Dòng sự kiện:
Giáo viên ở Mường Lát xin chuyển công tác: Nỗi lòng người 'gieo' chữ trên non
18/08/2017 19:50:20
Cách thành phố Thanh Hóa 247 km về phía tây, trong vô vàn những khó khăn, nhiều giáo viên ở huyện Mường Lát vẫn ngày đêm âm thầm “cõng” chữ về với bản làng.

Bản nhiều trường, trường một cô

Trường tiểu học Tây Tiến nằm tại bản Xi Lô, thuộc xã Mường Lý, huyện Mường Lát, toàn trường có hơn 300 học sinh nhưng tách thành 7 khu lẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho các em đến lớp. Trong số đó, có trường chỉ có một cô giáo với một lớp ghép.

Vượt hơn 24km đường rừng, chúng tôi có mặt tại trường Trung Tiến 1, thuộc trường Tiểu học Tây Tiến. Nơi mà các thầy cô phải sống trong cảnh "4 không": không đường, không nước sạch và đặc biệt là không có sóng điện thoại.

Các thầy cô ở trường đa số có thâm niên, công tác từ 5 đến 25 năm... Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng họ vẫn bám trụ nơi đây để mang con chữ về cho dân bản.

Không có điện để xem ti vi, không có sóng nghe đài, thầy cô cũng giống như dân bản, gần như "mù" thông tin. Lâu lâu, họ mới nhận được tờ báo cũ từ trung tâm xã đọc để nắm bắt thông tin.

Để vào được trường, các thầy cô phải vượt hơn 24km đường rừng rất nguy hiểm

Cô giáo Lê Thị Thương chia sẻ: “Ra trường, em xin về đây công tác, mong muốn được biên chế để ổn định. Những ngày đầu mới lên đây, nhớ nhà, buồn tủi nên đêm nào em cũng khóc. Nhiều khi muốn buông xuôi, nhưng thấy thương các em, họ rất quý và tôn trọng những người thầy cô như chúng em nên...”

Nhớ lại những ngày đầu lên đây công tác, thầy Hà Văn Nghị, quê Bá Thước chia sẻ: “Chúng tôi ra trường, được chuyển về đây công tác. Trường chỉ có 1 lớp ghép đã rất khó khăn cho việc dạy và học, tuy nhiên khó khăn hơn là chúng tôi bất đồng về ngôn ngữ, thầy nói trò không hiểu, trò nói thầy không hay. Các thầy cô trong trường đã thiếu rồi còn phải xin thêm 1 người làm thông dịch viên...”

Sống trong môi trường 4 không, các thầy cô lâu dần cũng quen, những ngày không lên lớp, họ rủ nhau trèo lên những đỉnh núi cao để dò sóng điện thoại. Trong một lần dò sóng vào năm ngoái, cô giáo Nguyễn Thị Huê đã trượt chân rơi xuống núi và bị gãy tay.

Để có thể liên lạc được với thế giới bên ngoài, ban giám hiệu nhà trường đã yêu cầu tất cả các điện thoại của thầy cô đều báo cuộc gọi nhỡ. 1 tuần hai lần, có thầy cô mang hết điện thoại ra khu vực có sóng để xem cuộc gọi nhỡ, đồng thời gọi lại xem có gì quan trọng không. Nếu quan trọng sẽ về báo để thầy cô đó được biết.

cô giáo Nguyễn Thị Huê, (áo Trắng ) và cô Lê Thị Huệ đang vận động bà con cho các em đến trường.

Nhiều năm bám bản, thầy cô ở đây không còn biết mình là người dân tộc nào nữa. Vì thầy cô đều nói thông thạo các thứ tiếng dân tộc như người bản địa. Những phong tục tập quán của bà con nơi đây họ cũng thuộc như nằm lòng.

Để chuẩn bị cho năm học mới, các thầy cô phải cất bộ hơn 30km đường núi đến từng nhà vận động các em đến lớp, mang chế độ đến với các em, để các em đến lớp.

Do đường xá đi lại khó khăn, lại xa nên rất ít khi các thầy cô về nhà, chỉ khi có việc khẩn cấp mới xin về được một ngày lại phải đi lên. Nhớ chồng, nhớ con nhưng họ đành phải chịu.

Trong những điểm trường ấy, có trường Sài Khao, Trung Thắng là khó đi hơn cả. Để lên được đấy phải lắp xích vào bánh xe thì mới leo lên được. Chỉ cần một trận mưa nhỏ, đường bỗng lầy lội dính chặt bánh xe không đi lại được.

Thức ăn chủ yếu của các thầy cô ở đây chủ yếu là cá khô, trứng và mì tôm. Đây là những thứ có thể dự trữ được. Lâu lâu, các em biếu thầy cô thêm ít măng rừng, hay củ khoai để cải thiện bữa ăn.

Cô giáo Nguyễn Thị Chi đang chuẩn bị cơm chiều đón thầy cô đi hội thao ở trung tâm xã về trường.

Những em bé phải cai sữa trước 6 tháng

Không chỉ các thầy cô mà chính những người thân trong gia đình họ cũng chịu cảnh khó khăn thiếu thốn, nhất là những em nhỏ. Chúng thiếu tình yêu, sự săn sóc của người mẹ, người cha.

Cô giáo Nguyễn Thị Chi chia sẻ: “Vất vả lắm chú ạ, tôi vừa sinh con, nghỉ chế độ thai sản 6 tháng thì phải lên đây công tác. Do đường xa không mang con theo được nên đành cai sữa cháu khi mới 6 tháng tuổi…”

Không chỉ có vậy, những đứa con của các thầy cô ở đây đa số thiếu thốn tình cảm của bố, của mẹ. Chúng lớn lên trong vòng tay yêu thương của bà, của bác.

Thầy Lê Xuân Viên, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Không cho các thầy cô nghỉ thì thương, nhưng cho nghỉ lại rất lo. Đường sá xa, đi lại khó khăn, các cô tay lái yếu, chỉ cần sơ ý một chút có thể mất mạng…

Cũng theo lời thầy Viên, cuộc sống của thầy cô giáo ở đây thiếu thốn rất nhiều. Hàng ngày họ lên lớp, tối lại thắp đèn dầu soạn giáo án. Có những cô đến tháng vẫn không thể xuống trung tâm để mua băng vệ sinh...

Những ngày nghỉ lên lớp mà không về nhà, các thầy cô rủ nhau lên rừng đi hái măng về sấy khô để làm quà cho những người dưới xuôi. Có thầy cô tự cuốc đất trồng rau để ăn.

Phòng ngủ của thầy cô cũng tồi tàn. Ngoài bàn để soạn giáo án thì chẳng có gì đáng giá. Tại khu chính của trường Tây Tiến, mỗi phòng thầy cô đều phải có thêm 2 đến 3 em học sinh trọ lại.

Những thầy cô ban đầu lên với bản làng nuôi hi vọng đủ năm công tác sẽ chuyển về. Nhưng lâu dần, ý định ấy không còn tồn tại trong họ. Họ chỉ biết làm sao để học sinh đến trường đông hơn, khỏe mạnh hơn. Ở đây, họ nhiều khi không chỉ là người thầy giáo mà còn là người thầy thuốc, người anh, là chỗ dựa cho bà con...

Hà Khải

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến