Hội đồng Y khoa quốc gia khôn hợp cấp phép hành nghề
Phát biểu tranh luận tại phiên thảo luận về dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) sáng 13/6, ĐBQH Nguyễn Trí Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đoàn Tp.HCM cho rằng, giấy phép hành nghề không phải là bằng cấp chuyên môn, không thể hiện là chuyên môn cao hay chuyên môn thấp.
Nhưng, giấy phép hành nghề bao gồm hai vế gồm có bằng cấp chuyên môn cần thiết cộng thêm hiểu biết pháp luật nước sở tại để sử dụng chuyên môn áp dụng vào phục vụ khám chữa bệnh cho đúng pháp luật, quy định của địa phương và của quốc gia.
Bên cạnh đó, về quy định chỉ có Hội đồng y khoa Quốc gia tổ chức kiểm tra, cấp giấy phép hành nghề, đại biểu nêu rõ quy định như trên là không hợp lý.
Lý giải quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Trí Thức cho biết, chỉ có một tổ chức cho cả nước thì khối lượng công việc sẽ rất lớn, số lượng bác sĩ trên cả nước cũng rất lớn có thể quá tải, ách tắc và khó khăn trong việc cấp giấy phép hành nghề.
ĐBQH Nguyễn Trí Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đoàn Tp.HCM phát biểu tranh luận.
Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cũng nêu rõ, Hội đồng y khoa Quốc gia không phải cơ quan quản lý nhà nước hay cơ quan hành chính, mà là một tập thể nên không phù hợp để cấp giấy phép hành nghề.
Do đó, ông đề nghị Hội đồng Y khoa Quốc gia có trách nhiệm xây dựng chuẩn năng lực hành nghề, xây dựng ngân hàng câu hỏi để công khai;
Xây dựng quy chế tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh, xây dựng tiêu chuẩn các cơ sở y tế đủ năng lực để cấp giấy phép hành nghề, kiểm tra, đánh giá giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh, trên cơ sở là các cơ sở đủ điều kiện do Bộ Y tế thẩm định tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực.
Các cơ sở đó sẽ được tổ chức kiểm tra để đánh giá năng lực hành nghề và thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề sẽ do Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các sở y tế cấp như hiện nay.
Về quy định áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám, chữa bệnh. Đại biểu cho rằng cần phân biệt kỹ thuật điều trị và phương pháp điều trị.
Theo đại biểu, vấn đề này khác nhau vì kỹ thuật điều trị chỉ là một phần của phương pháp điều trị.
Do đó, đối với thực hiện kỹ thuật điều trị cần phải kiểm tra, thẩm định, xác định cho từng cơ sở. Ông đề nghị cần bổ sung thêm kỹ thuật điều trị và cải tiến điều trị mới trong dự thảo Luật.
Hội đồng Y khoa quốc gia nên được giao những nhiệm vụ lớn
Đóng góp ý kiến, đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) cho rằng, về chức danh nghề nghiệp phải có giấy phép hành nghề tại Điều 18 dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi đang quy định chỉ phù hợp với các hình thức tổ chức của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mà không phù hợp với hình thức y tế trường học tại các cơ sở giáo dục.
Hiện tại, quy định trong các cơ sở giáo dục, cán bộ y tế có giấy phép hành nghề là không phù hợp, không cần thiết trong các cơ sở giáo dục không thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh trừ một số cơ sở giáo dục có đủ điều kiện thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải đáp ứng điều kiện để tổ chức hoạt động theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và phát sinh nhiều thủ tục khó khăn cho việc tích lại kinh phí từ quỹ bảo hiểm y tế cho công tác khám sức khỏe cho học sinh.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ Y tế cần quy định rõ việc không áp dụng quy định về phải có giấy phép hành nghề đối với cán Bộ y tế trong các cơ sở giáo dục.
Đại biểu Phạm Thị Kiều cho rằng Hội đồng Y khoa quốc gia nên được giao những nhiệm vụ lớn.
Về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề tại Điều 26 dự thảo luật quy định thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép hành nghề thuộc thẩm quyền của Hội đồng y khoa quốc gia, đại biểu Phạm Thị Kiều nêu quan điểm: “Hội đồng Y khoa quốc gia nên được giao những nhiệm vụ lớn như: tư vấn xây dựng thể chế, chính sách sách về y tế, khám bệnh, chữa bệnh và giải quyết những vấn đề khó về chuyên môn chứ không nên giao đảm nhiệm các công việc thực thi tác nghiệp, cụ thể như việc tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề”.
Theo đại biểu, việc này nên quy định giao cho các cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức độc lập thực hiện theo đối với nhiều chứng chỉ hành nghề khác mà không cần thiết phải do Hội đồng ở tầm quốc gia trực tiếp thực hiện.
Để đảm bảo theo đúng yêu cầu của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của các địa phương.
Đồng thời, để tạo thuận lợi hơn cho người đề nghị cấp giấy phép hành nghề, giảm chi phí thủ tục hành chính, chỉnh sửa quy định về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề theo địa bàn quản lý như hiện hành. Giám đốc Sở Y tế của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp giấy phép hành nghề cho tất cả các trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều 18 theo từng địa bàn quản lý".
Phải thực chất, tránh hình thức
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, (đoàn Đồng Tháp) đồng tình với quy định về thi đánh giá năng lực cấp chứng chỉ hành nghề theo niên hạn trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Theo đại biểu, hiện nước ta 27 trường có đào tạo khối ngành y điểm đầu vào cũng như chất lượng đào tạo khác nhau, nhưng với quy định hiện hành chưa có bất cứ một tiêu chí nào để có thể phân định chất lượng giữa các sản phẩm của các trường này.
Do vậy, cần có một kỳ thi trung đánh giá năng lực bảo đảm chính xác, công bằng và có thể coi việc thi đánh giá năng lực cấp chứng chỉ hành nghề là bước đột phá để tạo động lực đổi mới toàn diện đào tạo ngành y khoa.
Đại biểu khẳng định, đây là một chính sách mới, đề nghị cần phải có lộ trình bảo đảm tính khả thi và có một quy trình đủ chặt để bảo đảm nghiêm túc, chính xác, khách quan và để tránh hình thức, cần có đủ chế định về cơ cấu tổ chức bộ máy sẽ làm việc này.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa bày tỏ làm sao để cấp giấy phép hành nghề phải thực chất, tránh hình thức.
Góp ý về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề tại Điều 26 hiện có hai phương án với hai luồng ý kiến khác nhau. Qua nghiên cứu, đại biểu cho rằng quy định giao Hội đồng y khoa quốc gia cấp và thu hồi giấy phép hành nghề là một mô hình lý tưởng.
“Tuy nhiên, vấn đề là làm sao để Hội đồng y khoa quốc gia có thực quyền và làm sao để hoạt động đi và cấp giấy phép hành nghề phải thực chất, tránh hình thức”, đại biểu nói.
Theo đại biểu đoàn Đồng Tháp, điều này phụ thuộc vào cơ cấu, thành phần và địa vị pháp lý của tổ chức này. Trên thực tế, từ khi chính thức được Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định thành lập vào cuối năm 2020, đến nay Hội đồng y khoa quốc gia Việt Nam vẫn chỉ mang tính chất là cơ quan giúp việc cho Bộ trưởng Bộ Y tế, do Bộ trưởng Bộ Y tế giữ chức vụ kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng. Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng. Còn các chức vụ kiêm nhiệm Phó Chủ tịch Hội đồng sau một Thứ trưởng Bộ Y tế và một số lãnh đạo cục chuyên môn của Bộ Y tế nắm giữ.
Như vậy, nếu vẫn duy trì cơ cấu và địa vị pháp lý này, thì việc quy định Hội đồng y khoa viết ra trong luật này chỉ mang tính hình thức và không khả thi.
Do đó, để có căn cứ cho đại biểu lựa chọn phương án đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định rõ địa vị pháp lý việc thành lập, tổ chức hoạt động của Hội đồng y khoa quốc gia, với tư cách là một cơ quan độc lập với Bộ Y tế và hoạt động thuần túy về chuyên môn.
Tác giả: Hoàng Thị Bích
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy