Dòng sự kiện:
Hai kịch bản cơ cấu cổ đông tại Eximbank
10/03/2022 12:07:26
Ngày 22/3/2022, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu lại tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên.

Eximbank hiện có tổng tài sản 165.500 tỷ đồng, tương đương 7,2 tỷ USD. Ảnh: Đức Thanh

Đại hội diễn ra ngày 15/2/2022 đã bầu được Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát, nhưng hầu hết các tờ trình liên quan đến định hướng phát triển vẫn chưa được thông qua. Vì sao vậy?

Một tập đoàn bất động sản tầm cỡ phía Nam (tạm gọi Tập đoàn N.) đã gần như chính thức trở thành “ông chủ” mới của Eximbank sau khi đã nhận chuyển nhượng tổng cộng khoảng 38-40% cổ phần ngân hàng trong các đợt giao dịch thỏa thuận gần đây.

Nói “gần như chính thức” vì các bên bán mới nhận được 50% tiền và họ vẫn đang đứng tên trên số cổ phần nắm giữ. Cho đến khi “tiền trao, cháo múc” đầy đủ, thì việc sang tên đổi chủ mới được tiến hành. Vì lý do này, tập đoàn bất động sản trên vẫn chưa cử người tham gia Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát Eximbank. Ngoài ra, theo quy định trong lĩnh vực ngân hàng, bên mua cần nắm giữ cổ phiếu tối đa 6 tháng mới được quyền đề cử người tham gia Hội đồng Quản trị.

1,1 và 7,2 tỷ USD

Eximbank đang trở nên sáng giá, nơi mà để ngồi vào ghế “ông chủ”, điều kiện cần nhất là… tiền! Eximbank có tổng tài sản 165.500 tỷ đồng, tương đương 7,2 tỷ USD; vốn điều lệ 12.355 tỷ đồng, tức 537 triệu USD. Eximbank có 2 nhóm cổ đông nội địa rõ ràng và việc mua lại 15% vốn tại đây của cổ đông tổ chức Sumitomo đang thuận lợi vì Sumitomo đã không còn “chung thủy” với Eximbank.

Tập đoàn bất động sản phía Nam đã “ngã giá” trên dưới 4 chấm/cổ phiếu để mua lại số cổ phần từ một đại gia phía Bắc và nhóm cổ đông có liên quan đến bà Ngô Thu Thúy. Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, tập đoàn này đã thương lượng xong với đối tác nước ngoài về việc mua lại cổ phần Eximbank với một mức giá thấp hơn đáng kể giá chuyển nhượng của nhóm cổ đông nội địa.

Họ, theo nguồn tin đáng tin cậy của người viết bài này, đã chi ra tầm 9.000 - 9.500 tỷ đồng trả cho bên bán cổ phần Eximbank. Họ sẽ còn tiếp tục trả thêm chừng đó để nhận hết số cổ phần mua. Đồng thời, mức chi trả để nhận chuyển nhượng cổ phần của cổ đông ngoại sẽ khoảng 6.000 - 6.500 tỷ đồng nữa. Tổng cộng để có thể nắm trong tay trên 51% cổ phần Eximbank, tập đoàn trên đang dốc hầu bao cỡ 25.000 tỷ đồng (khoảng 1,1 tỷ USD).

Bỏ ra 1,1 tỷ USD để sở hữu một ngân hàng khá “sạch” như Eximbank, có tổng tài sản 7,2 tỷ USD, quả là một giá hời thuần tuý về mặt số học.

“Ông chủ” mới đã đặt một chân vào ngân hàng, còn phải “xoay” tiền để đặt chân thứ hai. Phương pháp mua ngân hàng vẫn như cũ: thế chấp cổ phiếu đang có nhằm vay tiền mua tiếp. Vì bên bán vẫn đang có đại diện trong Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát, nhưng tiền bán đã nhận một nửa, việc biểu quyết thông qua các tờ trình về kinh doanh của Eximbank đã không thành công trong Đại hội đồng cổ đông ngày 15/2/2022.

Bàn cờ Eximbank

Trước khi Tập đoàn N. vào Eximbank, nhóm cổ đông liên quan đến Ngân hàng TMCP Nam Á đã có lúc nắm giữ 37-38% cổ phần Eximbank. Đến nay, sau nhiều lần chuyển nhượng giữa các cá nhân, tổ chức, nhờ liên kết với nhau, tỷ lệ cổ phần do nhóm này sở hữu hầu như không thay đổi.

Nhóm bà Thúy “hợp tác” với một đại gia phía Bắc cùng một số cổ đông ngoại cũng đã từng có trong tay 40-45% cổ phần Eximbank. Trong quá khứ, họ đã “quyết liệt” mua gom thêm nhằm nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 50%, nhưng không thành công, vì 15% cổ phần của Sumitomo và tỷ lệ cổ phần của nhóm cổ đông liên quan đến Ngân hàng Nam Á nắm giữ cộng lại luôn cao hơn 51% vốn Eximbank.

Tập đoàn N. từ lâu đã có ý định thâu tóm một ngân hàng cho hệ sinh thái. Eximbank trong tầm ngắm của họ đã vài năm. Chỉ đến khi Sumitomo thể hiện công khai “tình ai nấy đi” với Eximbank, tập đoàn mới thật sự “vào cuộc”. Họ có mối quan hệ khá “hữu hảo” với nhóm cổ đông Nam Á; họ dễ dàng tiếp cận Sumitomo; việc thương lượng mua lại cổ phần của bà Thúy và đại gia phía Bắc chỉ còn là vấn đề giá cả.

Cơ cấu cổ đông của Eximbank hiện chia làm 3: nhóm cổ đông Nam Á, Tập đoàn N. và Sumitomo. Sắp tới, khi Sumitomo không ở lại, thì còn hai. Có 2 kịch bản trong tương lai: hoặc Tập đoàn N. mua lại cổ phần của nhóm cổ đông Nam Á, hoặc họ bắt tay cùng nhóm cổ đông Nam Á “làm chủ” ngân hàng. Không loại trừ khả năng nhóm cổ đông Nam Á sẽ bán dần cổ phiếu Eximbank qua sàn để thu hồi vốn nếu thị giá EIB được nhận định phù hợp.

Lời nguyền “ngân hàng vô chủ”

Lịch sử đã chứng minh rằng, vào được Eximbank không khó, nhưng trụ lại và đồng hành lâu dài với ngân hàng này thì chưa bao giờ dễ dàng.

Eximbank là ngân hàng TMCP thứ hai được phép thành lập (sau Sài Gòn Công thương Ngân hàng – SaigonBank). Người khai sinh Eximbank là ông Nguyễn Nhật Hồng (đã mất), nguyên Phó tổng giám đốc Vietcombank và nguyên Giám đốc chi nhánh Vietcombank TP.HCM. Là người sáng lập Eximbank, nhưng ông Hồng và gia đình không mua một cổ phiếu Eximbank nào (cho tới lúc mất cũng không sở hữu cổ phiếu nào).

Ông Hồng từng là người tổ chức đường dây vận chuyển tiền, ngoại tệ viện trợ của các nước XHCN từ Hồng Kông về cho Mặt trận Giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Khi chuẩn bị nghỉ hưu năm 1988, ông Hồng nảy ra ý tưởng thành lập Eximbank như ngân hàng cổ phần thí điểm.

Ông chọn cổ đông toàn công ty quốc doanh và chỉ định tỷ lệ góp vốn. Generalimex (Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp) được góp 20%, Công ty Vàng bạc đá quý SJC 10%, Công ty Xuất nhập khẩu Đồng Tháp 10%, cùng một số doanh nghiệp khác. Khoảng chục công ty. Tiền đâu góp vốn? Ông Hồng cho các công ty vay tiền của Vietcombank để góp và không ai phải bỏ tiền ra cả. Chính vì không ai bỏ tiền ra mà vẫn có cổ phần, nên mọi người nói vui rằng, Eximbank là “ngân hàng vô chủ”.

Ông Hồng làm Tổng giám đốc đầu tiên của Eximbank. Các thành viên Hội đồng Quản trị, kể cả chủ tịch; các thành viên Ban Kiểm soát đều do ông Hồng chỉ định. Chủ tịch đầu tiên của Eximbank là ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM (năm 1989). Ông Trực đại diện cho vốn của Thành ủy TP.HCM.

Eximbank bấy giờ không có trụ sở, khi ông Hồng mời UBND TP.HCM góp vốn, UBND TP.HCM không có tiền góp, bèn đẩy qua cho Ban Kinh tế Đảng bên Thành ủy. Thành ủy TP.HCM quyết định lấy số 9 - Lê Thị Hồng Gấm góp vốn, cho Eximbank làm trụ sở.

Số 9 - Lê Thị Hồng Gấm nguyên là trụ sở của Quận đội quận Nhất. Quận đội quận Nhất trực thuộc Quận ủy quận Nhất, nên cuối cùng chuyển phần góp vào Eximbank cho Kinh tế Đảng quận Nhất. Sau này, Eximbank trả tiền trụ sở cho Thành phố hai lần. Trụ sở được định giá bằng 15% vốn của Eximbank.

Sau 2 năm kinh doanh, các cổ đông được chia lãi, lãi nhiều đến mức các công ty quốc doanh trả hết nợ vay Vietcombank. Ban đầu, ông Hồng ấn định 1 cổ phần Eximbank tương đương 100 USD theo tỷ giá quy định của Nhà nước là 4.200 đồng/USD. Vốn của Eximbank hạch toán bằng USD để bảo toàn vốn, vì tỷ giá ngoại tệ biến động.

Tuy nhiên, khi Pháp lệnh Ngân hàng ra đời, quy định các ngân hàng cổ phần phải hạch toán vốn bằng tiền đồng, không được hạch toán bằng ngoại tệ, Eximbank đành phải chuyển đổi vốn ra tiền đồng và phát sinh một cục chênh lệch lớn (khoảng 70 tỷ đồng do chuyển đổi vốn thành tiền đồng), không biết hạch toán vào đâu (tỷ giá lúc này lên 10.000 đồng/USD). Kế đó, Eximbank tăng vốn từ 20 tỷ đồng lên 70 tỷ đồng, rồi 225 tỷ đồng. Các cổ đông quốc doanh cần góp thêm tiền để tăng vốn, nhưng họ không có tiền. Từ đây đẻ ra cổ đông lụi. Cổ đông lụi góp tiền dưới tên tổ chức.

30 năm sau, dường như câu nói “ngân hàng vô chủ” lại vận vào Eximbank như một lời nguyền. Triền miên hơn 3 năm cho đến trước ngày 15/2/2022, Eximbank không thể tiến hành Đại hội đồng cổ đông. Số phận Eximbank long đong, lận đận kể từ khi rời khỏi số 9 - Lê Thị Hồng Gấm.

Cho đến nay, chưa có gì chắc chắn, Tập đoàn N. sẽ gắn bó lâu dài với Eximbank. Biết đâu, việc thay máu cổ đông lần này cũng chỉ là một cuộc mua bán tuân thủ đúng quy định pháp lý để rồi “nước lên, thuyền lên”, khi thị trường chứng khoán và cổ phiếu ngân hàng “thăng hoa”, Eximbank lại được bán dần qua sàn cho nhà đầu tư F0?

Trào lưu mua ngân hàng

Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều “mơ ước” có ngân hàng “chống lưng” phía sau. Ngân hàng giúp họ có nguồn vốn để triển khai các dự án đang sở hữu và quan trọng hơn là đảm bảo tài chính để họ tham gia mở rộng quỹ đất. Trong bối cảnh “người nở” mà “đất không nở”, thâu tóm quỹ đất đang trở thành cấu phần sống còn của doanh nghiệp bất động sản.

Các ngân hàng ngày càng thận trọng hơn trong cung ứng vốn cho bất động sản. Điều này buộc không ít doanh nghiệp bất động sản phải tính đến nước cờ mua ngân hàng. Tuy nhiên, cả chục năm nay, Nhà nước không cấp phép thành lập ngân hàng mới. Giá trị chuyển nhượng các ngân hàng nhỏ, yếu kém, tổng tài sản dưới 30.000 tỷ đồng trên sàn chứng khoán tăng chóng mặt, bình quân 20.000 - 30.000 đồng/cổ phiếu để nắm quyền chi phối.

Việc sở hữu ngân hàng sẽ còn đắt đỏ hơn khi cơ quan quản lý ngành ngân hàng mới đây đã hoàn tất đề án xử lý các tổ chức tín dụng được Nhà nước mua lại. Một cơ chế mới kèm theo các giải pháp hỗ trợ đi kèm được đề xuất. Về cơ bản, 3 tổ chức tín dụng bị mua lại sẽ được giao cho các ngân hàng đứng đầu “giải quyết”.

Tác giả: Hải Lý

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến