Dòng sự kiện:
Giữ nguyên diện kiểm soát với cổ phiếu Vietnam Airlines
08/09/2022 11:03:29
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM thông báo về việc giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines).

Ngày 1/6, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) ban hành Quyết định giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu Vietnam Airlines - CTCP.

Theo HoSE, vốn chủ sở hữu của HVN -2.160 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên BCTC kiểm toán 2 năm gần nhất (năm 2020, 2021) là số âm. Do đó, cổ phiếu HVN thuộc diện bị kiểm soát theo quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều 38 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/03/2022 của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Theo BCTC hợp nhất soát xét bán niên năm 2022 của HVN, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là -5.167,6 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 30/6/2022 là 28.904,2 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu -4.897,4 tỷ đồng.


Những tín hiệu tích cực đối với toàn thể người lao động Vietnam Airlines sau những ngày tháng khó khăn do dịch bệnh. Ảnh: Hoàng Hà

Do đó, theo quy định của Chính phủ, cổ phiếu HVN sẽ bị hủy bỏ niêm yết khi kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tiếp hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét,.

Vì vậy, HoSE lưu ý HVN về khả năng cổ phiếu bị hủy niêm yết nếu BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ và/hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.

Tính đến hết tháng 7, Vietnam Airlines ghi nhận số chuyến bay khai thác vượt 10,3% kế hoạch. Doanh thu vận tải hành khách đạt gần 26 nghìn tỷ (khoảng 1,1 tỷ USD), tăng gần 5.000 tỷ so với kế hoạch.

Đặc biệt, trong giai đoạn cao điểm hè, số lượt khách vận chuyển/ngày tăng 26,3% so cùng kỳ 2019 và tăng 9,7% so với kế hoạch. Đây là những tín hiệu tích cực đối với toàn thể người lao động Vietnam Airlines sau những ngày tháng khó khăn do dịch bệnh.

Theo Deloitte Việt Nam, khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê. Cộng thêm các vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn, có thể dẫn tới nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của tổng công ty.

Dự báo, thị trường quốc tế sẽ từng bước được phục hồi, kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines sẽ tích cực hơn vào nửa cuối 2022 và trong năm 2023.

Hãng cũng đã hoàn thành Đề án cơ cấu lại tổng công ty giai đoạn 2021-2025, đã báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tác giả: Ngọc Cương

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến