Dòng sự kiện:
[Góc nhìn chuyên gia] Xuất khẩu gạo: Nên dừng hay không?
05/04/2020 10:40:09
Quyết định ngừng xuất khẩu gạo hay không trong bối cảnh hiện nay đang là một chủ đề nóng được nhiều người quan tâm. PV ANTT đã có trao đổi với các chuyên gia để có cái nhìn đa chiều hơn về vấn đề này.

Trong văn bản gửi các bộ Công thương, Tài chính, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn hôm 25/3, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tạm dừng kí hợp đồng xuất khẩu gạo mới trong thời gian kiểm tra, đánh giá nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo của nước ta.

Nội dung này vẫn đang thu hút nhiều ý kiến trái chiều trong suốt thời gian qua. Liệu rằng ngừng xuất khẩu gạo có đánh mất cơ hội “vươn ra biển lớn” của các doanh nghiệp hay nếu xuất khẩu lúa gạo sẽ không đảm bảo an ninh lương thực trong tình hình dịch bệnh và hạn mặn đang diễn biến ngày một phức tạp?

Ngừng xuất khẩu gạo để đảm ảo an ninh lương thực quốc gia

Đảm bảo an ninh lương thực là nhiệm vụ hàng đầu

Ngày 3/4, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn. Thủ tướng nêu rõ: “Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 và thời tiết, biến đổi khí hậu đang diễn ra hết sức phức tạp, khó lường; dự báo ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và nguồn cung lúa gạo trong nước; một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã phong tỏa và tăng cường dự trữ lương thực… Do đó, việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay cần phải xem xét kỹ lưỡng, thận trọng; trước hết phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người nông dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan".

Do chưa có đủ số liệu thống kê, nên câu chuyện dừng lại hay đi tiếp của gạo Việt Nam vẫn đang được bỏ ngỏ và gây nhiều tranh cãi với đất nước hơn 96 triệu dân với những áp lực đang dồn nén đồng thời. Những câu hỏi về ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến sản lượng lúa gạo; tổng sản lượng ước tính là bao nhiêu; người dân sẽ tiêu thụ hết bao nhiêu; nếu nguồn cũng dư thừa, chúng ta có xuất khẩu không và số lượng bao nhiêu?... – đây là những câu hỏi đang chờ Bộ Công thương giải đáp trong ngày 6/4.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, người luôn quan tâm tới các lĩnh vực như cải cách thể chế và phát triển kinh tế chia sẻ: “Tôi có thể hiểu được tinh thần của Thủ tướng, đó là nguyên tắc đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh hiện nay với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Cái đó là rất quan trọng.

Nhưng chúng ta phải tính vấn đề thu nhập, về dài hạn, khi Việt Nam là nước có lợi thế về xuất khẩu nông sản, chủ yếu là lúa gạo. Có thể liên hệ với năm 2009, khi khủng hoảng gạo diễn ra. Lúc bấy giờ vì mình quá lo đến chuyện an ninh mà dừng lại việc xuất khẩu gây thiệt hại cho thu nhập của doanh nghiệp và đặc biệt là người nông dân. Tôi nghĩ đấy là một bài học.”   

“Trong nguy có cơ”

Nếu dịch bệnh và thiên tai đang là cái cớ để dừng xuất khẩu gạo thì đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời điểm nhu cầu lương thực trên toàn Thế giới tăng cao mà giá gạo thì “chỉ thấy tăng không giảm”. Trong khi một số quốc gia (trong đó có Việt Nam) ngừng xuất khẩu gạo, Thái Lan nghiễm nhiên “một mình một chợ”, đẩy giá mặt hàng này lên cao.

Trong lúc này Việt Nam không nên áp dụng chính sách dừng xuất khẩu gạo hoặc chế độ hạn ngạch (quota). Trên thực tế, theo TS Nguyễn Đức Thành, thành viên Liên minh Chính sách Nông nghiệp Việt Nam cho biết, đây là cơ hội để doanh nghiệp phát huy khả năng nhạy bén với thị trường. Ông Thành cũng phân tích: “Doanh nghiệp biết rằng khi nào giá gạo thế giới tăng, ví dụ từ 700 USD lên 800 USD rồi lên 1.000 USD hay thậm chí 1.500 USD, họ đều có quyền xuất khẩu bất cứ lúc nào với khối lượng tùy ý. Doanh nghiệp biết rõ họ sẽ thu được là bao nhiêu, biết nên tích trữ chờ đợi hay bán ngay. Và vì vậy, họ không bị lỡ nhịp các cơ hội trên thế giới, không quá thua thiệt với các đối thủ như Thái Lan".

Song, xuất khẩu không thể tự do mà phải được Chính phủ kiểm soát. Nếu chế độ hạn ngạch (quota) đã quá “lỗi thời” và có thể nảy sinh lợi ích nhóm, thì thuế sẽ là chiếc kìm điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp. Vị Tiến sĩ trẻ này cũng đề xuất: “Chính sách lúc này nên là đánh thuế xuất khẩu gạo. Mức thuế này sẽ tạo ra sự chênh lệch giá giữa gạo trong nước (phục vụ nhân dân và kho dự trữ quốc gia) và giá gạo thế giới (phục vụ doanh nghiệp và nhà nước có nguồn thu).”

Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo ra đời và có hiệu lực kể từ ngày 1/10/2018 thay thế cho Nghị định 109 đã đánh dấu bước chuyển mình trong hoạt động thương mại, xu hướng tự do hóa giúp các doanh nghiệp năng động hơn trong việc tìm kiếm, đáp ứng yêu cầu của thị trường, thay vì chờ đợi sự phân bổ của các hợp đồng tập trung như trước đây.

Đối với người nông dân, việc xuất khẩu gạo khi sản lượng lớn hơn khả năng tiêu thụ trong nước sẽ là phương án tối ưu để giữ giá cho người nông dân. Nếu cánh cửa này đóng lại, “khi nguồn cung thừa, gạo sẽ rất rẻ, bởi vì vẫn ê hề trong nước và rủi ro sẽ do người nông dân gánh chịu”. Vì vậy, việc cần làm trước hết phải đánh giá được nguồn cung lương thực hiện tại trong người dân và doanh nghiệp.

Tranh cãi sẽ chấm dứt vào ngày 6/4

Dù lập luận có ra sao thì mọi quyết sách đều phải dựa trên tình hình thực tế. Bởi vậy, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan về việc xuất khẩu gạo sớm có báo cáo trước ngày 5/4/2020. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương hoàn thiện phương án đề xuất, ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 6/4/2020.

Điều người dân cũng như các doanh nghiệp kì vọng không chỉ là một lệnh dừng hay tiếp tục xuất khẩu gạo. Hơn thế, đó phải là một quyết định dựa trên những con số thống kê đầy đủ, những dự báo có căn cứ và một lộ trình thực hiện rõ ràng. Như vậy, doanh nghiệp cũng như người nông dân sẽ chủ động trong hoạt động kinh doanh, sản xuất đồng thời Chính phủ và các cơ quan liên quan sẽ điều tiết và kiểm soát hoạt động này có hiệu quả hơn.

Thu Trang

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến