Dòng sự kiện:
Habeco đặt kế hoạch lợi nhuận thụt lùi
12/04/2019 12:01:12
Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, HoSE: BHN) đặt kế hoạch lợi nhuận giảm 36% về 310 tỷ đồng - thấp nhất trong hơn 10 năm trở lại đây.

Habeco vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, ghi nhận kế hoạch kinh doanh với sản lượng tiêu thụ dự kiến đạt 438,1 triệu lít, gồm 434,5 triệu lít bia các loại, còn lại 3,6 triệu lít là nước uống đóng chai UniAqua.

Theo đó, Habeco mục tiêu doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính là 8.270 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 384,5 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 310 tỷ đồng, giảm 36% so với lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2018. Tỷ lệ cổ tức mà HĐQT Habeco đề xuất là 10%.

Theo báo cáo Ban Tổng Giám đốc, thị trường bia đang có xu hướng chựng lại, duy trì ở mức 5%/năm. Đặc biệt, khu vực miền Bắc và Trung – thị trường tiêu thụ chính sản phẩm Habeco –  cho thấy suy giảm 3% so với năm trước đó. Mặt khác, sản phẩm Công ty đang bị cạnh tranh gay gắt, đơn cử có Sabeco tăng trưởng 32% với sản phẩm Saigon Lager và 333, thậm chí Heineken Việt Nam tăng trưởng bằng sản phẩm Tiger với tốc độ lên đến 71%. Cùng với đó, thuế TTĐB tăng đi cùng chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng là những khó khăn mà Habeco đang đối mặt.

Dự kiến năm 2019, Habeco sẽ sản suất và đưa ra thị trường sản phẩm bia mới chai 355. Triển khai thực hiện cơ cấu tổ chức lại Bộ phận Tài chính kế toán, trên cơ sở đó sẽ thành lập Ban tài chính và Phòng kế toán nhằn tối ưu hóa công tác quản trị tài chính. Triển khai thực hiện cơ cấu lại Bộ phận thị trường nhằn tăng cường công tác phát triển thương hiệu, hình ảnh hiện diện tại các nhà hàng, siêu thị cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng với đó, công ty triển khai việc cơ cấu lại công ty thương mại theo hướng hình thành thêm các công ty thương mại khu vực để tăng cường thêm sức cạnh tranh.

Ngoài ra, công ty cũng sẽ triển khai đúng tiến độ lộ trình thoái vốn Nhà nước tại Habeco theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương.

Một nội dung quan trong khác đó là HĐQT của Habeco sẽ trình cổ đông miễn nhiệm chức danh Thành viên Ban kiểm soát đối với bà Chu Thị Mai. Đồng thời đại hội sẽ thông qua việc bầu thay thế Kiểm soát viên và thông qua danh sách ứng viên để bầu thay thế vào chức danh Thành viên BĐS đối với ông Trần Minh Tuấn, Phó Chánh văn phòng HĐQT.

Lũy kế năm 2018, Habeco ghi nhận doanh thu thuần 9.311 tỷ đồng, giảm 5%; Lợi nhuận trước thuế 666,7 tỷ đồng, giảm 23% so với năm trước và là năm sụt giảm thứ tư liên tiếp.

Kết quả này của Habeco đi ngược với xu hướng tăng trưởng chung của thị trường khi người Việt vẫn nằm trong danh sách uống bia nhiều nhất thế giới. Theo số liệu từ Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát (VBA), bình quân mỗi người Việt uống gần 45 lít bia trong năm 2017, tăng gấp rưỡi so với cách đó 2 năm. Theo quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam, mục tiêu đặt ra của ngành bia là sản xuất được 4,1 tỷ lít bia vào năm 2020, nghĩa là bình quân mỗi người Việt khi ấy sẽ uống khoảng 43 lít một năm. Với dữ liệu này, năm 2017 tốc độ tiêu thụ đã gần bằng con số mục tiêu 4 năm tới.

Vấn đề của Habeco từng được nhiều công ty chứng khoán nhắc đến trong báo cáo phân tích những năm gần đây, là dù đứng đầu về thị phần thị trường bia miền Bắc, song thách thức với công ty đến từ sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng và áp lực cạnh tranh từ những thương hiệu bia ngoại. Thị phần của Habeco chỉ còn duy trì ở phân khúc giá thấp, trong khi thị trường bia cao cấp bị lép vế trước sự cạnh tranh của Heineken, Bia Sài Gòn và những thương hiệu nước ngoài. 

Theo báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cuối năm 2017, thị phần của Habeco đã giảm liên tục trong 6 năm gần đây, từ mức gần 20% năm 2010 xuống còn 18%. 

Theo VCSC, nguyên nhân là thị trường phân khúc bia giá rẻ, vốn là thế mạnh của Habeco đang thu hẹp quy mô, trong khi tại phân khúc cao cấp công ty này lép vế hoàn toàn so với các đối thủ khác. Quy mô thị trường của phân khúc bia giá rẻ đã giảm xuống 8% tổng thị trường so với mức 14% cách đây 7 năm.

Habeco là một doanh nghiệp Nhà nước, Bộ Công Thương đang sở hữu 81,79% vốn. Ngoài Bộ Công Thương, đối tác ngoại là Carlsberg Breweries A/S đang sở hữu 17,34% vốn.

Bộ Công Thương có kế hoạch thoái vốn tại Habeco. Tuy nhiên, Bộ này được cho là đang gặp khó trong việc tìm nhà đầu tư chiến lược. Thỏa thuận hợp tác chiến lược được ký giữa Carlsberg và Bộ Công Thương vào năm 2009 cho phép Carlsberg được quyền ưu tiên mua trước khi Habeco bán tiếp cổ phần.

Khánh Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến