Dòng sự kiện:
Hải Dương: Dự án nhà máy nghìn tỷ sau 4 năm vẫn chưa xong san lấp mặt bằng
30/12/2021 08:56:12
Sau nhiều năm, dự án nhà máy sản xuất hàng may mặc và túi xách tại Cụm công nghiệp Cao Thắng, xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện thay đổi nhà đầu tư từ nước ngoài đến trong nước nhưng vẫn chỉ là bãi đất trống.

Dự án nhà máy sản xuất hàng may mặc và túi xách tại CCN Cao Thắng, xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện được UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 10/1/2017. Nhà đầu tư là Công ty YMSA Co., Ltd. (Hàn Quốc), người đại diện là ông Ki Hak-Sung, quốc tịch Hàn Quốc.

Đến nay, dự án được chuyển giao cho nhà đầu tư khác (ở Việt Nam), thế nhưng vẫn chỉ là bãi đất trống, nhiều khu đất trên dự án vẫn chưa được san lấp mặt bằng.

Sau nhiều năm, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống, nhiều khu vực vẫn chưa được san lấp mặt bằng mặc dù chuyển từ nhà đầu tư nước ngoài sang nhà đầu tư trong nước.

Chưa xong san lấp mặt bằng

Dự án có tổng số vốn đầu tư 1.056 tỷ VNĐ (tương đương 48 triệu USD). Trong đó vốn góp để thực hiện dự án là 264 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của dự án 50 năm kể từ khi có quyết định chủ trương đầu tư.

Với quy mô sản xuất, kinh doanh các loại hàng dệt may là 8.500.000 sản phẩm/năm và sản xuất, kinh doanh túi xách là 500.000 chiếc/năm, dự án có diện tích đất dự kiến xin thuê là 414.478 m2.

Về tiến độ thực hiện dự án, tỉnh Hải Dương yêu cầu xây dựng hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động trong thời hạn 60 tháng (từ năm 2017 – 2022), kể từ ngày UBND tỉnh có quyết định chủ trương đầu tư.

Việc xây dựng cụ thể như năm thứ nhất xây dựng 2 xưởng sản xuất, 1 nhà kho, 1 nhà ăn, thực hiện sản xuất với quy mô 600.000 sản phẩm/năm. Năm thứ 2, xây dựng thêm 2 xưởng sản xuất, nâng quy mô lên 1.550.000 sản phẩm/năm.

Năm thứ 3, xây dựng thêm 4 xưởng sản xuất, nâng quy mô sản xuất lên 3.100.000. Năm thứ 4 xây dựng thêm 4 xưởng sản xuất, 1 nhà ăn, nâng quy mô sản xuất lên 4.650.000 sản phẩm/năm.

Năm thứ 5 xây dựng thêm 4 xưởng sản xuất, nâng quy mô sản xuất lên 6.200.000 sản phẩm/năm. Từ những năm sau, nâng quy mô sản xuất đại công suất thiết kế.

Có mặt tại dự án vào ngày 5 và 7/12, theo quan sát của PV, ngay từ cửa vào dự án đã thi công xây dựng đấu nối đường ra vào Cụm Công nghiệp Cao Thắng với QL38B. Tại lối vào, chủ đầu tư cũng cho dựng barie bằng những thanh gậy gỗ đơn giản.

Điều đáng nói, thời điểm PV ghi nhận thực tế, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống, nhiều khu vực còn chưa được san lấp mặt bằng. Không bóng người qua lại, những gì hiện hữu tại dự án chỉ là khu nhà tạm bằng container nằm chơ vơ tại khu đất trống.

Ngày 7/12, trao đổi với PV, ông Trần Mạnh Nhường, Chủ tịch UBND xã Cao Thắng cho biết, dự án nằm trên diện tích của 2 xã, trong đó xã Cao Thắng khoảng 36ha và xã Tứ Cường khoảng 7ha. Chủ yếu nguồn gốc đất là đất trồng lúa, trồng cây hàng năm.

Ngay sau khi nhận được quyết định chủ trương đầu tư năm 2016, UBND xã đã phối hợp với các đơn vị chức năng khác để tiến hành GPMB, khoảng hơn 75 triệu/sào.

“Từ năm 2016, xã đã cùng huyện tiến hành GPMB, thế nhưng đến nay dự án vẫn chỉ là bãi đất trống. Mặc dù dự án được sang nhượng nhiều chủ đầu tư, trong đó có cả nước ngoài và Việt Nam nhưng dự án vẫn “án binh bất động””, ông Nhường chia sẻ.

Liên tục thay đổi nhà đầu tư

Dự án do doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài nên UBND tỉnh Hải Dương đã cho doanh nghiệp này hưởng các chế độ ưu đãi, hỗ trợ đầu tư với dự án như ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn giảm tiền thuê đất; ưu đãi thuế nhập khẩu, xuất khẩu.

Ngày 3/3/2017, Công ty TNHH YMSA Co.Ltd đã thành lập Công ty TNHH May Công nghệ cao Hải Dương, do YMSA Co.Ltd làm chủ sở hữu, mã số doanh nghiệp là 0801206676, thay đổi lần 1 ngày 10/1/2018, người đại diện là ông Jin-Kook Kim, quốc tịch Hàn Quốc làm Tổng giám đốc.

Việc thành lập này để công ty triển khai các phần việc và hoạt động theo luật đầu tư, luật doanh nghiệp,…của Việt Nam.

Đến nay, dự án này được chuyển giao cho Công ty cổ phần may Công nghệ cao Hải Dương, mã số doanh nghiệp 0801206676, do Phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương cấp đăng ký lần đầu ngày 3/3/2017, thay đổi lần thứ 6 ngày 7/12.

Người đại diện là ông Bùi Văn Khuynh (người Việt Nam), Tổng Giám đốc công ty. Như vậy, trong 4 năm doanh nghiệp đã thay đổi tới 4 lần  người đại diện công ty và cũng thay đổi cả tên tổ chức chủ sở hữu doanh nghiệp.

Từ việc dự án có vốn 100% nước ngoài, hiện tại được chuyển giao cho người Việt Nam tiếp tục thực hiện dự án, thế nhưng mã số thuế vẫn đang hoạt động từ đầu khiến dư luận đặt câu hỏi về việc dự án không còn là vốn nước ngoài mà vẫn được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất, ưu đãi thuế nhập khẩu, xuất khẩu?

Ngày 15/12, trao đổi với PV, ông Vũ Huy Cường, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch & Đầu tư Hải Dương cho biết, “Mặc dù đã chuyển sang đầu tư trong nước, quan điểm về mặt doanh nghiệp, pháp nhân để thực hiện dự án vẫn là công ty cổ phần, mỗi pháp nhân gắn với 1 mã số thuế.

Mã số thuế chỉ mất đi khi bị thu hồi  giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tự giải thể.

Dù nó là chuyển đổi hay như thế nào, thì theo quan điểm của tôi nó vẫn đi theo pháp nhân đấy. Còn việc thay đổi chủ sở hữu chỉ là việc nội bộ thì cơ quan nhà nước vẫn ghi nhận pháp nhân gắn với mã số đấy.”

“Không phải là nhà đầu tư nước ngoài thì việc GPMB không nhanh như thế”

Ngay sau khi nhận được thông tin về việc quy hoạch dự án, lãnh đạo 2 xã Cao Thắng và Tứ Cường cùng các phòng  ban, đơn vị chức năng khác đã nhanh chóng vận động người dân nhường đất canh tác mang lại thu nhập để thuận lợi trong việc GPMB, giao cho doanh nghiệp nhanh chóng triển khai dự án.

Việc dự án hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho nhiều người tại địa phương và những khu vực khác. Thế nhưng, sau 4 năm, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống khiến người dân và chính quyền rất lo lắng.

“Lúc đầu tôi nghĩ là vốn đầu tư 100% nước ngoài nên tôi cùng mọi người đồng ý chấp thuận luôn việc nhường đất để thực hiện, nếu biết là không phải là nhà đầu tư nước ngoài thì việc GPMB không nhanh như thế”, một người dân cho biết.

Theo Chủ tịch UBND xã Cao Thắng, khi dự án chưa được xây dựng, mới chỉ san lấp được một phần nào đó rồi dừng thì người dân cũng có ý kiến.

“Việc GPMB rất vất vả, chúng tôi phải vận động để người dân đồng thuận vì khi dự án được triển khai cũng mang lại công ăn việc làm cho người dân. Không rõ vì sao đến nay nhiều chỗ tại dự án còn chưa được san lấp.

Vụ việc này thì xã cũng đã kiến nghị với huyện nhiều lần nhưng huyện nói do tỉnh. Bà con cũng có ý kiến.”, Chủ tịch UBND xã Cao Thắng thông tin thêm.

Ngày 15/12, trao đổi với PV, bà Đỗ Thị Ngát, chuyên viên phòng thẩm định, giám sát đầu tư dự án Sở Kế hoạch & Đầu tư cho biết, hiện nay nhà đầu tư dự án báo cáo đã làm xong việc đấu nối vào đường quốc lộ, tiếp theo sẽ làm các thủ tục khác để tiến hành xây dựng dự án.

“Cuối năm 2022 dự án phải hoàn thành. Theo luật, nếu chậm 12 tháng thì họ phải làm thủ tục điều chỉnh tiến độ. Đến nay chưa hết hạn nên không làm gì khác được”, bà Ngát cho biết.

Quốc Phương

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến