Các nhà giao dịch đang theo dõi chặt chẽ các bài phát biểu của các quan chức Fed trong tuần này, bao gồm cả Chủ tịch Jerome Powell vào thứ Ba, để tìm kiếm bất kỳ thay đổi nào trong tuyên bố của Fed sau khi dữ liệu tuần trước cho thấy hoạt động dịch vụ diễn ra mạnh mẽ trong tháng 1 cũng như tăng trưởng việc làm đầy bất ngờ.
Brian Jacobsen, Chiến lược gia đầu tư cao cấp tại Allspring Global Investments cho biết: "Chúng tôi nhận được báo cáo việc làm bùng nổ đó và mọi người đã phải đánh giá lại triển vọng của Fed và nền kinh tế. Ngày mai sẽ rất thú vị để xem liệu Powell có tiếp tục chuyển đổi từ diều hâu sang bồ câu hay không”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen hôm thứ Hai cho biết, nền kinh tế Mỹ thể tránh được một cuộc suy thoái do lạm phát đang giảm trong khi thị trường lao động vẫn mạnh.
Sau khi bị ảnh hưởng vào năm 2022, chứng khoán Mỹ đã phục hồi mạnh mẽ vào năm 2023, dẫn đầu là các cổ phiếu tăng trưởng vốn hóa siêu lớn, trong bối cảnh hy vọng ngắn ngủi rằng Fed sẽ giảm bớt các đợt tăng lãi suất, từ đó có thể giảm bớt một số áp lực lên giá trị cổ phiếu.
Những người tham gia thị trường tiền tệ hiện thấy tỷ lệ lãi suất chuẩn đạt đỉnh 5,1% vào tháng 7, phù hợp với những gì mà hầu hết các nhà hoạch định chính sách đã nhiều lần ủng hộ.
Về phía doanh nghiệp, các nhà phân tích kỳ vọng thu nhập hàng quý của các công ty S&P 500 sẽ chỉ giảm 2,8% trong quý IV/2022, theo Refinitiv.
Kết thúc phiên 6/2, chỉ số Dow Jones giảm 34,99 điểm (-0,10%), xuống 33.891,02 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 25,40 điểm (-0,61%), xuống 4.111,08 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 119,50 điểm (-1,00%), xuống 11.887,45 điểm.
Chứng khoán châu Âu giảm, do lo ngại rằng chu kỳ tăng lãi suất toàn cầu có thể kéo dài lâu hơn dự kiến, qua đó khiến ảnh hưởng đến cổ phiếu công nghệ và bất động sản, vốn nhạy cảm với lãi suất.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,8% xuống 457,07 điểm.
Gần như tất cả các chỉ số ngành đều chìm trong sắc đỏ, với các cổ nhạy cảm với lãi suất như công nghệ và phiếu bất động sản nằm trong số những nhóm chịu áp lực bán và giảm khoảng 2% mỗi chỉ số.
Trong đó, các công ty bất động sản niêm yết tại Stockholm Fabege, Fastighets AB Balder là những công ty có tỷ lệ sụt giảm hàng đầu trên STOXX 600, lần lượt mất 8,7% và 7,2%.
Những lo ngại xung quanh căng thẳng địa chính trị Trung-Mỹ gia tăng cũng ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, với cổ phiếu của các nhà sản xuất hàng xa xỉ tiếp xúc với Trung Quốc là Hermes International, LVMH và Kering giảm từ 1,8% đến 3,8%.
Ngân hàng Trung ương châu Âu mới đây đã có một giọng điệu tương đối diều hâu hơn so với các ngân hàng khác vào tuần trước sau khi tăng lãi suất 0,5% và báo hiệu rõ ràng một đợt tăng lãi suất khác trong tương lai.
Kết thúc phiên 6/2: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 65,09 điểm (-0,82%), xuống 7.836,71 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 130,52 điểm (-0,84%), xuống 15.345,91 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 96,84 điểm (-1,34%), xuống 7.137,10 điểm.
Giá dầu thô tăng khi thị trường cân nhắc nhu cầu trở lại từ Trung Quốc trước những lo ngại về nguồn cung và lo ngại về tăng trưởng chậm hơn ở các nền kinh tế lớn hạn chế tiêu dùng.
Kết thúc phiên 6/2, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 0,72 USD/thùng (+0,97%), lên 74,11 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,05 USD/thùng (+1,30%), lên 80,99 USD/thùng.
Tác giả: Lạc Nhạn