Dòng sự kiện:
Gửi con chữa bệnh, nhận hũ tro cốt: Chủ tịch TP Huế nói gì?
14/09/2022 10:36:24
Khi nắm thông tin vụ gửi con đi chữa bệnh, đau đớn nhận lại hũ tro cốt Chủ tịch UBND TP Huế thốt lên: "Nếu sự việc xảy ra đúng như vậy thì thực sự quá khủng khiếp!".

Liên quan đến vụ một gia đình ở TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) chi 600 triệu đồng gửi con đi chữa bệnh chậm phát triển nhưng chỉ sau vài ngày đã đau đớn nhận lại "hũ tro cốt" được cho là của con mình, sáng 14/9, ông Võ Lê Nhật - Chủ tịch UBND TP Huế chia sẻ, từ lúc biết sự việc, ông đã điện thoại cho Trưởng và Phó Công an TP Huế đề nghị phối hợp với Công an tỉnh Lâm Đồng vào cuộc xác minh, làm rõ và xử lý vụ việc vì liên quan đến công dân của TP Huế và nạn nhân là trẻ em.

Sau đó, Công an TP Huế báo cáo lại với lãnh đạo UBND TP Huế đã xử lý theo đúng thẩm quyền và chuyển đơn lên Công an tỉnh Lâm Đồng vì sự việc xảy ra ở tỉnh này.

Chiếc xe mà ông L.M.Q sử dụng để chở "hũ tro cốt" được cho là của cháu N.L.M.Q ra Thừa Thiên - Huế giao cho gia đình.

Người đứng đầu chính quyền TP Huế bày tỏ: “Nếu sự việc xảy ra đúng như vậy thì thực sự quá khủng khiếp! Đây là vấn đề cả xã hội quan tâm. Trong sự việc này, ông Q. giải thích không rõ ràng và có nhiều uẩn khúc. Người dân TP Huế ai biết cũng rất bức xúc vì thấy thương cho cháu bé. Chúng tôi quan tâm tối đa trong xử lý vụ việc này”.

Cũng liên quan đến sự việc nêu trên, trả lời PV VTC News, Thạc sĩ Tâm lý học Trần Cao Quanh - Giám đốc chuyên môn Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Minh Anh (cơ sở chuyên tư vấn, can thiệp sớm cho trẻ chậm phát triển ở Thừa Thiên - Huế) chia sẻ, những trẻ có biểu hiện chậm phát triển phải được can thiệp trị liệu thông qua phương pháp giáo dục đã được kiểm chứng.

Tùy vào khả năng, năng lực của trẻ và mức độ khó khăn trẻ gặp phải mà có phương pháp can thiệp phù hợp; đồng thời vẫn cần sự chung tay nỗ lực can thiệp từ gia đình thì trẻ mới có sự phục hồi, phát triển với những mức độ khác nhau.

Các phương pháp, chương trình can thiệp đều chú trọng phát huy vai trò can thiệp, trị liệu cho trẻ của cha mẹ tại gia đình. Cha mẹ chính là những người can thiệp hiệu quả cho con của mình.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của gia đình anh N.H.N thì trong quá trình điều trị chậm phát triển cho cháu N.L.M.Q. thì ông L.M.Q lại sử dụng cách tách trẻ hoàn toàn ra khỏi gia đình, không cho cha mẹ gặp trẻ trong lúc can thiệp, trị liệu. Việc cha mẹ không được đến thăm con và cũng không cho cha mẹ tìm hiểu nơi con mình sẽ được can thiệp, điều trị là một phương pháp “phi giáo dục” và “phản khoa học”. Đặc biệt, trong trường hợp này trẻ mới khoảng 3 tuổi, độ tuổi cần sự yêu thương, đùm bọc của gia đình.

Như đã thông tin, ngày 3/3, gia đình anh N.H.N (TP Huế) giao con trai cho ông L.M.Q chữa trị bệnh chậm phát triển với số tiền là 200 triệu đồng/năm và ứng trước 600 triệu đồng.

Vài ngày sau, ông Q. thông báo cho vợ chồng anh N. là cháu bé bị mắc COVID-19, đang phải điều trị. Tiếp đó, ông thông báo cháu bé khỏe lại, gia đình chuẩn bị gửi quần áo mới lên vì con lên cân, cần trang phục cỡ lớn hơn.

Ông L.M.Q tại thời điểm đưa "hũ tro cốt" được cho là của cháu N.L.M.Q ra Thừa Thiên - Huế.

Thế nhưng, khoảng 11h ngày 27/3/2022, vợ chồng ông L.M.Q. ra Huế giao cho vợ chồng anh N. hũ tro cốt, nói là của con trai anh chị. Sau đó, gia đình anh N. có đơn thư gửi Công an tỉnh Lâm Đồng yêu cầu điều tra những bất thường liên quan đến sự việc nêu trên.

Sau khi có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm với lý do: "Chưa có kết quả giám định và đã yêu cầu cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng nhưng chưa có kết quả" thì ngày 12/9, Đại tá Đinh Xuân Huy - Phó Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng - xác nhận, hiện nay cơ quan chức năng đã khôi phục việc giải quyết tin báo tố giác tội phạm và đang điều tra theo trình tự.

Ngoài ra, cơ quan công an cũng nhận được mẫu tro cốt cùng mẫu tóc của người mẹ từ gia đình để giám định pháp y.

Tác giả: Nguyễn Vương

Theo: VTC News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến