Xu thế hợp tác và chia sẻ giữa công ty Fintech và ngân hàng, giữa ngân hàng với ngân hàng là xu thế tất yếu, bởi không một ai có đủ tiềm lực để tự tin một mình có thể “làm chủ” trong thị trường lớn như hiện nay.
Đó là nhận định chung của các chuyên gia có mặt tại hội Hội nghị Ngân hàng Việt Nam với chủ đề “Đột phá từ số hoá ngân hàng” vừa diễn ra vào sáng ngày 16/5.
Hiện tại, đã có 94% ngân hàng Việt Nam đã thực hiện chuyển đổi số. Trong đó, phần lớn các ngân hàng Việt Nam đã triển khai ngân hàng số ở cấp độ chuyển đổi về quy trình và kênh giao tiếp, và chuyển đổi về nền tảng dữ liệu mới được triển khai tại một số ngân hàng tiên phong.
Cụ thể, nhiều ngân hàng đã triển khai cung ứng một số dịch vụ ngân hàng đổi mới, sáng tạo như, TPBank với dịch vụ ngân hàng tự động LiveBank; Vietcombank với không gian giao dịch công nghệ số Digital Lab và dự án chuyển đổi số quy mô lớn; Vietinbank với Corebank thế hệ mới-hiệu suất cao, tích hợp đa dịch vụ và kho dữ liệu doanh nghiệp (EDW) hiện đại; VPbank với ứng dụng ngân hàng số Timo; MB với ứng dụng trợ lý ảo ChatBot phục vụ KH 24x7 trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 20% khách hàng thường xuyên giao dịch trên các kênh ngân hàng điện tử. Khi được hỏi về việc liệu có phải các công ty Fintech đang tranh giành lợi thế trong việc thanh toán với ngân hàng hay không, ông Phạm Thành Đức, CEO M-Service (MoMo) chia sẻ: Nếu quay ngược thời gian trở về năm năm trước, thì đó đúng là câu hỏi lớn của rất nhiều người. Nhưng bây giờ rất cần có sự hợp tác win-win giữa công ty Fintech và ngân hàng.
"Khoảng năm năm trước, chúng tôi thường xuyên gặp khó khăn khi đề cập hợp tác với ngân hàng, nhưng trong vài năm trở lại đây thì Momo đã có sự hợp tác trực tiếp với khoảng 20 ngân hàng lớn nhỏ ở Việt Nam bao gồm cả ngân hàng nội và ngoại. Sau một hồi tìm hiểu thì các ngân hàng đều nhận thấy việc “lợi dụng” thế mạnh của nhau để cùng phát triển là điều quan trọng nhất và đều đem lại lợi ích cho cả hai bên", ông Đức nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Đức cũng cho biết thêm: Thị trường fintech có rất nhiều lĩnh vực, trong đó thanh toán chiếm đến 90% và cho đến thời điểm hiện tại thì cũng có khoảng gần 30 giấy phép của các công ty Fintech được NHNN cấp, nhưng trong đó chỉ có 3-4 ví điện tử thực sự có người dùng.
Phó Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước Lê Anh Dũng. (Ảnh: A.H)
Tại hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước Lê Anh Dũng cho rằng việc áp dụng ngân hàng số sẽ giúp giảm chi phí giao dịch. Chẳng hạn, chi phí giao dịch qua ngân hàng số còn 8-10 USD/khách hàng, trong khi chi phí truyền thống lên đến 60-70 USD/khách.
Ông Dũng dẫn số liệu cho thấy số lượng giao dịch năm 2018 thông qua Internet là 255 triệu lượt, tương ứng với giá trị 16 triệu tỷ đồng, tăng 19,5% so với 2017. Giá trị giao dịch thông qua điện thoại là 1,86 triệu tỷ đồng, tăng 169%. Việt Nam có nền tảng cho phát triển ngân hàng số như cả nước có 18.500 ATM, 270.000 POS, 41 ngân hàng triển khai mobile banking…
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, đại diện Vietcombank cho biết khách hàng đang dành nhiều thời gian hơn để tương tác online. Chính vì vậy, 94% ngân hàng Việt Nam đang đầu tư vào việc chuyển đổi số, trong đó khoảng 40% nhà băng coi ngân hàng số là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược kinh doanh.
Tuy nhiên, phần lớn các ngân hàng Việt Nam mới triển khai ngân hàng số ở cấp độ chuyển đổi về quy trình và kênh giao tiếp, trong khi đó chuyển đổi về nền tảng dữ liệu chỉ mới được triển khai tại một số ngân hàng. Đồng thời, người tiêu dùng hiện nay vẫn chưa quan tâm nhiều với những cải tiến số hoá từ những dịch vụ của ngân hàng. Theo bà Hằng, hiện chỉ có 20% khách hàng thường xuyên giao dịch trên các kênh ngân hàng điện tử.
Phó Vụ trưởng Vụ thanh toán cho rằng ngân hàng cũng chịu nhiều thách thức khi chuyển đổi như thiếu nguồn lao động chất lượng cao, rủi ro an ninh mạng sẽ phát sinh từ các hành vi gian lận, lừa đảo…Đồng thời, ngân hàng cũng sẽ thiếu nguồn vốn để đầu tư chuyển đổi, sự sẵn sàng hợp tác và cạnh tranh với Fintech…
Khánh Linh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy