Dòng sự kiện:
Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng chỉ đạt 53%: Bài học để xây dựng chính sách
09/06/2021 13:57:04
Các chính sách hỗ trợ thời gian tới sẽ ưu tiên những địa phương còn khó khăn, những đối tượng yếu thế chưa được bao phủ bởi các lưới an sinh xã hội để tránh trùng lặp, bỏ sót đối tượng.

Lao động mất việc do COVID-19 làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa có báo cáo kết quả triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 154/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tính đến ngày 27/5, thông qua các chính sách hỗ trợ của Nghị quyết số 42/NQ-CP và qua chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Chính phủ đã thực hiện hỗ trợ bằng tiền mặt cho trên 14,4 triệu đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 với tổng kinh phí trên 32.694 tỷ đồng.

Theo dự kiến nguồn lực ban đầu khi đề xuất gói hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nguồn kinh phí là khoảng 61.580 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả thực hiện hỗ trợ chỉ đạt hơn 53% so với kế hoạch.

Lý giải về nguyên nhân kết quả thực hiện chưa cao như dự kiến, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết tại thời điểm nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra phức tạp, chưa được kiểm soát nên dự báo số đối tượng bị ảnh hưởng tương đối lớn và thời gian hỗ trợ tương đối dài (dự kiến 3 tháng 4, 5, 6/2020). Tuy nhiên, trên thực tế Việt Nam đã sớm kiểm soát được dịch bệnh vào cuối tháng 5/2020, việc giãn cách xã hội sớm kết thúc trong tháng 4/2020, hoạt động sản xuất, kinh đoanh được mở cửa trở lại nên hầu hết các nhóm lao động, hộ kinh doanh chỉ được hỗ trợ trong tháng 4/2020.

Việc rà soát, lập danh sách phê duyệt đối với các nhóm lao động, hộ kinh doanh, nhất là lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở để lập danh sách. Nhiều trường hợp lao động làm việc trong doanh nghiệp nhưng không giao kết hợp đồng lao động, không đảm bảo điều kiện để xem xét, hỗ trợ. Mặt khác, mức hỗ trợ thấp nên nhiều hộ kinh doanh không đề nghị, do đó số lượng thấp hơn nhiều so với dự kiến ban đầu.

Trong các nhóm được hỗ trợ, chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động được vay tiền để trả lương ngừng việc cho người lao động đạt thấp nhất so với dự kiến ban đầu. Cụ thể, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay 41,82 tỷ đồng cho 245 người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho 11.276 lao động, trong khi dự kiến cho vay tái cấp vốn dự kiến ban đầu lên tới 16.200 tỷ đồng.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng điều kiện hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc chặt trong khi mức vay thấp nên nhiều người sử dụng lao động không thực sự quan tâm.

Đến nay, ngoài chính sách hỗ trợ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất vẫn đang tiếp tục được thực hiện theo Nghị quyết số 154/NQ-CP thì các đối tượng chính sách khác đã hoàn thành việc hỗ trợ. Qua thực tiễn xây dựng và triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đưa ra bài học kinh nghiệm để xây dựng chính sách trong giai đoạn tới.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, khi gặp khó khăn càng phải chú ý an sinh xã hội, từng bước hình thành một hệ thống an sinh xã hội đồng bộ, hiện đại, chủ động ứng phó với những diễn biến, tác động bất lợi của thiên tai, dịch bệnh… đến lao động, việc làm.

Đối với việc nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng cụ thể, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhấn mạnh phải căn cứ tình hình thực tiễn của đất nước trong từng giai đoạn, từng thời kỳ; trong đó chính sách của Trung ương mang tính khung, định hướng, trên cơ sở đó phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương để có những giải pháp, chính sách phù hợp, đảm bảo hiệu quả cao nhất, hướng dẫn, phân công tổ chức triển khai thực hiện cụ thể, linh hoạt.

Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ phải ưu tiên những địa phương còn khó khăn, những đối tượng yếu thế chưa được bao phủ bởi các lưới an sinh xã hội để tránh trùng lặp, bỏ sót đối tượng. Ngoài ra, cần tăng cường vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên để chủ động lấy ý kiến góp ý, tham gia của đối tượng thụ hưởng từ cộng đồng dân cư, người lao động, doanh nghiệp.

Tác giả: Hồng Kiều

Theo: Vietnam+
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến