Nhiều người dân trên địa bàn huyện Kim Thành (Hải Dương) phản ánh, thời gian gần đây nhiều cá nhân tại địa phương ngang nhiên xây dựng các công trình nhà ở, chuồng trại chăn nuôi vi phạm nghiêm trọng hành lang bảo vệ đê điều.
Theo người dân, thực trạng này tồn tại bất chấp pháp luật; chính quyền sở tại nắm rõ vấn đề sai phạm nhưng vẫn xử lý theo kiểu “tình làng, nghĩa xóm”!?
Qua tìm hiểu của PV, tại vị trí tương ứng K15 + 030 nằm trên tuyến đê hữu Kinh Môn, bà Trần Lệ Xuân, trú tại 124 QL5, khu phố ga, thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành, tự ý xây dựng móng nhà dài theo đê 18m, lấn vào hành lang bảo vệ đê từ 0m đến 1,2m.
Tại vị trí tương ứng K7+975 K8+000, nằm trên tuyến đê hữu Kinh Môn, ông Ngô Quang Hoàn trú tại thôn Phương Khê, xã Việt Hưng cũng đã tự ý xây dựng công trình nhà ở có chiều dài theo đê 8,7m; rộng 3,6m và cao 3,5m nằm trên bãi sông. Xung quanh có vây lưới bao, bưng tôn, mái tôn, điểm gần nhất cách chân đê phía sông 26m.
Gia đình ông Đồng Xuân Công xây dựng nhà khung thép trái phép, bất chấp pháp luật.
Ngoài ra, ông Hoàn còn cho xây dựng 2 trụ cổng trong hành lang bảo vệ đê phía sông 14m, 2 trụ cổng bên bãi sông kích thước mỗi trụ (0,5 x 0,5)m cao 1m, điểm gần nhất cách chân đê phía sông 27,5m.
Trao đổi với PV, ông Vũ Văn Cầu, Chủ tịch UBND xã Việt Hưng, huyện Kim Thành xác nhận và cho biết, công trình nhà ở được xây dựng có nguồn gốc đất là đất nông nghiệp, vi phạm hành lang đê điều và chính quyền đã tiến hành lập biên bản xử phạt.
“Đất ấy được gia đình ông Hoàn mua từ các hộ dân về để làm dự án nuôi trồng thủy sản. Phía địa phương cũng đã nhắc nhở và yêu cầu gia đình tự giác tháo dỡ khi có biên bản cưỡng chế...”, ông Cầu thông tin thêm.
Không chỉ có 2 công trình vi phạm trên, tại vị trí tương ứng K4+420, thuộc đê tả Lạch Tray, xã Đại Đức, gia đình ông Đồng Xuân Công đã vi phạm xây dựng nhà khung thép mái tôn kích thước (20,8 x 10 x 3,5)m.
Về vấn đề này, ông Phạm Văn Thăng, Chủ tịch UBND xã Đại Đức, huyện Kim Thành cho biết: “Gia đình ông Công này có dự án nuôi trồng thủy sản từ nhiều năm nay có quyết định của cấp huyện phê duyệt”.
“Chỗ công trình xây dựng nhà khung thép kia là xây dựng trái phép được chính quyền địa phương phát hiện được khoảng 2 tháng nay. Phía xã đã tiến hành phạt 2,5 triệu đồng và yêu cầu tháo dỡ trong vòng 30 ngày”, ông Thăng cho biết thêm.
Tại buổi làm việc với PV, ông Trương Đức Tốn, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê huyện Kim Thành xác nhận các công trình mà chúng tôi cung cấp ở trên là vi phạm luật đất đai và hành lang đê khi chưa được cơ quan chức năng cho phép xây dựng.
Ông Tốn cho biết thêm, phía Hạt Quản lý đê huyện Kim Thành đã tham mưu, phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành lập biên bản xử phạt và yêu cầu tháo dỡ đối với các công trình này. Tuy nhiên, khi phóng viên muốn tiếp cận hồ sơ, văn bản của các công trình sai phạm này thì vị này từ chối cung cấp với lý do: “Hôm nay, anh chỉ trao đổi với em về thông tin vụ việc thôi. Chứ còn hồ sơ, giấy tờ để cung cấp cho báo thì phải xin ý kiến từ cấp trên".
Liên quan đến vụ việc, ngày 26/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương ra văn bản số 681/SNN-ĐĐ về việc xử lý vi phạm pháp luật đê điều, phòng chống thiên tai trên địa bàn huyện Kim Thành.
Tại văn bản này nêu rõ, để giữ nghiêm kỷ cương pháp luật của Nhà nước, chấp hành các quy định Luật đê điều, Luật phòng chống thiên tai, thực hiện Chỉ thị số 1848/CT-BNN-PCTT ngày 15/3/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác quản lý đê điều và sẵn sàng hộ đê, chống lũ bão năm 2019.
Ngoài ra, Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 3/4/2019 của UBND tỉnh Hải Dương về việc tăng cường công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019 trên địa bàn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương đề nghị UBND huyện Kim Thành: Chỉ đạo các đơn vị chức năng của huyện, xã phối hợp với Hạt quản lý đê Kim Thành kiên quyết xử lý dứt điểm các vi phạm nêu trên theo quy định của pháp luật, hoàn trả lại mặt bằng bãi sông, hành lang bảo vệ đê như ban đầu. Trường hợp, các tổ chức cá nhân trên vẫn cố tình không chấp hành thì áp dụng biện pháp cưỡng chế giải tỏa theo quy định của pháp luật.
Mặc dù các công trình nêu trên vi phạm nghiêm trọng theo quy định của luật đê điều, bảo vệ hành lang đê đã bị xử phạt và yêu cầu tháo dỡ nhưng cho đến nay các công trình này vẫn ngang nhiên tồn tại, thách thức pháp luật.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc.
Quốc Phương – Trung Anh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy