Dòng sự kiện:
Hà Tĩnh: Dân khốn khổ chờ nhận đất rừng để sản xuất
27/10/2017 20:30:44
Đã hoàn chỉnh hồ sơ ban đầu, được bàn giao tạm thời nhưng đã nhiều năm trôi qua, đến nay người dân ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) vẫn không có quyền sử dụng đất.

Nộp tiền đầy đủ, nhưng nhiều năm vẫn chưa nhận đất

Năm 2014, UBND xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) thực hiện phương án giao đất gắn với rừng cho hộ dân có nhu cầu cần bắt thăm nhận đất.

Anh Phạm Văn Thịnh (SN 1968), trú tại thôn 5, xã Sơn Hồng cho biết: Ngày 31/5/2014, UBND xã Sơn Hồng thông báo về việc giao đất gắn với rừng cho hộ dân có nhu cầu cần và nhận để canh tác, sản xuất. Riêng thôn 5, có 72 hộ gia đình được giao đất, giao rừng, trong đó có anh Thịnh.

Sau khi bốc thăm giao đất, mọi thủ tục pháp lý ban đầu đã được hoàn tất. Anh Thịnh cũng như tất cả hộ dân đã nộp toàn bộ lệ phí giao đất rừng. Ngày 4/6/2015, chính quyền địa phương tiến hành giao đất lâm nghiệp trên thực địa tạm thời.

Gia đình anh Thịnh đã nộp tiền làm giấy chứng nhận QSDĐ cũng như mọi thủ tục pháp lý đã hoàn tất

Theo đó gia đình anh Thịnh được chính quyền địa phương giao đất giao rừng tại thửa đất số 3, tờ bản đồ 117 (Bản đồ địa chính phục vụ giao đất, giao rừng xã Sơn Hồng) với tổng diện tích 60484.6m2 (trên 6ha - PV) với thời gian sử dụng 50 năm.

Quá trình thu hồi, giao đất trước sự chứng kiến của nhiều người dân không gặp phải một sự ngăn cản, tranh chấp nào.

Sau một thời gian khắc khoải chờ đợi, người dân vui mừng khi chính quyền thông báo các hộ dân đã được giao đất lâm nghiệp trên thực địa tạm thời đến UBND xã Sơn Hồng nhận Giấy chứng nhận QSDĐ.

Tuy nhiên, trong khi tất cả hộ dân đều được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, riêng hộ anh Phạm Văn Thịnh thì không. Khi gia đình hỏi, chính quyền trả lời là đất đang tranh chấp với hộ anh Cao Huy Chương ở cùng xã nên chưa được cấp.

Chị Trần Thị Tâm (vợ anh Thịnh) cho hay: “Nếu đất đang tranh chấp thì vì sao lại bảo chúng tôi đi bốc thăm, nộp thuế, giao đất thực địa? Sự việc kéo dài mà không cơ quan nào giải quyết để chúng tôi có điều kiện canh tác, sản xuất”.

Gia đình anh Thịnh, chị Tâm được chính quyền địa phương giao đất giao rừng tại thửa đất số 3, tờ bản đồ 117 (Bản đồ địa chính phục vụ giao đất, giao rừng xã Sơn Hồng)

“Ông Cao Huy Chương không bàn giao đất cho gia đình tôi mà còn tiếp tục trồng cây, thu hoạch trên thửa đất gia đình tôi đã được bàn giao. Sự việc đã được báo cáo cho UBND xã, đồng thời có nhiều tờ trình gửi đến các cấp để nghị sớm giao giấy chứng nhận QSDĐ. Đến nay, sau hơn 2 năm được giao thực địa tạm thời nhưng chúng tôi vẫn “trắng tay” cả đất thực địa và cả Giấy chứng nhận QSDĐ”, chị Tâm cho biết thêm.

Chính quyền loay hoay tìm các phương án giải quyết

Liên quan đến sự việc trên, ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Sơn Hồng thừa nhận: “Đúng là có việc gia đình anh Thịnh đã được làm hồ sơ và thu tiền làm giấy chứng nhận QSDĐ lâm nghiệp, giao đất thực địa nhưng chưa được cấp bìa. Sự việc đáng lẽ xong rồi nhưng vì khi đất bàn giao cho các hộ dân chưa được “làm sạch” tài sản trên đất. Trước đó, ông Cao Huy Chương đã trồng 1,2ha keo trên đất gia đình anh Thịnh bốc thăm trúng nên chưa thể cấp bìa cho gia đình anh Thịnh. Chúng tôi nhận đó là sai của xã”.

Cũng theo ông Nam, xã đã báo cáo sự việc lên huyện và cũng đã nhiều lần mời 2 hộ lên làm việc để thống nhất cách phương án cấp bìa cho 2 hộ. Nhưng đến nay chưa tìm được điểm chung. Còn về việc anh Cao Huy Chương có chặt keo cũ, trồng mới keo trên đất nhà ông Thịnh chính quyền địa phương đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính nhưng ông Chương chưa chấp hành. Nếu ông Chương không chấp hành xã sẽ lập phương án cưỡng chế.

“Sự việc kéo dài dẫn đến hộ ông Thịnh chưa được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ là lỗi của chính quyền địa phương. Chúng tôi cũng muốn xử lý cho xong nhưng sự việc đã ngoài tầm của xã”, ông Nam nói.

Để làm rõ vấn đề trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Bình Thân, Phó chủ tịch UBND huyện Hương Sơn.

Ông Thân cho biết: “Hiện nay, huyện đang tập trung xử lý theo chủ trương giao đất giao rừng đã được UBND tỉnh  Hà Tĩnh phê duyệt. Anh Chương đã trồng 1,2ha keo trên đất đã bàn giao cho gia đình anh Thịnh. Phương án của huyện là giao cho xã giám sát để cho anh Chương thu hoạch 1,2ha keo đó. Sau khi anh Chương thu hoạch keo xong chúng tôi sẽ thu hồi giao đúng diện tích đất cho gia đình anh Thịnh sản xuất. Trước mắt gia đình anh Thịnh được phép sản xuất, canh tác trên diện tích đất còn lại”.

Vụ việc kéo dài gần 3 năm nhưng dân vẫn chưa nhận được đất sản xuất đã khiến dư luận bức xúc. Không những thế, tới thời điểm hiện nay, các cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay tìm các phương án giải quyết.

Hồ Thắng – Khánh Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến