Cuối năm 2020, Công ty CP Đầu tư Tân Hà Đô được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận cho phép đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Can Lộc gồm các hạng mục như hệ thống đường, điện, nước, hệ thống xử lý nước và rác thải, phòng chống cháy nổ và xây dựng cảnh quan, môi trường… hoàn thành đưa vào khai thác trong tháng 12/2022.
Thấy gì tại Cụm công nghiệp huyện Can Lộc sau gần 3 năm khởi công?
Ngày 05/1/2021, Công ty CP Đầu tư Tân Hà Đô (Tân Hà Đô) tổ chức Lễ khởi công Cụm công nghiệp huyện Can Lộc, nhiều chính khách, đại diện các cơ quan Sở, Ban, Ngành của tỉnh Hà Tĩnh; lãnh đạo Chính quyền huyện Can Lộc, các phường xã... tới tham dự.
Lễ khởi công có sự tham dự của nhiều chính khách...
Tại lễ khởi công, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh phát biểu chúc mừng Công ty Tân Hà Đô về đầu tư trên địa phương, đồng thời yêu cầu nhà đầu tư tập trung cao nguồn lực để xây dựng các công trình đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ và tập trung thu hút các nhà đầu tư có năng lực đến với Cụm công nghiệp.
Chính quyền địa phương kỳ vọng, Cụm công nghiệp với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại đạt tiêu chuẩn theo hình thức xã hội hoá đầu tư nhằm hình thành cụm công nghiệp tập trung đa nghành nghề, thu hút đầu tư các dự án, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nguồn thu nhập cho người lao động và tăng nguồn thu ngân sách...
Sau lễ khởi công từ đầu năm 2021, hiện nay hạ tầng Cụm công nghiệp huyện Can Lộc gần như chưa có gì
Vậy nhưng, chiều ngày 14/6/2023 (tức là gần 3 năm sau khi dự án chính thức khởi công), chúng tôi tiếp tục quay lại Cụm công nghiệp huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) để ghi nhận thực tế. Thật bất ngờ, hạ tầng kỹ thuật ở đây hoàn toàn trái ngược so với những kỳ vọng hay quyết sách đã được ban hành trước đó.
Theo quan sát, tấm biển pano giới thiệu dự án Cụm công nghiệp đã không còn nữa, ngoài diện tích đất (khoảng 3,66 ha) thuộc dự án Nhà máy thức ăn chăn nuôi Thiên Lộc đã triển khai trước đó thì hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại được đầu tư mới nơi đây chỉ là một bãi đất cỏ mọc um tùm, nhếch nhác...
Mặt bằng san lấp dở dang, căn nhà xưởng cũ được cải tạo và hiện trạng có người sinh hoạt trong đó; điểm nhấn duy nhất có lẽ là một căn nhà được chủ đầu tư xây mới nhưng đến nay còn dang dở, không thấy bóng dáng của đơn vị thi công, thiết bị máy móc thi công công trình.
Hạ tầng Cụm công nghiệp huyện Can Lộc từ hướng QL1A nhìn vào
Khu nhà kho cũ trong khuôn viên vẫn còn đó
Về dự án này, trước đó, ngày 9/11/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng (nay đã chuyển công tác) ký Quyết định số 3779/QĐ-UBND phê duyệt chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư Tân Hà Đô làm chủ đầu tư Dự án Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp huyện Can Lộc tại xã Thiên Lộc và thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Thời gian hoạt động dự án là 50 năm.
Dự án có tổng diện tích 24,45ha (trong đó đã bao gồm 3,66 ha diện tích đất thuộc dự án Nhà máy thức ăn chăn nuôi Thiên Lộc đã triển khai); đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên diện tích còn lại khoảng 20,79ha.
Trong đó, diện tích đất công nghiệp khoảng 15,25 ha, đất công trình hạ tầng kỹ thuật khoảng 0,24ha, đất công trình hành chính dịch vụ khoảng 0,24 ha, đất giao thông khoảng 2,45 ha và diện tích đất cây xanh khoảng 2,61 ha.
Căn nhà duy nhất xây mới nơi đây nhưng đến nay vẫn còn dang dở...
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 122.790.798.000 đồng (trong đó, nguồn vốn chủ đầu tư chiếm khoảng 20%, còn lại 80% vốn vay và huy động các nguồn khác), tiến độ thực hiện dự án được quy định rõ làm 2 giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 1 sẽ dự kiến đầu tư khoảng 78.285.487.000 đồng (hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng trong tháng 10/2021); Giai đoạn 2 dự kiến đầu tư khoảng 44.505.311.000 đồng (bắt đầu từ tháng 11/2021 và hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng trong tháng 12/2022).
Tân Hà Đô nay là của ai?
Theo thông tin từ Tổng Cục thuế (Bộ Tài chính) vào thời điểm 15/12/2020, Công ty CP Đầu tư Tân Hà Đô (MST 3002198819) thành lập ngày 29/9/2020. Tức là chỉ hơn 1 tháng trước khi dự án nói trên được phê duyệt thì doanh nghiệp trên mới được "khai sinh".
Khi mới thành lập, Tân Hà Đô có vốn điều lệ 30 tỷ đồng - Bà Nguyễn Thị Hằng giữ chức danh Chủ tịch HĐQT
Doanh nghiệp này đăng ký địa chỉ tại số 02 đường Vũ Quang, phường Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh). Tân Hà Đô đăng ký 121 ngành nghề kinh doanh khác nhau. Trong đó chọn ngành nghề kinh doanh chính là Xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác.
Thông tin về người đại diện pháp luật, chủ sở hữu, thành viên, Cổ đông sáng lập của Công ty CP Đầu tư Tân Hà Đô thể hiện gồm có 3 cá nhân, trong đó người đại diện pháp luật đồng thời là Chủ tịch HĐQT là bà Nguyễn Thị Hằng sinh năm 1982 đến từ thành phố Hà Nội.
Khi mới thành lập, Tân Hà Đô có vốn điều lệ 30.000.000.000 đồng, cơ cấu cổ đông góp vốn gồm có 3 cá nhân, trong đó bà Hằng với chức danh Chủ tịch HĐQT góp 24 tỷ đồng, tương ứng 2.400.000 CP (nắm giữ 80%); Hai người còn lại là ông Trần Hồng Quân (thường trú tại Hà Nội) góp 3 tỷ đồng (tương ứng 10%) và bà Nguyễn Thị Thùy (thường trú tại Hải Dương) góp vốn 3 tỷ đồng (tương ứng 10%).
Chủ sở hữu Tân Hà Đô đã có sự thay đổi
Tuy nhiên, khi có giấy phép và tổ chức lễ khởi công hoành tráng, nhóm 3 cá nhân sáng lập ra một Tân Hà Đô từng được tỉnh Hà Tĩnh tin tưởng giao trọng trách kiến tạo nên một Cụm công nghiệp với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại... "bỗng dưng biến mất" khỏi danh sách cổ đông.
Qua tra cứu thông tin vào thời điểm tháng 11/2021, doanh nghiệp này đã có sự thay đổi về chủ sở hữu. Cụ thể, người đại diện pháp luật đồng thời là Chủ tịch HĐQT Tân Hà Đô là ông Phạm Trần Ngọc Anh sinh năm 1977 (thường trú tỉnh Hải Dương), Tổng giám đốc công ty là doanh nhân Mai Quốc Quân sinh năm 1979 (thường trú TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh).
Trước đó, Đời sống và Pháp luật đăng tải bài viết "Công ty Tân Hà Đô mới 'khai sinh' hơn 30 ngày đã `ôm`dự án hơn 122 tỷ đồng ở Can Lộc", dư luận địa phương tỏ ra khá quan tâm, bởi theo họ, đây là một dự án ‘trọng tâm’ nhưng lại "giao" cho một Tân Hà Đô vừa mới thành lập làm chủ đầu tư, thì liệu đơn vị này có đủ năng lực để triển khai dự án đúng tiến độ hay không?
Đáng chú ý, trong Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cũng nêu rõ: "sẽ xem xét chấm dứt hoạt động dự án mà không bồi thường, hoàn trả các chi phí liên quan đến các công việc đã thực hiện đối với dự án trong trường hợp Nhà đầu tư thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ các nội dung cam kết và quy định tại Quyết định chủ trương đầu tư hoặc vi phạm các quy định khác mà theo quy định của pháp luật dự án bị chấm dứt hoạt động".
Dưới đây là một số hình ảnh Cụm công nghiệp huyện Can lộc:
Hạ tầng kỹ thuật ở đây hoàn toàn trái ngược so với những kỳ vọng hay quyết sách được ban hành trước đó
Căn nhà (có thể là nhà bảo vệ) xây dựng dang dở trở thành nơi xả "thải"...
Căn nhà kho/xưởng cũ trước đó được che chắn và đang có một số người ở đó...
Cụm công nghiệp với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ?
Tuyến giáp ranh giữa Nhà máy thức ăn chăn nuôi Thiên Lộc
Bức tường cũ vẫn còn đó
Mặt bằng san lấp dang dở...
Lổm nhổm đất đá...
Với những gì Tân Hà Đô triển khai trên thực địa so với các quy định chi tiết trong "Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư" và "Quyết định phê duyệt đồ án Điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cụm công nghiệp huyện Can Lộc, tỉ lệ 1/500" thì thực tế Nhà đầu tư đang còn quá nhiều việc cần làm mới có thể "chạm" quy định về bố cục quy hoạch hay quy hoạch về hạ tầng kỹ thuật.
Lam Lam
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy