Gót chân Asin của 'gã khổng lồ' Thế giới Di động
06/06/2016 08:29:26
Nhiều nhà đầu tư cho rằng mô hình phát triển của Thế giới Di động đã đi vào lỗi thời, và việc chọn những vị trí mặt bằng đắt đỏ nhất sẽ là 1.000 chiếc bẫy quật ngã nhà bán lẻ công nghệ này.

Tin liên quan

Thành lập từ những năm 2004 khi sở hữu điện thoại là niềm mơ ước của rất nhiều người. Thời gian trôi qua, cùng sự phổ biến của điện thoại, Thế giới di động dần lớn lên và là "gã khổng lồ" trong ngành bán lẻ công nghệ Việt.

Suốt từ những năm 2004-2012, Thế giới Di động có tăng trưởng nhưng không có nhiều bứt phá, thương hiệu bán lẻ công nghệ này còn khá mờ nhạt so với các thương hiệu như Viễn Thông A, Nguyễn Kim và hàng nghìn cửa hàng bán điện thoại ngày đó. Năm 2009 doanh thu của công ty chỉ đạt 2.012 tỷ đến năm 2012 tăng lên 7.398 tỷ đồng.

Thế giới Di động trở thành hãng bán lẻ điện thoại lớn nhất với 39% thị phần

Chỉ đến năm 2013, Thế giới Di động mới trở thành một hiện tượng tăng trưởng "thần kỳ" duy trì ở mức 2-3 con số. Năm 2013, công ty đạt 9.544 tỷ đồng, đến năm 2014 đã tăng lên 15.836 tỷ đồng.

Năm 2015, Thế giới Di động đã hiện thực hoá giấc mộng tỷ đô với doanh thu 25.388 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 1.075 tỷ đồng. Năm 2016, công ty đặt mục tiêu doanh thu 1,5 tỷ đôla, tương đương với quy mô của các doanh nghiệp tư nhân lớn nhất thị trường Việt Nam.

Để đạt được giấc mơ tỷ đô, Thế giới Di động đã ồ ạt mở siêu thị mới. Năm 2009 công ty chỉ có khoảng 40 siêu thị, đến năm 2011 tăng gấp 5 lần, một năm sau đó đã phủ sóng cửa hàng toàn quốc. Năm 2015, công ty đã mở thêm 269 siêu thị mới.

Thế giới Di động đã trở thành hiện tượng, chỉ với 4 tháng đầu năm 2016, công ty đã mở 179 siêu thị mới, tương ứng cứ 2 ngày lại mở thêm 3 siêu thị. Tổng số cửa hàng hiện lên mức 812. Lãnh đạo công ty nhiều lần tuyên bố tham vọng sẽ xây dựng 1.000 siêu thị trên toàn quốc. Chuỗi siêu thị có diện tích rộng từ 200m2 đến 1.000m2 trên các tuyến phố đắt đỏ bậc nhất.

Không thể phủ nhận với chiến lược ồ ạt mở cửa hàng này đã giúp Thế giới Di động tận diệt đối thủ, đưa hàng nghìn cửa hàng bán lẻ di động nhỏ lẻ vào thế phá sản. Từ đó, thị phần gia tăng nhanh chóng lên 39% năm 2015. Quỹ đầu tư Mekong Capital mới đây đã định giá 1 tỷ USD cho thương hiệu này.

Sự phát triển thần kỳ này khiến nhiều người nghi hoặc, giới đầu tư cho rằng đây là một doanh nghiệp "ảo" và cổ phiếu MWG một thời bị rẻ rúng vì không tỷ lệ thuận với sự tăng trưởng thần kỳ của công ty. Trong cuộc gặp mặt cổ đông cuối tuần này, nhiều nhà đầu tư đưa ra kịch bản Thế giới Di động đang đi vào ngõ cụt tăng trưởng khi sa ngã vào mô hình bán lẻ truyền thống đang dần lỗi thời khi xu hướng của tiêu dùng thế giới chuyển dần sang online. Nhiều hãng điện thoại mới ra đời như Xiaomi, BKAV… đã tự phân phối trực tiếp đến cho người tiêu dùng mà không cần qua trung gian.

Hơn nữa, nhiều dự báo thị trường điện thoại thông minh sắp bão hoà, trừ Apple còn lại các hãng khác như Samsung, HTC,… đều sa sút doanh thu và lợi nhuận. Khi đó chính những ưu thế số lượng siêu thị hùng mạnh với chi phí duy trì đắt đỏ sẽ trở thành những chiếc bẫy, quật ngã "gã khổng lồ" này. Theo đó, chi phí mặt bằng siêu thị tuỳ từng vị trí, ở TP HCM lên tới 1.800 USD một cửa hàng, các tỉnh thành là 700 USD. Như vậy, để vận hành tổng số 812 cửa hàng, mỗi tháng công ty phải chi tới vài trăm tỷ đồng.

Mô hình này đã khiến Thế giới Di động mất đi lợi thế về giá, các sản phẩm của công ty phân phối thường có giá đắt hơn so với thị trường. "Chúng tôi muốn bán hàng giá rẻ hơn nhưng mô hình kinh doanh của Thế giới Di động không cho phép làm điều đó", CEO Nguyễn Đức Tài nói, đồng thời cho biết, thị trường di động giờ không còn là "miếng bánh ngon", trước đây công ty chỉ chấp nhận mở cửa hàng nếu doanh thu trên 3 tỷ đồng, nhưng sau này mục tiêu mở cửa hàng bắt đầu giảm xuống còn 2 tỷ và hiện là 1,5 tỷ đồng mỗi tháng.

Nhưng ông Tài cho biết, quy mô thị trường điện thoại hiện nay khoảng 60.000 tỷ đồng với 24 triệu điện thoại được bán ra một năm. Trong đó, điện thoại thông minh chiếm 55% số lượng, giá bình quân 4,5 triệu đồng một chiếc.

"Quan điểm thị trường điện thoại thông minh bão hoà là vội vàng, thị trường sẽ còn nóng trong vài thập kỷ tới. Các hãng công nghệ trên thế giới liên tục ra mắt các sản phẩm công nghệ cao đáp ứng mọi nhu cầu người tiêu dùng nên còn nhiều dư địa phát triển", ông Tài nói.

xu hướng bán lẻ online khắc phục những chi phí mặt bằng tốn kém, vị này cho rằng Thế giới Di động đã nhận ra những điều này từ rất lâu và đang có những điều chỉnh phù hợp với thị hiếu người dùng. Năm 2016, công ty đặt mục tiêu doanh thu bán hàng online đạt 3.300 tỷ đồng. Hiện lượng truy cập website bán hàng của công ty đã  vượt 1 triệu lượt mỗi ngày.

Ông Tài còn cho biết cuối năm nay sẽ thành lập một sàn thương mại điện tử với tên miền mới. Sàn thương mại này sẽ có giá rẻ nhưng chế độ hậu mãi sẽ không tốt như mua trực tiếp. Chẳng hạn khách hàng mua điện thoại Samsung thì sẽ đến trung tâm bảo hành của Samsung.

Bob Willett - chuyên gia ngành bán lẻ công nghệ cho biết, đến năm 2017, một phần ba số lượng hàng hóa sẽ được bán online vào năm 2017 và hai phần ba số hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng bởi internet. Xu hướng này tác động lớn vào mô hình kinh doanh của Thế giới Di động.

Theo đó, các nhà bán lẻ không chỉ bán tất cả mà còn có tình trạng phân phối độc quyền. Khách hàng ngày càng hiểu biết, tìm những nơi bán rẻ nhất thị trường. Xu hướng địa phương hoá, tuỳ từng cửa hàng, từng địa phương để lựa chọn mặt hàng phù hợp.

"Những cửa hàng bán kiểu truyền thống chỉ tăng trưởng 2-3%. Doanh nghiệp kết hợp bán online và có cửa hàng tăng trưởng hai trên 80%", ông Bob dẫn chứng nghiên cứu và nhận định Thế giới Di động đang có lợi thế tốt để thực hiện điều này.

CEO Nguyễn Đức Tài có quan điểm xây dựng công ty chú trọng đội ngũ nhân viên

Việc từ ông lớn bán lẻ công nghệ chuyển sang bán lẻ các thực phẩm, thịt cá, ông Tài cho biết, công ty đang trong giai đoạn thử nghiệm ở 20 siêu thị và kết quả cho thấy khá tốt. Doanh thu bình quân các cửa hàng tăng nhanh chóng từ 177 triệu đồng lên 696 triệu đồng sau 3 tháng.

Về quản trị doanh nghiệp, vị CEO có quan điểm khá đặc biệt là nếu coi các đối tượng ưu tiên xếp theo hình tam giác, thì phần trên cùng là khách hàng, giữa là nhân viên, cuối cùng là cổ đông và các đối tác. 

Thế giới Di động hiện đang sử dụng 16.854 nhân viên, chi phí nhân công lên tới gần 12 triệu đồng một người mỗi tháng. Ngoài ra còn các khoản thưởng lớn gồm tiền mặt và cổ phiếu. Chính sách ESOP 3-5% gây khá nhiều tranh cãi vì quá ưu đãi nhân viên. Ông Tài cho rằng, đội ngũ quản lý của ông có khoảng 2.000 con người từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái với hơn 800 cửa hàng. "Có thực mới vực được đạo, nếu không giúp họ yêu công ty này sẽ không kiểm soát nổi hệ thống trên", ông nói và cho biết các quản lý siêu thị của ông không cần có bằng đại học, chỉ cần có động lực, đạo đức tốt, nhiệt huyết.

"Tôi có thể 16h chiều đã về nhưng nhân viên của tôi thì 23h mới về vì họ có động lực để làm điều đó. Cũng giống như vợ chồng, nếu người vợ yêu chồng sẽ luôn đối xử đặc biệt, dành thời gian cho chồng. Đó chính là lý do vì sao siêu thị mới mở nhưng đã có doanh thu gấp rưỡi các đối thủ ngay bên đường", ông Tài chia sẻ

Với chuỗi bán lẻ hàng điện máy, ông Tài cho biết, thị trường điện máy có quy mô khoảng 70.000 tỷ đồng, hiện tỷ lệ sử dụng các sản phẩm điều hoà, tủ lạnh,... mới ở mức 20-30% nên Thế giới Di động đặt mục tiêu hệ thống Điện máy Xanh sẽ vươn lên nắm thị phần số 1.

Theo Vnexpress

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến