp đảo trong nhóm VN30 nhưng biên độ tăng khá hẹp. Trong đó đáng chú ý, các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán đang có biên độ tăng rộng hơn.

Đặc biệt, cổ phiếu HDB vẫn là điểm nóng của dòng bank và cũng đang là mã có biên độ tăng tốt nhất trong nhóm VN30 khi ghi nhận mức tăng 4,4%, tạm đứng tại mức giá 29.500 đồng/CP sau khoảng 1 giờ giao dịch.

Bên cạnh đó, nhóm chứng khoán vẫn phủ kín sắc xanh dù đà tăng không mạnh mẽ như phiên hôm qua. Trong đó, cổ phiếu dẫn dắt SSI tiếp tục tích cực khi ghi nhận mức tăng trên dưới 3%.

Trái lại, nhóm cổ phiếu thép sau chuỗi ngày dài điều chỉnh vẫn chưa thấy xu hướng hồi phục. Hiện các mã HPG, HSG, TLH, NKG… vẫn giao dịch dưới sắc đỏ.

Điều đáng nói là sức nóng của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Hàng loạt mã nhanh chóng đua trần ngay từ đầu phiên như SJF, TNI, DAG, HAR, ITA, IDI...

Tuy nhiên khi dòng tiền dịch chuyển, nhóm cổ phiếu tăng nóng đang chịu lực chốt lời rất lớn. Chẳng hạn tại FLC, khi thị trường chuyển hướng đảo chiều tăng, lệnh kê mua giá sát trần hơn 5 triệu cổ phiếu đã được hủy và giá giảm dần, những nhà đầu mua giá trần ở giữa phiên sáng có lý do để lo lắng!

Áp lực bán có dấu hiệu gia tăng khi VN-Index tiếp cận vùng giá 1.480 điểm khiến thị trường dần hạ độ cao, thậm chí chỉ số này có thời điểm lùi sát về mốc tham chiếu.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 185 mã tăng và 269 mã giảm, VN-Index tăng 4,07 điểm (+0,28%), lên 1.473,9 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 831,98 triệu đơn vị, giá trị 23.889,64 tỷ đồng, tăng 27,98% về khối lượng và 17,05% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 11,24 triệu đơn vị, giá trị 479,7 tỷ đồng.

Nhóm VN30 đang làm điểm tựa chính của thị trường khi có 17 mã tăng và 12 mã giảm, chỉ số VN30-Index tăng vượt trội so với thị trường, với hơn 13 điểm và chốt phiên tại mốc 1.516 điểm.

Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng là điểm sáng của thị trường trong phiên sáng nay với sắc xanh bao trùm toàn ngành. Đặc biệt, cổ phiếu HDB đã kéo trần thành công sau và chốt phiên tăng 6,9% lên mức 30.200 đồng/CP. Đồng thời, thanh khoản cũng tăng vọt, gấp 2-3 lần so với cả phiên giao dịch trong thời gian gần đây, lên tới 14,75 triệu đơn vị khớp lệnh và dư mua trần gần 0,5 triệu đơn vị.

Bên cạnh HDB, nhiều mã bank khác cũng nằm trong top tăng mạnh trong rổ VN30 như ACB tăng 3,5%, CTG tăng 2,8%, TCB và VPB cùng tăng 2,7%, BID tăng 2,5%, STB tăng 2%...

Điều đáng nói chính là thanh khoản của nhóm cổ phiếu này cũng sôi động hơn với TCB khớp gần 21,55 triệu đơn vị, cùng các mã khác như HDB, VPB, STB, CTG, MBB, MSB đều khớp trên 10 triệu đơn vị.

Trái với niềm vui của dòng bank, nhóm cổ phiếu thép vẫn chưa ngắt được đà bán ra khi đồng loạt đều nới rộng đà giảm điểm. Trong đó, HPG để mất 1,8%, HSG giảm 2,9%, NKG và TLH cùng giảm 2,4%...

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán sau những phiên bùng nổ cũng đã có dấu hiệu bị bán ra và trở nên phân hóa với SSI, BSI, AGR, TVB tăng nhẹ, trong khi HCM, VCI, VND, VDS, ORS đảo chiều điều chỉnh.

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, trong khi VHM, GVR, KDH giảm hơn 1%, thì PDR hồi phục sau 5 phiên điều chỉnh liên tiếp, với mức tăng 2,3% lên 91.700 đồng/CP. Các mã tăng mạnh vẫn chủ yếu ở top vừa và nhỏ như VPH tăng trần, ITA, FLC, SGR, SCR…

Tuy nhiên, áp lực bán đã xuất hiện khiến nhiều mã tăng nóng hạ nhiệt, điển hình như nhiều mã để mất sắc tím như ITA, SJF, FLC, TLD, HAR…

Trên sàn HNX, sau cú tăng giật mạnh vào giữa phiên, lực bán gia tăng cũng khiến thị trường thu hẹp biên độ.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 98 mã tăng và 145 mã giảm, HNX-Index tăng 2,97 điểm (+0,63%), lên 471,69 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt h144,86 triệu đơn vị, giá trị 3.564,63 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,33 triệu đơn vị, giá trị 52,53 tỷ đồng.

Lực bán gia tăng khiến nhiều sắc đỏ có phần áp đảo trên thị trường, trong đó nhóm HNX30 cũng diễn biến thiếu tích cực hơn khi có tới 21 mã giảm và chỉ còn 9 mã tăng.

Các mã giảm mạnh trong nhóm như LHC giảm 4,8%, VC3 giảm 4,4%, các mã DXP, NEC, TNG, VMC đều giảm hơn 3%...

Trong khi đó, CEO vẫn bùng nổ khi chốt phiên tăng 9,7% lên mức giá trần 31.600 đồng/CP. Đây là phiên tăng trần thứ 10 liên tiếp của CEO và tính trong tháng 11, cổ phiếu này đã tăng tới gần 157%.

Cổ phiếu lớn khác hỗ trợ cho đà tăng của thị trường như IDC tăng 4,8% lên 86.900 đồng/CP, NVB tăng 2,7% lên 29.900 đồng/CP, các mã BVS, THD nhích nhẹ.

Diễn biến phân hóa của nhóm cổ phiếu ngân hàng do áp lực bán chốt lời gia tăng cũng khiến nhiều mã quay đầu điều chỉnh, điển hình là cổ phiếu SHS giảm 2,7% xuống mức 50.100 đồng/CP, nhưng thanh khoản tăng vọt lên 10,57 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trên UPCoM, thị trường vẫn giữ sắc xanh trong suốt cả phiên sáng.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,98 điểm (+0,86%), lên 114,5 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 174,89 triệu đơn vị, giá trị 2.575,15 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,85 triệu đơn vị, giá trị 125,8 tỷ đồng.

Cổ phiếu dầu khí BSR tiếp tục có phiên giảm khá sâu khi để mất 5,5% về mức giá thấp nhất trong phiên sáng nay 22.200 đồng/CP, nhưng vẫn dẫn đầu thanh khoản UPCoM, đạt 17,63 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng trên UPCoM vẫn tăng tốt như BVB tăng 7,17%, ABB tăng 2,86%, VAB tăng 5,65%, PGB tăng 7,54%.

Tác giả: T.Thúy

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến