Dòng sự kiện:
GS Đặng Hùng Võ: 'Lấy tiền đi vay bỏ vào bất động sản là điều không hay chút nào'
21/04/2022 08:04:29
Trong buổi tọa đàm do VTC tổ chức, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường đã chia sẻ về hiện tượng sốt đất cũng như hệ lụy của nó mang lại.

“Người ta chỉ gọi một đất nước rơi vào tình trạng sốt đất khi đất trên toàn bộ thị trường bị sốt, còn nếu chỉ tại một địa phương nào đó, tại một thời điểm nào đó thì có thể coi là biến động giá. Tình trạng ở Việt Nam hiện nay là sốt đất”. Đó là chia sẻ đầu tiên của GS Đặng Hùng Võ trong buổi tọa đàm với VTC.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi Trường đưa ra thống kê 4 lần sốt đất. Trong đó hai lần sốt đất vào giai đoạn 2007 đến 2008 và 2020 đến 2022 là quá cao. “Theo một nghiên cứu của Australia chỉ ra rằng, một nền kinh tế chỉ cần đầu tư 1/3 vốn của xã hội vào thị trường bất động sản là hợp lý, nếu vượt quá thì sẽ có nguy cơ sốt đất. Một đất nước muốn phát triển thì phải đầu tư vào nông nghiệp, công nghiệp và lĩnh vực dịch vụ. Tức là những lĩnh vực có thể sản xuất ra hàng hóa tiêu dùng, là đầu tư vào đồng tiền động. Còn đầu tư vào bất động sản là đầu tư vào đồng tiền nằm yên, đồng tiên chết”.

Cũng theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, những người giàu ở Việt Nam chủ yếu là nhờ đất. Trong đó có những người không có chức tước hay làm doanh nghiệp gì, họ chỉ suốt đời chăm lo vào miệc mua đất, nhà ở để tích trữ, có đồng nào là dồn vào nhà đất. Cũng có những đại gia bất động sản giàu lên rất nhanh từ đất.

Giáo sư Đặng Hùng Võ  

“Đầu tư vào bất động sản là đầu tư vào đồng tiền chết, là quẳng tiền vào một chỗ bắt nó nằm yên. Không có lý thuyết kinh tế nào cổ động cho việc đó cả. Việc để nền kinh tế Việt Nam dẫn đến chỗ người dân cứ đi vay tiền bỏ vào bất động sản là điều không hay chút nào cả”.

Có một thực tế mà GS Đặng Hùng Võ muốn nhấn mạnh là bây giờ có những người muốn giàu lên nhờ đất càng ngày càng nhiều. Và người có tiền muốn đi theo con đường bất động sản để tiếp tục giàu thêm lại càng nhiều hơn nữa. Đó là thực trạng đáng buồn.

Bên cạnh đó, cũng có những doanh nghiệp bất động sản cũng chỉ mong “sốt đất”. Nói cho dễ hiểu như việc một dự án được một nhà đầu tư đầu tư đúng, xin được phê duyệt, họ đầu tư rồi bán nhưng cũng mong cho sốt đất lên. Họ không cần phải làm gì cả, chỉ chờ sốt đất là lập tức đẩy giá bán lên cao, hòng hưởng lợi từ hiệu ứng sốt đất. Khi đó lợi nhuận dành cho doanh nghiệp là đồng tiền thật nhưng với cả nền kinh tế thì đó là ảo, vì nó hình thành mà không có sự đảm bảo, tăng lên của vật chất.

 

Giá bất động sản tại Việt Nam đang vượt quá cao so với thu nhập bình quân đầu người

Theo nhiều chuyên gia đánh giá thời gian gần đây thì giá bất động sản Việt Nam hiện tại gấp khoảng 30 lần so với thu nhập bình quân đầu người. Trong khi đó Thái Lan là gấp 6,3 lần, Singapore là 5,2 lần. Chính vì lẽ đó, ngăn chặn tình trạng đầu cơ tích trữ bất động sản là vấn đề cấp bách để giảm bớt sức ép lên nền kinh tế.

Thời gian qua, cơn sốt đất diễn ra ở nhiều địa phương Việt Nam, kể cả ngoại thành, tới các vùng quê và thậm chí là miền Núi. Nhiều chuyên gia đưa ra cảnh báo thị trường bất động sản có hiện tượng đầu cơ, sốt bong bóng. Câu hỏi lớn đang được đặt ra là giá trị thật của bất động sản Việt Nam đang nằm ở đâu, khi thu nhập của đại đa số người dân không cải thiện trong mấy năm qua, một phần lớn nguyên nhân là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Phan Huy (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến