Dòng sự kiện:
Giao dịch chứng khoán sáng 24/5: Nhiều mã bất động sản bùng nổ
24/05/2021 14:39:24
Bên cạnh lực đỡ chính đến từ một số mã lớn như CTG, VHM, VNM, dòng tiền đang có dấu hiệu chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu bất động sản, đã giúp VN-Index đứng vững trên mốc 1.290 điểm trong phiên sáng nay.

Bất chấp áp lực bán từ khối ngoại khi trạng thái bán ròng hàng trăm tỷ đồng, thậm chí hơn 1.000 tỷ đồng trong mỗi phiên giao dịch trong tuần vừa qua, thị trường vẫn giao dịch tích cực và chỉ số VN-Index, VN30-Index liên tục xác lập đỉnh lịch sử.

Đặc biệt, những điểm bất ngờ trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 21/5 như thị trường không còn là của riêng nhóm bluechip khi sắc xanh lan tỏa đã dẫn dắt chỉ số chung của thị trường đi lên cùng sự tham gia của dòng tiền mạnh khiến “căn bệnh cũ” nghẽn lệnh lại “tái phát”, khiến giới đầu tư kỳ vọng về một đợt sóng chứng khoán mới sẽ tái diễn.

Với những diễn biến khả quan trên, nhiều công ty chứng khoán cũng như các chuyên gia vẫn giữ quan điểm thị trường sẽ tiếp tục tích cực.

Theo đánh giá của CSI, những tín hiệu tích cực liên tục xuất hiện, giúp VN-Index duy trì một mạch 3 tuần tăng điểm liên tiếp và chưa có một tín hiệu đáng lo ngại nào cho thấy sự đảo chiều xu hướng. Tuy nhiên, đây cũng là vùng đỉnh của thị trường, nên không khuyến nghị nhà đầu tư sử dụng margin và nên duy trì tài khoản ở một tỷ trọng có thể kiểm soát được rủi ro.

Bên cạnh đó, ông Ngô Quốc Hưng, chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường - CTCK MBS cho rằng, nếu tính theo giá đóng cửa thì chỉ số VN-Index đang ở đỉnh cao mới, cơ hội để thị trường mở rộng đà tăng vẫn tiếp diễn khi thanh khoản đang được duy trì ở mức kỷ lục kể từ đầu tháng 5 cho tới nay, sự suy yếu của nhóm blue-chips VN30 ở phiên cuối tuần chưa làm ảnh hưởng đến xu hướng chung của thị trường khi độ rộng rổ này vẫn ở trạng thái tích cực và thanh khoản chưa có dấu hiệu đạt đỉnh.

Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 24/5, lực cầu vẫn duy trì khá tốt giúp sắc xanh lan tỏa thị trường và chỉ số VN-Index tiếp tục tiến bước và dễ dàng chạm mốc 1.290 điểm.

Ngay khi chạm ngưỡng kháng cự này, áp lực bán đã gia tăng và tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip khiến thị trường giật lùi. Tuy nhiên, dòng tiền chảy mạnh và có tính lan tỏa đã nhanh chóng giúp VN-Index bật mạnh đi lên, hướng tới đỉnh mới 1.300 điểm.

Sắc xanh đang bao phủ trên diện rộng của bảng điện tử với sự dẫn dắt chính của một số mã lớn như VHM và VNM tăng trên dưới 2%, cùng dòng bank đua nhau khởi sắc với điểm sáng là các mã lớn BID, CTG tăng trên dưới 3%.

Mặc dù sắc xanh chiếm chủ đạo trong nhóm VN30 nhưng biên độ tăng khá hẹp nên không hỗ trợ nhiều cho đà tăng của thị trường, trong khi đó, ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đua nhau tăng mạnh, đã giúp VN-Index đứng vững trên mốc 1.290 điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 228 mã tăng và 168 mã giảm, VN-Index tăng 10,66 điểm (+0,83%) lên 1.294,59 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 449 triệu đơn vị, giá trị 14.356,8 tỷ đồng, giảm 7% về khối lượng và gần 6% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 21/5. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 16,92 triệu đơn vị, giá trị 740,55 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng chủ yếu biến động lình xình với mức tăng giảm nhẹ quanh mốc tham chiếu, ngoại trừ cặp đôi BID và CTG. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý chính là sức nóng của BID đã giảm đáng kể sau phiên bùng nổ cuối tuần trước khi tạm dừng phiên sáng nay chỉ tăng 2,3% lên mức 45.800 đồng/CP.

Trong khi đó, CTG “đổi ngôi” và là mã tăng tốt nhất của dòng bank trên HOSE, với mức tăng 4,9% lên 50.600 đồng/CP, đồng thời thanh khoản cũng tăng vọt, lên hơn 21,25 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản toàn thị trường, chỉ thua STB khớp lệnh 21,78 triệu đơn vị.

Không chỉ nhóm cổ phiếu ngân hàng, chủ yếu các mã giữ được sắc xanh trong nhóm VN30 cũng chỉ nhích nhẹ trên dưới 0,5%. Đáng kể có BVH tăng 1,7% lên 54.200 đồng/CP, VHM tăng 1,8% lên 105.800 đồng/CP, VNM tăng 2,1% lên 91.100 đồng/CP.

Bên cạnh dòng bank và nhóm cổ phiếu thép biến động giằng co, cùng nhóm cổ phiếu chứng khoán phân hóa nhẹ, thì nhóm cổ phiếu bất động sản lại có dấu hiệu khởi sắc.

Điển hình, cổ phiếu DXG bùng nổ khi tăng 7% lên mức giá trần 26.050 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh vượt xa thanh khoản trong những phiên giao dịch gần đây và đứng thứ 3 về thanh khoản trên sàn HOSE, đạt hơn 17,6 triệu đơn vị. Ngoài ra, DXG còn trắng bên bán và dư mua trần hơn 1,83 triệu đơn vị.

Ngoài ra, DIG tăng 6,7% lên sát mức giá trần 30.050 đồng/CP, IJC tăng 5,8% lên 28.050 đồng/CP, SCR và ASM tiếp tục khoe sắc tím và dư mua trần 1,12 – 1,57 triệu đơn vị, KBC tăng 4,1% lên 34.150 đồng/CP, NLG, HQC, ITA… cũng tăng trên 2%.

Trên sàn HNX, áp lực bán thường trực khiến thị trường rung lắc, thậm chí có thời điểm điều chỉnh nhẹ, nhưng lực đỡ từ nhóm cổ phiếu bluechip đã nhanh chóng giúp HNX-Index hồi phục.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 86 mã tăng và 87 mã giảm, HNX-Index tăng 0,95 điểm (+0,32%) lên 298,94 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 59,34 triệu đơn vị, giá trị 1.266,94 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,2 triệu đơn vị, giá trị 34,53 tỷ đồng.

Cũng như sàn HOSE, các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán trên HNX cũng biến động lình xình với các mã SHB, BVS, MBS… giảm nhẹ, còn NVB, SHS, BAB… tăng nhẹ trên dưới 0,5%.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động có đóng góp tích cực với CEO tăng 7,5% lên gần mức giá trần 10.000 đồng/CP, NDN tăng 3,9% lên 23.800 đồng/CP.

Ngoài ra, các mã lớn cũng giao dịch khởi sắc như PVS tăng 4,3% lên 22.000 đồng/CP, IDC tăng 1,1% lên 36.300 đồng/CP, các mã THD, PAN, VCS, VIF, PVI đều nhích nhẹ.

Về thanh khoản, cặp đôi SHS và SHB dẫn đầu trên sàn HNX với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 6,26 triệu đơn vị và hơn 6 triệu đơn vị. Trong khi SHS tạm dừng phiên sáng ở mức giá 33.000 đồng/CP, tăng 0,3%, thì SHB lại giảm 0,3% xuống mức 29.000 đồng/CP.

Trên UPCoM, sắc xanh giữ vững suốt cả phiên sáng dù có chút hạ nhiệt về cuối phiên.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,69 điểm (+0,85%) lên 82,32 điểm với 133 mã tăng và 86 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 31,35 triệu đơn vị, giá trị 506,29 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 56 triệu đơn vị, giá trị 862,94 tỷ đồng, trong đó TID thỏa thuận 54,53 triệu đơn vị, giá trị 817,95 tỷ đồng.

Cổ phiếu dầu khí BSR tiếp tục giữ sắc xanh khi tăng 4,1% lên mức 15.400 đồng/CP và là mã thanh khoản tốt nhất UPCoM, đạt 4,93 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, cổ phiếu ngân hàng BVB vẫn tăng mạnh và có thời điểm được kéo lên mức giá trần. Tạm chốt phiên sáng nay, BVB tăng 11,4% lên 18.600 đồng/CP với khối lượng giao dịch hơn 4,55 triệu đơn vị. Trong khi ABB đảo chiều giảm 1% xuống 19.300 đồng/CP và khớp 2,31 triệu đơn vị.

Tác giả: T.Thúy

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến