Bảo tàng Hà Nội khánh thành vào tháng 10/2010 nhân Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội với vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, tổng diện tích 53.963m², cao 30,7m, gồm 4 tầng nổi và 2 tầng hầm. Đây được coi là bảo tàng lớn và hiện đại nhất Việt Nam.
Công trình tọa lạc tại một vị trí đắc địa (nằm trong cụm các công trình có kiến trúc độc đáo nhất của Thủ đô, ngay cạnh Trung tâm hội nghị Quốc gia, Cung triển lãm kiến trúc quy hoạch xây dựng quốc gia, khách sạn JW Marriot) và nằm trên trục đường Phạm Hùng giao thông rất thuận lợi.
Bảo tàng Hà Nội có kết cấu độc đáo hình kim tự tháp ngược.
Tại đây, có gần 50.000 hiện vật được trưng bày theo mô hình vòng xoáy. Ở trung tâm là hình tượng rồng, xung quanh là các chủ đề con người, địa danh, vật thể, sự kiện. Nội dung trưng bày tập trung làm nổi bật 3 đặc điểm chính của Thủ đô Hà Nội là Văn hiến, Anh hùng và Hòa bình.
Mặc dù hội tụ đầy đủ những điều kiện “thiên thời địa lợi nhân hòa” nhưng bảo tàng Hà Nội chưa thu hút được khách tham quan. Theo ghi nhận của phóng viên An ninh tiền tệ, khách tham quan khá thưa thớt trong cả 4 tầng.
Tầng 1 là khu trưng bày theo chủ đề Linh vật Việt với tượng nghê bằng gốm, gạch chùa Đậu thế kỷ 16-17, chân đèn, tượng voi, sư tử, đỉnh gốm…
Khu trưng bày những cổ vật tiêu biểu của bảo tàng.
Ông Nguyễn Văn Hoàng (Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi đã nhiều lần đến thăm Bảo tàng Hà Nội nhưng lần nào đến bảo tàng cũng đều vắng khách. Có lần một mình tôi tham quan một tầng. Có lẽ do hiện vật trưng bày chưa đa dạng và nhiều hiện vật rất quý giá nhưng lại chưa được sắp xếp hấp dẫn".
Chị Vũ Thị Ngọc (Đống Đa, Hà Nội) tiếc nuối: "Tôi đi làm gần đây, nhiều lần đi qua mà hôm nay mới có dịp dẫn con đến tham quan. Bảo tàng đẹp và hoành tráng thế này mà vắng khách, tiếc quá".
Tầng cao nhất của bảo tàng trưng bày chuyên đề Hà Nội xưa và đồ khảm trai, đồ đồng, đồ gỗ.
Tầng 4 bảo tàng vắng lặng vì không có khách tham quan
Ông Đặng Minh Vệ, trưởng phòng Trưng bày tuyên truyền, Bảo tàng Hà Nội cho biết: Hôm nay (6/9) không phải cuối tuần hay ngày lễ nên khách đến tham quan không nhiều. Trong ba ngày nghỉ lễ Quốc khánh vừa qua, bảo tàng đã đón gần 2.000 lượt khách, trong đó khách nước ngoài chiếm tỉ lệ lớn.
Lý giải thêm về việc tại sao lượng khách tham quan chưa tương xứng với vị thế của bảo tàng, ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết: “Do nội dung, đề cương kịch bản trưng bày cố định của bảo tàng vẫn chưa hoàn thành. Bảo tàng này khác với một số bảo tàng chuyên ngành vì đây là bảo tàng khảo cứu địa phương, bảo tàng tổng hợp. Nó bao gồm toàn bộ lịch sử, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, chính trị, giáo dục của thủ đô Hà Nội hàng ngàn năm. Chúng tôi phải cẩn trọng hơn trong chuyên môn, việc sắp đặt các hiện vật cũng mất nhiều thời gian và công sức".
Hai vị khách say sưa ngắm nhìn những bức ảnh về Thăng Long cổ kính
Ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội trao đổi với phóng viên An ninh tiền tệ.
Được biết, bảo tàng khánh thành năm 2010 nhưng đó chỉ là giai đoạn 1, còn giai đoạn 2 là xây dựng nội dung trưng bày. Và trong thời gian này, đây chỉ là trưng bày tạm thời thôi, chưa bán vé, phục vụ miễn phí khách tham quan, chưa kết nối với các tour.
Sân đình diễn ra trò chơi dân gian và lễ hội truyền thống
Ông Đà chia sẻ thêm, hàng năm bảo tàng thu hút được hơn 100 nghìn lượt khách. Ngoài hoạt động trưng bày, bảo tàng Hà Nội cũng tổ chức nhiều sự kiện trưng bày chuyên đề kết hợp với các tổ chức cá nhân.
Khu nhà phố cổ, nơi diễn ra các trưng bày chuyên đề Làng nghề, phố nghề
“Hiện tại, chúng tôi vừa xây dựng kịch bản, vừa triển khai công tác sưu tầm để câu chuyện về thủ đô được kể không phải bằng miệng mà bằng hiện vật. Thêm vào đó, do chưa có nguồn thu từ bán vé, kinh phí vận hành đều từ ngân sách nhà nước nên chưa tổ chức được nhiều sự kiện. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2019, khi đã hoàn thiện trưng bày chính thức Bảo tàng Hà Nội sẽ bán vé chứ không miễn phí vào cửa như bây giờ”, ông Đà nhấn mạnh.
Mạnh Long - Dương Nga
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy