Dòng sự kiện:
Hà Nội không cho F1 ở 4 quận cách ly tại nhà là thiếu căn cứ khoa học
23/11/2021 10:00:48
Chuyên gia y tế cho rằng việc phân biệt về mặt hành chính trong triển khai cách ly F1 tại nhà ở Hà Nội là thiếu căn cứ khoa học và chưa phù hợp với thực tiễn.

Ngày 20/11, UBND Hà Nội đã ban hành hướng dẫn cách ly tại nhà với người tiếp xúc gần (F1) trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý được văn bản nêu rõ là việc cách ly F1 tại nhà sẽ được thực hiện trên phạm vi toàn thành phố trừ 4 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng.

Quy định này mang đến khá nhiều ý kiến trái chiều khi đây đều là những quận thuộc khu vực trung tâm của thủ đô. Bên cạnh tính chất đông dân cư, những hộ gia đình có đủ điều kiện cách ly liên quan tới vấn đề phòng ốc hay người chăm sóc sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Quy định thiếu căn cứ khoa học

Trao đổi với Zing, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cho rằng những quy định liên quan địa giới hành chính như của thủ đô là không phù hợp với hướng dẫn chung từ Bộ Y tế và Chính phủ.

“Những quy định này là thiếu căn cứ khoa học và có thể sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu người dân sống trên địa bàn 4 quận trên”, PGS Hùng nói.

Người dân tại một ổ dịch trên địa bàn Hà Nội được đưa đi cách ly tập trung. Ảnh: Nhật Sinh.

Theo vị chuyên gia này, quy định cách ly F1 tại nhà sẽ là phù hợp nếu được đưa ra dựa trên điều kiện về cơ sở vật chất đảm bảo cách ly của từng gia đình. Trên thực tế, nhiều gia đình tại 4 quận kể trên hoàn toàn đủ điều kiện như hướng dẫn của Bộ Y tế gồm phòng riêng, nhà vệ sinh khép kín, người chăm sóc...

Ông khẳng định: “Với những người này, chúng ta cần trao cho họ quyền và trách nhiệm thực hiện các quy định chung. Không thể loại họ ra khỏi các chính sách của xã hội”.

Về nguy cơ trong khu dân cư đông đúc, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng lây nhiễm chỉ có thể xảy ra khi có tiếp xúc gần. Việc tổ chức cách ly F1 tại nhà luôn phải đảm bảo để người trong cùng gia đình không bị lây nhiễm virus. Khi làm đúng hướng dẫn và tuân thủ quy định phòng dịch, SARS-CoV-2 sẽ không thể lây lan sang nhà hàng xóm hay khu dân cư xung quanh.

Khả năng lây lan virus sang các hộ xung quanh trong khu chung cư càng ít xảy ra do đặc tính cao tầng, thông khí tốt và có hệ thống giám sát từ ban quản lý, bảo vệ, camera...

“Nếu lo người dân không tuân thủ quy định, chúng ta phải tập trung giải quyết bằng các hướng dẫn, tổ chức giám sát chứ không thể áp dụng biện pháp cảm tính. Việc đưa ra quy định dựa trên địa giới hành chính như hiện nay là đi ngược với mong muốn cũng như trách nhiệm của người dân. Bản thân hướng dẫn của Bộ Y tế cũng không phân biệt thành phố hay nông thôn, nội thành hay ngoài thành trong việc cách ly F1 tại nhà”, PGS Hùng kết luận.

Phải quản lý được F1 khi cách ly tại nhà

Nhận định về quy định mới của Hà Nội, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nói: “Về nguyên tắc, người có đủ điều kiện như hướng dẫn của Bộ Y tế và cam kết thực hiện tốt trách nhiệm của mình thì có thể cách ly tại nhà. Đương nhiên, chúng ta cũng cần xem xét cân đối giữa quy định và thực tiễn”.

Theo vị chuyên gia này, nguyên nhân khiến Hà Nội đưa ra quy định vừa qua có thể là thành phố cho rằng 4 quận trung tâm có dân số đông, nhà dân được xây dựng sát nhau, việc buôn bán, giao thương nhiều, mật độ tiếp xúc lớn, từ đó dẫn tới tình trạng khó kiểm soát.

Một điểm lấy mẫu xét nghiệm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Việt Linh.

“Hà Nội cần dựa trên tình hình thực tiễn để đưa ra quyết định sao cho phù hợp. Việc cách ly tập trung F1 cần hài hòa giữa nhiều yếu tố. Đầu tiên phải kể đến là trách nhiệm của người dân. Thứ hai là khi triển khai cách ly tại nhà, thành phố phải quản lý, theo dõi được”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo.

Ông Phu cho rằng Hà Nội có thể cân nhắc để những gia đình có nhà đủ điều kiện, ít giao lưu, thực hiện cách ly F1 tại nhà với sự quản lý chặt chẽ từ hệ thống y tế cơ sở. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, thành phố cũng cần đưa ra quyết định về trường hợp được cách ly tại nhà hay ai phải cách ly tập trung.

Ngoài ra, trong tình hình dịch hiện nay, bên cạnh tiếp tục các giải pháp như phát hiện sớm ca nhiễm, truy vết, phong tỏa ổ dịch, thực hiện cách ly, vị chuyên gia này cũng đề xuất Hà Nội cần tăng cường tiếp cận bệnh nhân Covid-19 thông qua những trạm y tế lưu động.

“Thành phố cần tiếp cận bệnh nhân sớm nhất, tránh hiện tượng bỏ sót F0 có dấu hiệu chuyển nặng. Những bệnh nhân này khi không được tiếp cận sớm với y tế sẽ có nguy cơ diễn biến nặng dẫn tới tử vong hoặc gây quá tải hệ thống y tế”, PGS Phu nhấn mạnh.

Đặc biệt, Hà Nội vẫn phải chuẩn bị các phương án an toàn trong lao động sản xuất, kinh doanh. Song song với đó, việc kiểm tra, giám sát cũng sẽ đóng vai trò quan trọng.

“Nếu quy định thế này nhưng thực tế lại làm khác, dịch sẽ bùng lên và khó có thể kiểm soát. Khi số F0 tăng lên, trường hợp diễn biến nặng cũng sẽ tăng, đặc biệt ở khu vực tỷ lệ bao phủ vaccine còn thấp, những ca tử vong sẽ lại xuất hiện”, ông Phu kết luận.

Tác giả: Quốc Toàn

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến