Trao đổi với Zing sau khi lô vaccine Covid-19 đầu tiên được chuyển về Việt Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết đã kiến nghị đưa nhân lực của ngành hàng không thường xuyên tiếp xúc với hành khách vào nhóm đối tượng ưu tiên tiêm vaccine Covid-19.
Đánh giá nguy cơ lây nhiễm của nhóm nhân lực này là rất cao, lãnh đạo Bộ GTVT kỳ vọng họ sẽ được tiêm vaccine từ cuối quý I, đầu quý II. Tuy nhiên, tiến độ sẽ phụ thuộc vào Bộ Y tế, đơn vị đàm phán, đưa vaccine về Việt Nam.
Nhân viên Vietnam Airlines được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Chí Hùng.
Cùng ngày, đại diện Vietnam Airlines cho biết hãng đã kiến nghị với Cục Hàng không và Bộ GTVT để cán bộ công nhân viên của Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco được tiêm vaccine sớm, trước tiên là với phi công, tiếp viên rồi đến lực lượng phục vụ mặt đất.
"Theo công bố của Chính phủ, nhân lực hàng không cũng có trong danh sách được ưu tiên tiêm vaccine. Hãng vẫn xác định phi công, tổ bay như lực lượng tuyến đầu vì phải phục vụ bay quốc tế, đảm bảo an toàn cho rất nhiều hành khách", đại diện Vietnam Airlines chia sẻ.
Về phương án tự mua vaccine để phân bổ cho các tổ bay thay vì chờ đợi, đại diện Vietnam Airlines cho biết việc này sẽ phụ thuộc vào chính sách của Chính phủ. "Cho đến nay, Chính phủ là đầu mối duy nhất đặt mua và phân bổ vaccine. Khi nào các doanh nghiệp được tự chủ động mua thì tôi nghĩ rằng không chỉ Vietnam Airlines mà rất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng làm", đại diện hãng hàng không này cho biết.
Còn ông Nguyễn Ngọc Trọng, Phó tổng giám đốc Bamboo Airways, cho biết hãng đã gửi công văn lên Cục Hàng không kiến nghị cho tiếp viên và phi công Bamboo được tiêm vaccine Covid-19 ngay trong đợt đầu. Tuy nhiên, theo chỉ đạo, nhân lực dịch vụ hàng không phải đến quý III mới được tiếp cận vaccine.
Theo đại diện Bamboo, ngoài việc chờ đợi sự phân bổ của Chính phủ, hãng cũng sẵn sàng bỏ chi phí mua vaccine cho toàn bộ nhân lực. "Tuy nhiên, mua như thế nào, nguồn nào thì phải có cơ chế và sự đồng ý từ Bộ Y tế chứ doanh nghiệp không tự ý mua được", ông Trọng chia sẻ.
Lãnh đạo Bamboo nhận định Vietnam Airlines, VietJet, Bamboo... có tổng số phi công, tiếp viên không nhiều (vài nghìn liều). Vị này tin tưởng các hãng hàng không sẽ được tiếp cận vaccine trên cơ chế đảm bảo sự công bằng.
Lô vaccine Covid-19 đầu tiên được chuyển về Việt Nam hôm 24/2, Ảnh: Chí Hùng.
Chia sẻ với Zing, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết cục đã tổng hợp nguyện vọng của các hãng bay và gửi lên Bộ GTVT. Tuy nhiên, vị này cho biết Bộ Y tế mới là đơn vị quyết định việc phân bổ vaccine Covid-19 đến từng hãng bay.
Theo The Washington Post, một số hãng hàng không lớn trên thế giới như Etihad Airways và Singapore Airlines đang bắt đầu quảng bá một đặc quyền mới để thu hút hành khách. Đó là những chuyến bay có phi công và tiếp viên đều được tiêm vaccine Covid-19.
Etihad Airways tuyên bố mình là “hãng hàng không đầu tiên trên thế giới có phi hành đoàn được tiêm chủng 100%”. Không chịu thua kém, Singapore Airlines Group cho biết 3 hãng hàng không của họ là Singapore Airlines, SilkAir và Scoot sẽ là những hãng hàng không đầu tiên trên thế giới khai thác các chuyến bay với tất cả phi công và tiếp viên được tiêm chủng.
7 đợt cung ứng vaccine Covid-19 tại Việt Nam Đợt 1: 117.000 liều cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, bao gồm bác sĩ điều trị, nhân viên xét nghiệm, nhân viên lấy mẫu; người tham gia phòng chống dịch. Đợt 2: 1,5 triệu liều nhập về vào quý I-II/2021 cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch; nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; lực lượng quân đội. Đợt 3: 8,2 triệu liều trong quý II/2021 cho lực lượng quân đội chưa sử dụng vaccine phòng Covid-19 đợt 2; lực lượng công an, giáo viên các cấp và người trên 80 tuổi. Đợt 4: 10,9 triệu liều trong quý III/2021 cho người trên 80 tuổi chưa sử dụng vaccine đợt 3; nhóm cung ứng dịch vụ thiết yếu (hàng không, vận tải, du lịch...); những người mắc bệnh mạn tính. Đợt 5: 14,4 triệu liều trong quý IV/2021 hoặc quý I/2022 cho những người mắc bệnh mạn tính chưa sử dụng vaccine đợt 4. Đợt 6: 25,2 triệu liều trong quý IV/2021 hoặc quý I/2022 cho những người mắc bệnh mạn tính chưa sử dụng vaccine đợt 3, 4, 5; người từ 65 tuổi đến dưới 80 tuổi. Đợt 7: 90,5 triệu liều. Lần này, vaccine có từ nguồn mua nước ngoài và sản xuất trong nước. Thời gian dự kiến trong quý IV/2021 đến quý II/2022. Công dân từ 65 tuổi đến dưới 80 tuổi chưa sử dụng vaccine đợt 6 và người trên 18 tuổi không thuộc các nhóm đối tượng nêu trên sẽ được tiêm trong đợt này. |
Tác giả: Ngọc Tân
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy