Đường Vành đai 2 vẫn chưa thể khép kín
Dự án Vành đai 2 có chiều dài hơn 64 km, quy mô 6-10 làn xe. Dự án kết nối vành đai ngoại thành từ đại lộ Nguyễn Văn Linh qua nút giao Mỹ Thủy (quận 2) qua cầu Phú Hữu (quận 9), kết nối với xa lộ Hà Nội, tuyến Phạm Văn Đồng và quốc lộ 1A (đoạn qua quận Thủ Đức).
Cũng theo quy hoạch này, đường Vành đai 2 sẽ tạo ra một trục giao thông quan trọng ở các cửa ngõ TP, giúp hạn chế phương tiện giao thông (không đi vào thành phố) lưu thông vào trung tâm, góp phần giảm ùn tắc giao thông cho thành phố. Đặc biệt, tuyến đường này còn được kết nối vào đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và với các đường Vành đai 3 và 4, tạo ra một trục đường nối kết các đường liên tỉnh, góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông ở các cửa ngõ ra vào thành phố.
Tuy nhiên, dù được quy hoạch từ năm 2007 nhưng đã hơn 10 năm nay, đường vành đai 2 vẫn chưa được khép kín. Đoạn được đầu tư thi công thì đang tạm ngưng, còn những đoạn chưa được triển khai thì vẫn đang nằm chờ để được đầu tư.
Sơ đồ tuyến đường Vành đai 2 tại TP HCM (Đồ họa: Hồng Sơn)
Theo tìm hiểu, sau nhiều năm thi công, đường Vành đai 2 hiện vẫn còn 11 km (chia làm 4 đoạn) còn dang dở, chưa được khép kín.
Trong đó, đoạn 1 (từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội), đoạn 2 (từ xa lộ Hà Nội đến Phạm Văn Đồng) và đoạn 4 (từ đường Nguyễn Văn Linh đến QL1A) đang bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư công dự án.
Riêng đoạn 3, từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông cầu vượt Gò Dưa (quận Thủ Đức) được triển khai thi công từ năm 2017 nhưng đến nay cũng đã tạm ngưng.
Đoạn thứ 3 được triển khai theo hình thức BT, do CTCP Văn Phú, Bắc Ái làm chủ đầu tư, cũng chính là dự án đang phải ngưng thi công do chưa được ký phụ lục hợp đồng BT.
Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 2.527 tỷ đồng, trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 1.400 tỷ đồng. Chủ đầu tư đã chuyển cho thành phố toàn bộ số tiền bồi thường trên nhưng đến nay vẫn còn vướng mặt bằng khoảng 20% ở khu vực quận Thủ Đức.
Thông tin về tiến độ thực hiện dự án, ông Trần Đức Thắng, Tổng giám đốc CTCP Văn Phú, Bắc Ái cho biết, phía đơn vị đến nay đã thực hiện được 50% tiến độ dự án, còn vướng mặt bằng khoảng 20% ở khu vực quận Thủ Đức.
Theo ông Thắng, hiện nhà đầu tư đã bỏ ra hơn 900 tỷ đồng giải phóng mặt bằng, hơn 400 tỷ đồng để thi công, cộng thêm lãi hơn 200 tỷ đồng là đã hơn 1.500 tỷ đồng nhưng đến nay thành phố vẫn chưa giải ngân được khoản nào cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, phía công ty cũng đã nhiều lần làm văn bản gửi UBND TP.HCM kiến nghị ký phụ lục hợp đồng BT và thanh toán cho nhà đầu tư cũng như nhanh chóng giải phóng mặt bằng để có thể triển khai dự án. Thành phố cũng đã giao Sở Tài chính rà soát cùng với Sở KH&ĐT thẩm định nhưng vẫn chưa có thông tin mới.
“Hiện khó khăn lớn nhất mà dự án gặp phải là việc giải phóng mặt bằng, bên cạnh đó là việc ký phụ lục hợp đồng BT và thanh toán cho nhà đầu tư. Nếu có mặt bằng sạch và những vướng mắc liên quan được tháo gỡ thì trong khoảng thời gian chưa đến 2 năm sẽ thực hiện xong dự án”, ông Thắng nói.
Quốc lộ 13 gần 20 năm 'dang dở'
Dự án nâng cấp quốc lộ 13 nằm trong dự án thành phần xây dựng cầu Bình Triệu 2 được hình thành từ 19 năm trước (năm 2001).
Dự án ban đầu được thiết kế với chiều dài 4,5 km, từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu, là cửa ngõ Đông Bắc hết sức quan trọng của TP.HCM. Theo đó, khi dự án được thực hiện sẽ tạo bước đột phá để TP.HCM kết nối với tỉnh Bình Dương - vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thông với các tỉnh Bình Phước và hàng loạt tỉnh Tây Nguyên.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ mở rộng 32m, sau đó TP.HCM yêu cầu nâng lên 53m, rồi 60m với tổng vốn đầu tư là 4.733 tỷ đồng nhưng vì không đủ vốn nên UBND TP.HCM rút xuống mở rộng còn 43m và tổng vốn đầu tư còn 3.182 tỷ đồng. Tuy nhiên, một lần nữa dự án vẫn không thể thực hiện vì ngân sách thành phố vẫn không đủ trong khi số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng bị đội vốn quá lớn.
Tình trạng kẹt xe diễn ra thường ngày trên tuyến quốc lộ 13 (Ảnh: Thu Trinh)
Đến tháng 10/2019, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM đã có tờ trình HĐND thành phố xin chủ trương thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13, từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu.
Dù vậy, thông tin về tiến độ thực hiện dự án vẫn chưa được tiết lộ, Ban quản lý từng cho biết, việc chưa thể nói về các phương án chi tiết của dự án này là vì còn chờ UBND TP.HCM thông qua. Đồng thời, các phương án được xây dựng trước đây thì nay đã được cập nhật mới cho phù hợp với thực tế.
Thời gian qua việc dự án hạ tầng giao thông quan trọng bị chậm tiến độ đã khiến tuyến đường Quốc lộ 13 luôn trong tình trạng kẹt xe, đặc biệt là khi mưa lớn làm ngập một vài đoạn mặt đường xuống cấp nghiêm trọng.
Một điểm đáng chú ý khác, tại buổi giám sát của HĐND TP.HCM ở Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP về tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án giao thông trọng điểm diễn ra vào ngày 4/6 vừa qua, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý cho biết, sắp tới sẽ trình 8 dự án giao thông quan trọng để HĐND TP.HCM xem xét thông qua chủ trương đầu tư công trong kỳ họp giữa năm.
Tuy nhiên, 8 dự án được đề cập trên vẫn không có tên dự án mở rộng tuyến quốc lộ 13 chính vì vậy giới phân tích cho rằng đây vẫn sẽ là dự án giao thông “đóng băng” thêm nhiều năm nữa.
Trong khi đó, một nguồn tin khác tiết lộ, dự án này dự kiến sẽ thực hiện trước năm 2023, với tổng vốn đầu tư lên đến gần 10.000 tỷ đồng, được lấy từ nguồn ngân sách. Trong đó, chi phí xây dựng hơn 1.300 tỷ, tiền giải phóng mặt bằng khoảng 8.100 tỷ. Còn lại là các khoản chi phí tư vấn, quản lý, di dời hạ tầng kỹ thuật, dự phòng...
Tại kỳ họp lần thứ 20 của HĐND TP.HCM khóa IX diễn ra vào giữa tháng 7 vừa qua, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, thành phố dành đến 37,5% để phát triển hạ tầng giao thông trong tổng số vốn đầu tư công. Thế nhưng, nguồn vốn dành cho giao thông vẫn rất thiếu, vì thế thành phố tập trung cho các công trình trọng điểm. Một khó khăn nữa liên quan đến nguồn vốn khi Luật Đầu tư công mới quy định, tổng vốn đầu tư dự án cũ chỉ được bố trí lại tối đa 20%. Trong khi nhu cầu vốn dự án giai đoạn cũ của TP.HCM lên đến 220.000 tỷ đồng. Quy định này khiến dự án cũ không thể triển khai được vì không có vốn; còn dự án mới sẽ không có cơ sở lập dự án đầu tư mới trong 5 năm tới. Phó chủ tịch TP.HCM cho biết, chính quyền thành phố sẽ báo cáo Thường trực Thành ủy, HĐND TP.HCM xin chủ trương cắt giảm một số dự án. Đồng thời, bên cạnh đó xác định lại các tiêu chí ưu tiên, tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm. |
Tác giả: Lý Tuấn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy