Dòng sự kiện:
Giật mình với số người nhảy sông Hương tìm đến cái chết
04/12/2017 19:40:01
Tự tử là không phải là là hành vi mạnh mẽ mà đó là một hành vi yếu đuối khi tự mình tìm lối thoát ích kỷ, để lại biết bao gánh nặng tinh thần cho người thân, bạn bè.

Theo thống kê của Công an TP Huế (Thừa Thiên – Huế), chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay đã có gần 30 người dân nhảy xuống sông Hương, đoạn qua địa phận TP Huế để tự tử. Đồng thời, tình trạng người dân tự tử bằng cách nhảy xuống sông Hương đang có chiều hướng gia tăng theo thời gian.

Người phụ nữ (mặc áo hồng) vừa được các chiến sỹ CSGT cứu sống sau khi nhảy xuống sông Hương tự tử.

Mới đây, vào khoảng 16h30 ngày 1/12, tại cầu Phú Xuân thuộc địa phận TP Huế, chị Đ.T.N.D bất ngờ trèo qua lan can cầu gieo mình xuống sông Hương tự tử. Khi chị D. nhảy cầu, một cán bộ CSGT Công an TP Huế đang làm nhiệm vụ tại chốt trực ở cầu Trường Tiền nhìn thấy.

Ngay sau khi chứng kiến sự việc, cán bộ CSGT này lập tức điện báo cho lãnh đạo Đội CSGT Công an TP Huế để sử dụng ca nô ứng cứu nạn nhân. 

Nhờ xử lý nhanh và chuyên nghiệp, chỉ sau một thời gian vật lộn với sóng nước, lực lượng CSGT đã tiếp cận được với chị D. và cứu sống chị.

Trước đó, vào khoảng 23h30 ngày 23/8, người nhà nhận được tin nhắn của anh T.V.A.T. (19 tuổi, là sinh viên năm đầu trường Cao đẳng Du lịch Thừa Thiên - Huế ), trú đường Thạch Hãn, TP Huế thông báo việc anh này sẽ nhảy cầu Dã Viên tự tử. Gia đình hốt hoảng chạy đến để can ngăn thì thấy nam sinh này đã trèo qua lan can cầu và nhảy xuống sông Hương. Do sự việc diễn ra quá nhanh, người thân của T. chỉ biết bất lực đứng nhìn thương xót.

Liên quan đến thực trạng trên, trao đổi với ANTT, Thạc sỹ tâm lý Đỗ Văn Nghĩa, công tác tại Trường Trung cấp Âu Lạc (Thừa Thiên - Huế) chia sẻ, gần 30 người nhảy sông tự tử trong gần một năm là con số khiến nhiều người bàng hoàng. Vì sông Hương vẫn thường được biết là là dòng sông thơ mộng, xuất hiện nhiều trong thơ ca, nay vì tình trạng tự tử mà vô tình biến thành nơi người ta thường tìm về cõi chết.

Thạc sỹ Nghĩa chia sẻ thêm, theo thông tin từ báo chí, các nạn nhân tự tử tại sông Hương đoạn chảy qua địa bàn thành phố Huế thuộc nhiều độ tuổi khác nhau. Đồng thời, được biết phần lớn nguyên nhân của các vụ tự tử vì nạn nhân gặp những bế tắc trong một thời gian dài do khó khăn về kinh tế, giao tiếp với người xung quanh. Phải khẳng định rằng, đối phó với những bế tắc trong cuộc sống bằng cách tự tự là một hành vi thiếu lý trí và đặc biệt rất ích kỷ. Bởi nó để lại cho người thân những nỗi đau về tinh thần và gánh nặng về kinh tế.

Lực lượng chức năng đang tìm kiếm một người đàn ông nhảy sông Hương tự tử.

Còn nhiều nguyên nhân khác dẫn tới hành động tự tử của các nạn nhân trên dòng sông Hương. Với mỗi nguyên nhân khác nhau thì cách ứng phó, đề phòng khác nhau. Riêng về góc độ tâm lý, khả năng ứng phó với khó khăn trong cuộc sống của người một bộ phận lớn người dân mà trong đó có các em học sinh, sinh viên chưa được tốt, điều này biểu hiện trong nhiều hành vi ứng phó tiêu cực, lảng tránh, chạy trốn những khó khăn mà cá nhân đang gặp phải, điển hình là việc tìm đến chất kích thích: rượu, bia, thuốc lá… và nguy hiểm hơn nữa là tự tử để “giải tỏa” vấn đề.

Vì vậy, giải quyết “bài toán” việc làm và thu nhập cho người dân là việc làm cần thiết đối với người trong độ tuổi lao động. Ngoài ra, tăng cường giảng dạy, bồi dưỡng và giảng dạy, bồi dưỡng hiệu quả các kỹ năng sống song song việc truyền đạt kiến thức trong nhà trường là giải pháp hữu hiệu cho học sinh – sinh viên.

Với mỗi cá nhân nếu gặp khó khăn, bế tắc trong cuộc sống hãy tìm đến những người thân thiết để giải tỏa và nhờ họ hướng cho cách xử lý… Nhìn chung, với mỗi sự việc và cụ thể việc nhảy cầu tự tử ở Tp Huế trong thời gian gần đây không phải là trách nhiệm từ 1 cá nhân mà cần sự chung tay của xã hội; các biện pháp cần thực hiện một cách thiết thực, quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả thì mới hạn chế được các sự việc không đáng có xảy ra.

“Tự tử là không phải là hành vi mạnh mẽ mà đó là một hành vi yếu đuối khi tự mình tìm một lối thoát ích kỷ, nhưng sau đó để lại biết bao gánh nặng tinh thần cho người thân, bạn bè. Đúng là trong cuộc sống đôi khi người ta gặp phải điều tuyệt vọng nhưng không vì thế mà hành động bốc đồng, dại dột. Dù vượt qua sự bế tắc không dễ dàng nhưng hãy nói ra những khó khăn mình đang gặp phải với những người xung quanh để nhận sự trợ giúp. Sự trợ giúp đó có thể nhỏ nhưng sẽ là lời động viên để bớt đi sự yếu đuối và thêm điểm tựa níu kéo cuộc sống”, Thạc sỹ Đỗ Văn Nghĩa nói.

Lê Kông

 

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến