Dòng sự kiện:
Hà Nội: Loạn quản lý xe cứu thương
11/07/2016 17:03:28
ANTT.VN - Vụ việc bảo vệ ngăn cản xe cứu thương tại BV Nhi T.Ư dẫn đến bệnh nhân tử vong trên xe (trong khi lẽ ra được trút hơi thở tại quê nhà) đã làm dấy lên nhiều nghi vấn xung quanh thực trạng cấp phép và quản lý xe cứu thương ở Hà Nội.

Tin liên quan

Từ thực trạng yếu và thiếu phương tiện vận chuyển bệnh nhân

Từ nhiều năm nay, thực trạng dịch vụ vận chuyển tại các bệnh viện bao gồm xe cứu thương, xe tang, xe taxi…luôn là vấn đề nhức nhối, trong đó liên quan đến xe cứu thương đã xảy ra rất nhiều vấn đề như tai nạn giao thông, lạm dụng quyền ưu tiên đối với xe cứu thương khi lưu thông trên đường, việc cấp phép và quản lý mạng lưới xe cứu thương còn nhiều bất cập…

Khi xảy ra vụ việc bảo vệ Bệnh viện Nhi T.Ư chặn xe đưa bệnh nhân hấp hối về quê chỉ vì đó là xe từ nơi khác đến (xe cấp cứu của Bệnh viện Nghệ An) hôm 2/7 vừa qua, câu chuyện về cấp phép và quản lý xe cứu thương hoạt động vận chuyển bệnh nhân lại thêm một lần được “hâm nóng” lại.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc đáng tiếc nói trên, rất nhiều bệnh nhân và bạn đọc đã phản ánh đến báo chí thực trạng “cò” xe cứu thương ngang nhiên bắt tay bảo vệ Bệnh viện Nhi T.Ư “làm giá” với người nhà bệnh nhân để mời chào sử dụng dịch vụ vận chuyển bệnh nhân. Theo những phản ánh này thì tình trạng nói trên diễn ra công khai hàng ngày nhưng dường như lãnh đạo bệnh viện không hay biết (?!).

Phản ánh trên dường như là có cơ sở, bởi sau khi sự việc xảy ra, bà Lê Thị Minh Hương – Phó Giám đốc bệnh viện nhi T.Ư đã khẳng định với báo chí là không có chuyện bảo vệ Viện nhi chặn xe cứu thương, nhưng sau đó bà lại thừa nhận phát ngôn của bảo vệ Viện Nhi trong clip là thiếu chuẩn mực, cần chấn chỉnh…

Vụ việc bảo vệ Bệnh viện nhi phát ngôn thiếu chuẩn mực và chặn xe cấp cứu từ Nghệ An đến đón bệnh nhân tại BV Nhi trung ương đang gây bức xúc dư luận 

Sau đó, ông Lê Thanh Hải – Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư đã cử đại diện bệnh viện cùng Cty Bảo vệ AZ (đơn vị cung cấp dịch vụ bảo vệ cho Bệnh viện Nhi T.Ư) về tận Nghệ An thắp hương cho cháu bé tử vong trên xe ô tô khi bị bảo vệ chặn xe, đồng thời lên tiếng xin lỗi toàn thể nhân dân vì sự việc đáng tiếc xảy ra tại Bệnh viện Nhi.

Nói về thực trạng sử dụng xe vận chuyển cấp cứu tại đơn vị mình, ông Hải cũng thừa nhận hiện tại Bệnh viện Nhi T.Ư chỉ có 3 xe cấp cứu nên không đủ phục vụ nhu cầu của tất cả bệnh nhân.

“Thời gian tới, bệnh viện sẽ xem xét ký kết với các đơn vị có dịch vụ vận chuyển cứu thương được cấp phép để các gia đình không bị chặt chém” – ông Hải nói.

Tình trạng thiếu xe cứu thương không chỉ là vấn đề của riêng bệnh viện Nhi T.Ư mà còn là vấn đề chung của nhiều bệnh viện công khác ở Hà Nội.

Cách đây không lâu, trả lời báo chí, ông Nguyễn Đức Tâm – Trưởng phòng Hành chính Bệnh viện Việt Đức cho biết: Thời điểm cuối năm 2015 Bệnh viện Việt Đức chỉ có 6 xe cứu thương được mua theo chỉ tiêu chỉ phục vụ công tác cấp cứu. Ngoài ra, còn có 10 chiếc xe do cán bộ công nhân viên tự đóng góp để phục vụ nhu cầu của bệnh nhân khi ra viện. Tuy nhiên, số xe này chỉ đáp ứng 40% nhu cầu của bệnh nhân.

Do vậy, từ năm 2014, Bệnh viện Việt Đức đã tổ chức dịch vụ liên kết với doanh nghiệp chuyên chở người bệnh Bắc Việt, với số lượng 16 xe, nâng tổng số xe cứu thương đang hoạt động tại bệnh viện Việt Đức lên thành 32 xe, nhằm hỗ trợ vận chuyển bệnh nhân ra viện.

Theo ông Tâm, với khoảng 45 nghìn ca mổ mỗi năm tại bệnh viện Việt Đức, số xe này cũng chỉ phục vụ được khoảng 70% nhu cầu của người bệnh. Đây chính là cơ hội để các tổ chức, cá nhân bên ngoài lợi dụng cung nhiều hơn cầu để hoạt động chèn ép giá đối với người nhà bệnh nhân.

Một đại diện của Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, hiện đơn vị này có 12 xe cứu thương, dưới sự điều hành trực tiếp của Ban Giám đốc bệnh viện. Đội xe cứu thương này cũng chỉ phục vụ việc chuyển bệnh nhân chủ động, tức là bệnh nhân chuyển đi các bệnh viện khác vượt quá khả năng chuyên môn của bệnh viện, chẳng hạn bệnh viện Việt Đức, Viện huyết học và truyền máu, Viện Lao Trung ương..

Như vậy là xuất phát từ thực trạng không tự chủ được phương tiện vận chuyển cấp cứu bệnh nhân, không đáp ứng được 100% nhu cầu vận chuyển mà nhiều bệnh viện công hiện nay đành phó mặc công đoạn vận chuyển bệnh nhân cho người nhà bệnh nhân tự xoay sở.

Cũng vì xuất phát từ thực trạng yếu và thiếu của loại hình phương tiện này, cộng với khâu quản lý hoạt động này quá lỏng lẻo nên đã dẫn đến việc nhiều gia đình bị tư nhân chèn ép làm giá nhưng vẫn phải sử dụng dịch vụ của họ, thậm chí xảy ra sự việc đáng tiếc như đối với bệnh nhi ở Bệnh viện Nhi T.Ư hôm 2/7 vừa rồi.

Đến công tác cấp phép, quản lý xe cứu thương còn nhiều bất cập

Trước đó, trả lời báo chí, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, theo Thông tư 41 của Bộ Y tế ban hành năm 2011, ngoài các cơ sở có giấy phép khám chữa bệnh được cấp xe cứu thương, thì hiện Sở Y tế Hà Nội cấp phép cho 3 doanh nghiệp hoạt động vận chuyển người bệnh. Đó là Công ty TNHH vận chuyển người bệnh Bắc Việt (tháng 12/2013), với 4 xe; Công ty TNHH vận chuyển người bệnh Thủ đô (tháng 12/2013), 4 xe và Công ty SOS (tháng 9/2015), được cấp 2 xe.

Theo Sở Y tế Hà Nội, để được cấp giấy phép hoạt động vận chuyển người bệnh, doanh nghiệp phải xuất trình được đăng ký phương tiện là xe cứu thương tại Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội và phải có giấy đăng kiểm phương tiện theo quy định.

Tuy nhiên, theo số liệu Phòng Cảnh sát Giao thông (PC67 – Công an TP Hà Nội) cung cấp thì Hà Nội hiện có 1.400 xe cứu thương được cấp đăng ký, nhưng trong đó chỉ có 50 xe được PC 67 Công an Hà Nội cấp giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên như còi, đèn cấp cứu.

Trao đổi với ANTT.VN , Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó phòng PC 67 CATP Hà Nội cho biết thêm: Sắp tới Nghị định 46 xử phạt vi phạm giao thông sẽ có hiệu lực từ 1/8, thời điểm này Phòng CSGT – CATP Hà Nội nhận được rất nhiều hồ sơ về việc cấp giấy phép xe cộ, trong đó có xe cứu thương.

Như vậy thời gian tới con số xe cứu thương sẽ tiếp tục tăng lên, đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ trong cấp phép và quản lý.

Nhưng như hiện tại thì rõ ràng quy trình cấp phép và quản lý loại hình phương tiện này là rất có vấn đề. Sở y tế cho biết cấp phép hoạt động cho Doanh nghiệp Bắc Việt với con số xe đăng ký là 4 xe, trong khi đó Bệnh viện Việt Đức khẳng định riêng số xe của DN này đăng ký hoạt động tại bệnh viện này đã là 16 xe.

Trao đổi với ANTT.VN cách đây ít phút, ông Trần Quốc Huy – Giám đốc Công ty TNHH vận chuyển người bệnh Bắc Việt xác nhận con số 16 xe thời gian trước hoạt động ở Bệnh viện Việt Đức là đúng. Tuy nhiên, thời gian qua DN này có biến động về số lượng xe, cụ thể là thanh lý vài xe đã hết khấu hao, do đó số lượng xe thực sự đang hoạt động của DN này hiện nay là 12 xe.

Ông Huy cũng khẳng định cách đây vài tháng có làm báo cáo về biến động số lượng xe của DN mình gửi Sở Y tế Hà Nội, theo đó Bắc Việt báo cáo số xe hoạt động tăng lên 4 cái so với trước, nâng tổng số xe đăng ký lên 8 cái, ngoài ra còn 4 xe ở dạng dự phòng sửa chữa, bảo dưỡng…

“Xe vận chuyển cấp cứu của Bắc Việt hoạt động theo cơ chế của xe taxi, khi bệnh viện hết xe của họ, họ gọi thì mình tới vận chuyển bệnh nhân cho họ” – ông Huy nói.

Từ thực trạng thiếu trầm trọng xe vận chuyển cấp cứu tại một số bệnh viện công đầu ngành nói trên, cộng với thực trạng quản lý lỏng lẻo của bệnh viện và cơ quan quản lý y tế, rõ ràng việc để người nhà bệnh nhân “tự bơi” trong việc lo liệu xe vận chuyển cấp cứu cho bệnh nhân trong hoàn cảnh cấp bách, cung không kịp cầu là điều khó tránh khỏi, và gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc.

ANTT.VN sẽ tiếp tục thông tin…

Minh Minh

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến