Nhân kỷ niệm 74 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2021), Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ chính thức công bố kế hoạch xây dựng Khu tưởng niệm anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại chiến trường lòng hồ Kẻ Gỗ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Khu vực lòng hồ Kẻ Gỗ từng là chiến trường khốc liệt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Tại đây, quân đội đã cho xây dựng sân bay dã chiến Libi và các tuyến đường 21, 22 trong kế hoạch bí mật nhằm tạo huyết mạch giao thông mới chi viện cho chiến trường miền Nam.
Những oanh liệt, tàn khốc cũng như sự anh dũng hy sinh của lớp lớp TNXP, bộ đội, dân công hỏa tuyến… là vậy. Nhưng đến tận bây giờ, tất cả tư liệu chính thức về con đường 22 và sân bay LiBi rất ngắn ngủi. Những trận đánh thảm khốc, những hy sinh của bao thế hệ ít nhiều gây tranh cãi bởi phần nhiều chỉ ở nhân chứng sống.
Theo nhiều người dân địa phương kể lại, trận đánh vào sân bay Libi vào rạng sáng ngày 7/1/1973 là trận rải bom cuối cùng của quân Mỹ ở trận địa này đưa đến thương vong rất lớn cho quân dân ta. Và đó có lẽ là một trong những cuộc tập kích cuối cùng trên đất Việt Nam, bởi vì chỉ 20 ngày sau, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký kết và từ thời điểm đó, "chiến trường" thực sự chỉ còn diễn ra trên đất miền Nam.
Sau 45 năm nằm dưới lòng hồ Kẻ Gỗ (từ năm 1976), nhưng khi nước rút, hình ảnh những đoạn dài của tuyến đường 22 vẫn hiện ra rõ rệt
Sau ngày thống nhất non sông, năm 1976, tỉnh Hà Tĩnh đã thi công hồ Kẻ Gỗ phục vụ công tác thủy nông tưới tiêu cho các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Can Lộc… Tất cả mọi chứng tích chiến tranh trên đoạn đường 25km từ đầu đường 22 (khu vực Đá Bạc) đến sân bay Libi nay đã chìm sâu dưới lòng Hồ Kẻ Gỗ.
Người dân xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên kể lại, trong quá trình thi công, những người đi xây hồ Kẻ Gỗ chỉ di dời những ngôi mộ liệt sỹ tại nghĩa trang Đá Bạc chứ không nắm rõ về sân bay Libi hay những trận đánh ác liệt từng xảy ra nơi đây.
Giải thích cho sự lãng quên này, những người nghiên cứu sâu về đường 22 và sân bay Libi nhận định: Sau trận đánh ngày 7/1/1973, tại sân bay Libi, toàn bộ nguồn lực của quốc gia dồn cho chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam. Một mặt trận tan tành như sân bay Libi, nằm giữa chốn rừng sâu núi thẳm, tạm thời không được để ý đến - đó cũng là điều dễ hiểu…
Đường băng của sân bay giao cắt với tuyến đường 22 và vết tích những hố bom.
Theo người dân địa phương, năm 2005, sau khi có người đánh cá trong lòng hồ đã phát hiện ra những ngôi mộ hiện lên khi nước rút, chính quyền xã đã bắt đầu cho cất bốc, di dời một số ngôi mộ này ra khỏi lòng hồ.
Đến nay, hàng chục hài cốt đã được di dời về an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ Cẩm Xuyên, nhưng có thể vẫn còn rất nhiều hài cốt mãi mãi nằm lại trong dòng nước. Khi nước rút, bằng mắt thường có thể nhìn thấy hàng trăm hố bom lớn nhỏ còn nguyên trong lòng hồ.
Sau này, vào năm 2010, khi một đoàn cán bộ của Sở Giao thông Vận tải TP HCM đến thăm hồ Kẻ Gỗ đã được nghe kể về những câu chuyện trên, những người trong đoàn đã cùng nhau quyên góp được một khoản tiền và giao lại cho các cán bộ kiểm lâm để lập một miếu thờ bên sân bay Libi để người dân có thể đến thắp hương cho các anh chị bộ đội, TNXP… đã hy sinh tại đây.
Nhưng do nguồn kinh phí chưa đủ nên những cán bộ kiểm lâm này đã đi vận động thêm rồi trình thủ tục xây miếu thờ các liệt sỹ hy sinh trên tuyến đường 22 và sân bay Libi lên UBND huyện Cẩm Xuyên.
Năm 2010, ngôi miếu được chính quyền huyện Cẩm Xuyên và nhiều tổ chức quyên góp xây lên để thờ cúng linh hồn các liệt sỹ giữa đại ngàn
Ghi lòng tạc dạ sự hy sinh anh dũng của các lực lượng nơi đây, cũng như thỏa nguyện một phần nào niềm mong mỏi của những người còn sống, UBND huyện Cẩm Xuyên đã cùng vào cuộc quyên góp xây dựng được ngôi miếu thờ trị giá hơn 130 triệu đồng.
Ngôi miếu được xây dựng cuối năm 2010 đến đầu năm 2011 thì hoàn thành. Từ đây, một số hoạt động tưởng niệm, cầu an cho các anh hùng liệt sỹ đã được tiến hành thường xuyên hơn, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có quyết định công nhận đây là di tích lịch sử văn hóa lịch sử cấp tỉnh.
Đến nay, sau hơn 10 năm, các cán bộ của Ban quản lý Khu bảo tồn Kẻ Gỗ vẫn lặng lẽ tìm kiếm và kết nối, gặp gỡ nhiều nhân chứng, tạm thời có được danh sách 28 thanh niên xung phong và 32 liệt sỹ (trong đó toàn bộ các liệt sỹ đã hy sinh đúng vào trận tập kích ngày 7/1/1973). Nhưng đó mới chỉ là danh sách những người có tuổi có tên, rất có thể còn nhiều chiến sỹ chưa biết tên đã nằm lại mảnh đất này.
Danh sách liệt sỹ hy sinh đang nằm lại vùng lòng hồ Kẻ Gỗ
Được biết, suốt nhiều năm qua, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ rất mong muốn có điều kiện xây sửa lại miếu thờ để việc tri ân các anh hùng liệt sỹ được đầy đủ, trang nghiêm hơn nữa, xứng đáng với tầm vóc lịch sử cũng như tính chất bi tráng của trận địa đặc biệt này.
Từ đề xuất đó, một nhóm các nhà hoạt động xã hội, nhà báo, doanh nghiệp... đã dành thời gian, công sức kết nối, vận động, lên kế hoạch để tiến hành một số công việc chuẩn bị.
Mặc dù hiện nay cả nước đang đối mặt với đại dịch COVID-19 nhưng các hoạt động chuẩn bị vẫn sẽ được nhóm tiến hành để có thể khởi công công trình vào dịp giỗ trận vào ngày 7/1/2022 sắp tới.
Phương Nam
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy