Dòng sự kiện:
Hai ngân hàng Mỹ giúp Ukraine lập ngân hàng hỗ trợ tái thiết kinh tế
21/06/2023 11:02:40
Quỹ phát triển Ukraine sẽ thu hút các khoản chi phí thấp từ các quốc gia khác, các nhà tài trợ và định chế tài chính quốc tế theo một cách tiếp cận "tài chính kết hợp" vẫn được sử dụng ở các nơi khác.

Một tòa chung cư bị phá huỷ trong xung đột, tại Dnipro, Ukraine ngày 14/1/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các công ty đầu tư hàng đầu của Mỹ là BlackRock và JPMorgan Chase sẽ giúp Ukraine thành lập Quỹ phát triển Ukraine (FDU), tức một ngân hàng đầu tư để tái thiết nền kinh tế sau khi xảy ra xung đột với Nga.

FDU sẽ thu hút các khoản chi phí thấp từ các quốc gia khác, các nhà tài trợ và định chế tài chính quốc tế theo một cách tiếp cận "tài chính kết hợp" vẫn được sử dụng ở các nơi khác.

Các khoản này được dự kiến sẽ lớn gấp 5-10 lần các khoản đầu tư riêng và có trị giá lên đến hàng trăm tỷ USD. Ưu tiên sẽ được dành cho các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, khí hậu và nông nghiệp.

Giám đốc thị trường nợ của JPMorgan tại Trung Âu, Trung Đông và châu Phi, Stefan Weiler, nhấn mạnh "sẽ có các quỹ ngành khác nhau được FDU xác định là các ưu tiên cho Ukraine và mục tiêu tối đa của kế hoạch này là tối đa hóa sự tham gia của các nguồn vốn."

Các ước tính về chi phí tái thiết Ukraine hiện rất khác nhau. Hồi tháng 3/2023 Ngân hàng Thế giới (WB), Chính phủ Ukraine, Ủy ban châu Âu (EC) và Liên hợp quốc đã tính toán rằng con số này sẽ lên đến 411 tỷ USD.

Một số nhận định khác đã đưa ra con số lên đến 1.000 tỷ USD nếu tính đến tất cả các chi phí về kinh tế. Trong khi đó, toàn bộ giá trị nền kinh tế Ukraine tại thời điểm trước xung đột khoảng 100 tỷ USD.

Theo Phó Chủ tịch BlackRock, Philipp Hildebrand, rất nhiều thách thức dài hạn ngày nay đang được giải quyết một cách tốt nhất thông qua tài chính kết hợp và FDU sẽ là một trong số những trường hợp như vậy để tạo ra một công cụ có thể huy động được nguồn vốn trên quy mô lớn.

Tháng 11/2022, Chính phủ Ukraine đã thuê công ty tư vấn BlackRock xác định cách tốt nhất để thu hút được lượng vốn khổng lồ cần thiết. Sau đó đến tháng 2/2023 Ukraine cũng mời JPMorgan tham gia vào nỗ lực này dựa trên kinh nghiệm của nhà đầu tư này trên thị trường nợ.

Hiện FDU vẫn trong giai đoạn lập kế hoạch và chưa thể ra mắt trước khi kết thúc xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, diễn biến sơ bộ của việc thành lập quỹ này sẽ được trình bày tại Hội nghị London về tái thiết Ukraine vào ngày 21-22/6.

Quy mô của quỹ hiện vẫn chưa được xác định cụ thể. Nhưng theo các chuyên gia tại châu Âu, quỹ này đang tìm cách huy động vốn chi phí thấp từ các chính phủ, nhà tài trợ và các định chế tài chính quốc tế làm đòn bẩy để thu hút nguồn vốn gấp 5-10 lần so với các khoản đầu tư riêng. Dự kiến ban giám sát quỹ sẽ bao gồm các định chế tài chính quốc tế, trong khi các chuyên gia đầu tư sẽ trực tiếp quản lý FDU.

BlackRock và JPMorgan đã đề nghi quản lý quỹ một cách chuyên nghiệp, mặc dù công việc của hai công ty này là giúp FDU giám sát nội bộ và xem xét sớm các dự án đầu tư khả thi. Các chuyên gia của hai công ty đầu tư nói trên không chỉ lo ngại về những rủi ro do xung đột gây ra, mà còn về năng lực quản trị doanh nghiệp, cũng như sự thiếu minh bạch và thị trường vốn hạn chế của Ukraine.

Để vượt qua những hạn chế như vậy, các nhà tổ chức dự định sắp xếp hội đồng quản trị của quỹ với sự tham gia của các nhà đầu tư quốc tế nổi tiếng và các quan chức chính phủ, cũng như thuê các chuyên gia nhằm tạo ra một cơ cấu quản trị doanh nghiệp đủ mạnh để xoa dịu những mối lo ngại của các nhà đầu tư về những hạn chế của Ukraine.

Ukraine sẽ phải đối mặt với thách thức lớn về huy động vốn đầu tư sau khi xung đột kết thúc.

Theo logic tương tự, đầu tháng 6/2023 vừa qua, Vương quốc Anh cho biết sẽ thu hút đầu tư bằng cách phát triển một chương trình bảo hiểm rủi ro quân sự để thuyết phục các công ty đầu tư, công nghệ, năng lượng và quốc phòng nhằm hỗ trợ công cuộc phục hồi của Ukraine với các khoản đầu tư trị giá nhiều tỷ USD.

Những nỗ lực cũng đang được thực hiện để vận động hành lang đối với các quốc gia không liên quan trực tiếp đến Ukraine để giúp nước này phục hồi. Anh đang cố gắng thuyết phục các nước như Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ tham gia Hội nghị Tái thiết sắp tới với niềm tin rằng đây sẽ là một chiến thắng ngoại giao và gửi đi tín hiệu tới Nga.

Theo Bộ trưởng Tái thiết Ukraine Oleksandr Kubrakov, thiệt hại trực tiếp đối với cơ sở hạ tầng của Ukraine do xung đột lên đến 130-140 tỷ USD. Nếu tính đến thiệt hại trực tiếp đối với cơ sở hạ tầng, nền kinh tế và các doanh nghiệp nói chung, thiệt hại đã vượt 300 tỷ USD.

Ông Kubrakov cho biết những thiệt hại nặng nề nhất ở Ukraine có thể được khôi phục trong vòng 2-3 năm nếu được phân bổ các khoản tiền cần thiết./.

Tác giả: Ngọc Long

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến