Đặc phái viên về hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên Noh Kyu-duk (phải) và Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Sung Kim trong cuộc gặp tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 21/6/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 23/8, Hàn Quốc và Mỹ đã thảo luận về khả năng viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên.
Đây là thông tin do đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Sung Kim đưa ra sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc khi hai bên tìm cách nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng, vốn bị đình trệ lâu nay.
Phát biểu với báo giới, đặc phái viên Sung Kim nêu rõ Hàn Quốc và Mỹ đã thảo luận khả năng hỗ trợ nhân đạo cho Triều Tiên, đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ với việc đối thoại và cam kết liên Triều được nêu trong tuyên bố chung giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào tháng 5.
Hai bên cũng sẽ tiếp tục ủng hộ các dự án hợp tác nhân đạo.
Đặc phái viên Sung Kim nhấn mạnh thêm rằng Washington không chủ trương gây hấn, đồng thời hối thúc Bình Nhưỡng trở lại đối thoại.
Ông khẳng định: “Các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc diễn ra từ lâu, thường xuyên và hoàn toàn mang tính chất phòng thủ cũng như tăng cường an ninh cho cả hai nước."
Đặc phái viên Sung Kim cũng nhấn mạnh rằng ông “sẵn sàng gặp những người đồng cấp Triều Tiên ở bất cứ đâu và vào bất kỳ thời điểm nào.”
Các cuộc hội đàm của ông Sung Kim với quan chức hàng đầu phụ trách vấn đề hạt nhân của nước chủ nhà Noh Kyu-duk, diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng sau khi Triều Tiên phản đối các cuộc tập trận quân sự chung giữa Hàn Quốc và Mỹ, đồng thời cảnh báo về một "cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng."
Lần gần nhất hai bên tổ chức cuộc gặp trực tiếp là vào tháng 6 năm nay tại thủ đô Seoul.
Trong cuộc gặp này, đặc phái viên Kim cho biết Washington đã đề nghị gặp Bình Nhưỡng "mọi lúc, mọi nơi mà không cần các điều kiện tiên quyết." Đây là nỗ lực mới nhằm thúc đẩy nối lại đối thoại.
Theo kế hoạch, sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Kyu-duk, đặc phái viên Sung Kim sẽ gặp Thứ trưởng Ngoại giao Nga Morgulov.
Mỹ và Hàn Quốc tiến hành hàng loạt cuộc tiếp xúc song phương cấp cao trong thời gian gần đây để thảo luận cách thức tái khởi động các cuộc đàm phán phi hạt nhân với Triều Tiên, vốn đã bị đình trệ hơn hai năm qua.
Đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều rơi vào thế bế tắc từ năm 2019 dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, Washington và Bình Nhưỡng tiếp tục có những bình luận khá gay gắt về đối phương, kéo lùi triển vọng đàm phán trong nhiều tháng.
Dù chính quyền Tổng thống Biden chưa tỏ ý sẵn sàng nhượng bộ, song các chuyên gia cho rằng cách tiếp cận có thể thay đổi khi hai bên trở lại đối thoại.
Tác giả: Minh Tâm
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy