Dòng sự kiện:
Góp vốn ngân hàng: Có những lợi thế thành bất lợi
09/06/2018 14:01:12
Tính đến hết năm 2015, vốn góp vào ngân hàng không những không giảm, mà còn tăng lên về số tuyệt đối,

Trong trào lưu đầu tư ngoài ngành phát sinh từ những năm 2006-2008 của doanh nghiệp nhà nước, mà chủ yếu là góp vốn vào ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản,...vốn là những ngành xa lạ với hoạt động kinh doanh lõi của doanh nghiệp, nhiều khoản đầu tư để lại hệ lụy cho đến tận bây giờ.

Hàng chục nghìn tỷ đồng đã được đầu tư ra ngoài ngành và 80% là rót vào các lĩnh vực nói trên. Do kiểm soát thiếu chặt chẽ, đầu tư dàn trải, phân tán nên nhìn chung, việc đầu tư vào các lĩnh vực tài chính - ngân hàng đã để lại nhiều hệ lụy, mà vụ án 800 tỷ đồng góp vốn vào OceanBank chỉ là một ví dụ.

Như phân tích trên tờ Thời báo kinh tế Sài Gòn, khi tham gia góp vốn ngân hàng, nhiều trường hợp, chủ doanh nghiệp kỳ vọng có thể tận dụng ưu thế ngân hàng có thể chủ động nguồn vốn tài trợ cho nhóm công ty thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp. Nhưng thực tế, việc đầu tư vào ngân hàng có thể dẫn tới nhiều khó khăn cho các tập đoàn nhà nước và cả tập đoàn tư nhân.

Đầu tư vào ngân hàng đã hút của các tập đoàn, tổng công ty lượng vốn không hề nhỏ và khi chứng khoán lao dốc thảm hại, ai ai cũng nhìn ra mức lỗ của các khoản góp vốn (nếu thanh lý), nhưng thoái vốn không phải cứ muốn là thực hiện được. Theo thống kê của Bộ Tài chính, đến cuối năm 2010 tổng vốn đầu tư vào riêng ngân hàng của các tập đoàn, tổng công ty là 10.128 tỉ đồng. Đến cuối năm 2015, tức năm năm sau, con số trên lên 11.000 tỉ đồng, nghĩa là có một số cổ đông nhà nước đã góp thêm tiền trong các đợt ngân hàng tăng vốn.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) từng sở hữu nhiều khoản đầu tư góp vốn trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán. Vinacomin góp vốn vào Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Công ty Chứng khoán SHS, Công ty Quản lý quỹ đầu tư Sài Gòn - Hà Nội (SHF), Công ty Bảo hiểm hàng không (VNI). Vinacomin sở hữu 100% vốn tại Công ty Tài chính - Than Khoáng sản Việt Nam. Vào năm 2014, tập đoàn này công bố đã thoái vốn tại 5 đơn vị nói trên.

ảnh 1

 Vinacomin từng đầu tư khá lớn vào SHB và các công ty thành viên của ngân hàng này

Nhưng vẫn còn các tập đoàn khác gặp khó trong việc thoái vốn, chẳng hạn Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Năm 2018, Vinatex dự định triển khai thoái vốn tại 12 đơn vị, trong đó có Ngân hàng Nam Việt với 69 triệu cổ phần. Nhiều năm qua, Vinatex rất muốn thoái vốn tại ngân hàng này, nhưng chưa thành công, bởi giá cổ phiếu thấp, không đảm bảo nguyên tắc bảo toàn vốn. 

Dù thoái vốn chậm, nhưng ít ra, Vinatex không đối mặt với hậu quả nặng nề như trường hợp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Vừa qua, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến việc PVN góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (OceanBank).

Bản án sơ thẩm xác định, nhóm lãnh đạo cao cấp của PVN đã vi phạm quy định về tỷ lệ sở hữu của cổ đông tổ chức tại các ngân hàng. Theo quy định, tỷ lệ này là 15% kể từ khi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực. Khi đó, PVN đang sở hữu tỷ lệ 20% tại OceanBank. Khi OceanBank tăng vốn điều lệ vào tháng 5/2011, PVN thực hiện quyền mua, duy trì tỷ lệ sở hữu 20% trái luật.

Trong các đợt góp vốn trước đó, các cơ quan tiến hành tố tụng xác định, các lãnh đạo cấp cao của PVN đã vi phạm các quy định quản lý vốn nhà nước, điều lệ, quy chế quản lý tài chính của PVN.

Bằng cách này hay cách khác, các tập đoàn đã góp vốn ngân hàng vẫn có thể vượt qua các giới hạn để đạt được lợi ích mong muốn. Nhưng bên cạnh đó là những quả bom trách nhiệm ẩn náu phía sau các hành vi lách luật, phạm luật. Vụ án 800 tỷ đồng góp vốn vào OceanBank và vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2 là những ví dụ thực tế nhất.

Từ việc góp vốn vào OceanBank và cử người tham gia lãnh đạo, điều hành ngân hàng này, một số cá nhân nguyên là lãnh đạo đứng đầu của PVN đã thỏa thuận thành công mức lãi suất cao hơn quy định cho các khoản tiền gửi tại OceanBank. Khoản lợi ích này lên tới hành nghìn tỷ đồng. Hậu quả là không ít cán bộ cấp cao, cán bộ quản lý của PVN đã bị khởi tố, truy tố, điều tra, xét xử trong các vụ án liên quan.

Từ giữa năm ngoái chứng khoán khởi sắc, thoái vốn ngân hàng bắt đầu nhúc nhích thực hiện được. Eximbank bán xong gần 9% vốn của Sacombank qua sàn (Eximbank không phải quốc doanh). Ngân hàng nửa quốc doanh Vietcombank thoái thành công vốn khỏi SaigonBank và một phần lớn vốn góp vào Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Vietcombank chuẩn bị bán tiếp phần góp vốn còn lại tại OCB vào ngày 17/4/2018 qua đấu giá. Chưa thấy Vietcombank đề cập khi nào thoái vốn khỏi Eximbank và Ngân hàng TMCP Quân đội.

Mới đây MobiFone cũng bán xong 33,4 triệu cổ phần của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeaBank) thu về 333 tỉ đồng. 

Mặt bằng cổ phiếu ngân hàng hiện đã tăng so với năm ngoái, tuy vậy việc thoái vốn chưa hẳn đều thành công. Hầu hết các đơn vị góp vốn ngân hàng đều lập luận như nhau: không thể thoái vì không có người mua bằng giá vốn đầu tư. Cho đến nay, thị trường cũng không ghi nhận lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty nào tự đứng ra nhận trách nhiệm vì khoản đầu tư thua lỗ.

Mai An (T/h)

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến