Dòng sự kiện:
Thanh Hóa: Vì sao nhiều cơ sở sản xuất đá hoạt động vô pháp trong Cụm công nghiệp Vức?
26/04/2023 07:51:18
Từ sự buông lỏng quản lý, nhiều cơ sở sản xuất đá hoạt động vô pháp trong Cụm công nghiệp Vức (Thanh Hóa) để lại nhiều hệ lụy về quản lý tài nguyên và môi trường.

Sống chung với bụi

Những ngôi nhà luôn trong tình trạng cửa đóng then cài, dù quét dọn, tưới nước thường xuyên nhưng chỉ là biện pháp tạm thời để chống chọi với bụi từ hoạt động vận chuyển, chế biến và khai thác đá. Đó là thực tế mà người dân sống quanh Cụm công nghiệp Vức (TP Thanh Hóa) đang phải chịu đựng bao nhiêu năm qua.

Xe chở đá gây bụi trên con đường hư hỏng tại CCN Vức, phường Đông Vinh

Cụm công nghiệp Vức (CCN) hiện có 98 cơ sở, doanh nghiệp đang hoạt động, gồm: 93 cơ sở hoạt động tại phường An Hưng, xã Đông Vinh, TP Thanh Hóa và 5 cơ sở hoạt động tại xã Đông Quang, huyện Đông Sơn. Do đặc thù về ngành nghề hoạt động chủ yếu là khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng thông thường, sản xuất bê tông tươi..., nên CCN Vức phát sinh nhiều ô nhiễm, đặc biệt là bụi. CCN hoạt động càng rầm rộ, cường độ vận chuyển nguyên vật liệu càng nhiều, tải trọng phương tiện vận chuyển lớn dẫn đến hạ tầng giao thông tại CCN Vức bị hư hỏng nặng,

“Xe tải chở đá, vật liệu chạy rầm rập suốt ngày, bụi bay mù mịt. Ngày nắng thì ngạt thở, còn mưa thì bẩn thỉu. Nhà tôi luôn trong tình trạng đóng cửa, lau dọn liên tục nhưng đồ đạc trong nhà lúc nào cũng phủ bụi, quần áo cứ phơi ra bụi lại bám đầy, đến khổ. Chỉ mong sao chính quyền sớm có biện pháp cải thiện tình hình”, bà N.T.T, thôn Đa Sỹ cho hay. 

Theo ghi nhận thực tế của PV, các con đường quanh CCN Vức đều hư hỏng xuống cấp, nhiều ổ voi, ổ gà gập ghềnh khó đi; bụi nhiều đến nỗi cây hai bên đường bạch trắng lá, những ngôi nhà luôn trong tình trạng im lìm đóng cửa tránh bụi; gần đó, con sông Nhà Lê cũng đục ngầu vì bột đá…

Được biết, năm 2003, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt quy hoạch Cụm công nghiệp núi Vức nhằm để khuyến khích các doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm 2022, do diện tích đất công nghiệp đã lấp đầy, không đủ điều kiện thành lập CCN, do đó UBND tỉnh đã thống nhất đưa CCN Vức ra khỏi quy hoạch phát triển.

Vì sao tồn tại nhiều cơ sở hoạt động vô pháp? 

Nhiều năm qua, do buông lỏng quản lý, tình trạng khai thác và chế biến đá trong khu vực núi Vức diễn ra lộn xộn, vô tổ chức để lại nhiều hệ lụy. 

Theo tìm hiểu, nhiều cơ sở sản xuất và chế biến đá hoạt động theo hình thức tự phát. Có những hộ không có hợp đồng thuê đất, tự ý xây dựng nhà xưởng sản xuất chồng lấn nhau gây khó khăn cho công tác quản lý; không được cấp phép hoạt động sản xuất kinh doanh nên không có đánh giá tác động môi trường, không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Tình trạng hoạt động vô pháp này diễn ra nhiều năm nhưng không được xử lý triệt để, vậy trách nhiệm thuộc về ai?

Một cơ sở sản xuất, chế biến đá không phép hoạt động tại núi Đa Sỹ

Trên cơ sở phản ánh của các cử tri xã Đông Vinh, tháng 11/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo xử lý dứt điểm hoạt động khai thác đá trái phép tại khu vực núi Đa Sỹ.

Từ ngày 15/2-5/3/2023, UBND TP Thanh Hóa đã lập đoàn kiểm tra 15 hộ dân chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng và 3 doanh nghiệp khai thác đá tại thôn Đa Sỹ, phường Đông Vinh. 

Kết quả kiểm tra cho thấy, một số hộ trước đây được UBND huyện Đông Sơn cho thuê đất, một số hộ thuê lại đất của doanh nghiệp được Nhà nước cho thuê đất, số còn lại tự ý bao chiếm đất để sản xuất kinh doanh nên không có hồ sơ về đất đai.Từ đó dẫn đến không xin được giấy phép kinh doanh, hồ sơ về môi trường theo quy định pháp luật.  “Các đơn vị trong quá trình sản xuất đều phát sinh khí thải, nước thải. Tuy nhiên hệ thống thu gom, xử lý nước thải không có, hoặc được thu gom vào ao lắng không qua hệ thống xử lý. Không có hệ thống xử lý bụi, khí thải dẫn đến ô nhiễm môi trường trong khu vực”, báo cáo của UBND TP Thanh Hóa nêu.

Công ty TNHH Hải Lộc Thắng ngang nhiên khai thác đá trái phép xuống tầng âm

Lý giải tình trạng nhiều cơ sở không có hồ sơ đất đai và hoạt động không phép, UBND TP Thanh Hóa cho rằng, việc này xảy ra từ trước khi xã Đông Vinh sáp nhập về TP Thanh Hóa. Các cơ sở hoạt động tự phát theo truyền thống lâu đời nên khó xác định được tổ chức, cá nhân sai phạm.

UBND TP Thanh Hóa đã chỉ đạo ngành chức năng hoàn tất hồ sơ, xử lý vi phạm hành chính đối với 15 hộ gia đình cá nhân về hành vi không có hệ thống thu gom nước thải, khí thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; xử lý 1 doanh nghiệp sản xuất chế biến đá không báo cáo cơ quan cấp giấy phép để được xem xét, giải quyết trong trường hợp có thay đổi so với nội dung giấy phép môi trường đã được cấp.

Các cơ sở sản xuất không có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường

Đối với 3 doanh nghiệp trong lĩnh vực khai thác đá, có 2 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Hải Lộc Thắng và Công ty TNHH SXVLXD Thành Phát có dấu hiệu khai thác khoáng sản trái phép xuống tầm âm; Hợp tác xã SXVLXD Đông Vinh có dấu hiệu khai thác vượt công suất hoặc khai thác không đúng hồ sơ thiết kế được phê duyệt. Về nội dung này, UBND TP Thanh Hóa đang đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở TNMT, sở Xây dựng và Công an tỉnh tổ chức kiểm tra đánh giá cụ thể, xử lý vi phạm nếu có. 

Đối với các cơ sở hiện không có hồ sơ đất đai, thành phố sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng và xã Đông Vinh tham mưu điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tổ chức kiểm tra hướng dẫn lập hồ sơ cấp GCNQSDD và xử lý theo quy định các hộ cá nhân chưa được giao đất, cho thuê đất sau khi điều chỉnh quy hoạch.

Theo chỉ đạo của Thành ủy TP Thanh Hóa, UBND TP Thanh Hóa đã lập tổ công tác tiếp tục rà soát tổng thể tình hình sử dụng đất, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính và chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên, môi trường của các tổ chức, cá nhân đang sản xuất tại các cụm công nghiệp và ngoài các cụm công nghiệp cũ trên địa bàn thành phố nhằm giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn tại.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tháng 3/2023 đối với tình trạng ô nhiễm môi trường tại CCN Vức, TP Thanh Hóa:

Về chất lượng nước sông Nhà Lê: có dấu hiệu ô nhiễm tại một số đoạn sông, nhất là tại khu vực gần cầu Trắng đang bị ô nhiễm bởi chất rắn lơ lửng có thể ảnh hưởng tới hệ sinh thái dưới nước.

Về chất lượng môi trường không khí: tại CCN Vức và khu vực lân cận có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi bụi; một số đơn vị sản xuất bê tông nhựa nóng có phát sinh thêm các loại khí như CO, NO2. Sở Tài nguyên và Môi trường đã đo đạc, lấy mẫu và phân tích chất lượng không khí tại 07 vị trí trong CCN Vức và một số khu dân cư lân cận vào các thời điểm khác nhau; kết quả cho thấy không khí trong CCN Vức có chỉ tiêu bụi vượt quy chuẩn từ 4,1 đến 10,69 lần và tại một số khu dân cư gần CCN có chỉ tiêu bụi vượt quy chuẩn từ 1,86 đến 3,87 lần.

Về công tác thu gom, xử lý chất thải rắn: hiện nay đất đá thải, bột đá đang chất đống ở trong và xung quanh khuôn viên các cơ sở, doanh nghiệp; hầu hết các doanh nghiệp chưa bố trí khu vực bãi thải hoặc có bố trí nhưng không đảm bảo quy định theo hồ sơ môi trường được phê duyệt.

Về hạ tầng giao thông trong CCN: bị ảnh hưởng và xuống cấp nghiêm trọng; nền đường và mặt đường bị sụt lún, sạt lở tạo ra nhiều ổ voi, ổ gà..., gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông, nhưng trong nhiều năm qua tuyến đường này chưa được cải tạo, nâng cấp, sửa chữa.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại 9 cơ sở trong CCN Vức; lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính 6 cơ sở vi phạm, tổng số tiền phạt 275 triệu đồng.

Lương Diễn

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến