Jetstar Australia (hay Jetstar Airways) đang vướng phải nhiều chỉ trích sau bài đăng khiếm nhã trên mạng xã hội về đơn vị tiền tệ của Việt Nam. Hãng hàng không giá rẻ có trụ sở tại Melbourne sau đó đã phải công khai xin lỗi trên website, thừa nhận bài đăng trên mạng xã hội là "không phù hợp" và "lẽ ra không bao giờ được đăng".
Thực tế, trước khi vướng lùm xùm kể trên, Jetstar từng là hãng hàng không quen mặt với hành khách Việt Nam. Hãng hàng không Australia từng nuôi tham vọng thâm nhập thị trường Việt Nam thông qua liên danh với Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại Pacific Airlines.
Tuy nhiên, sau nhiều năm hoạt động không hiệu quả, hãng đã phải ngậm ngùi rời bỏ thị trường Việt.
Tham vọng hàng không giá rẻ ở châu Á
Cụ thể, năm 2007, Tập đoàn Qantas (Australia) - chủ sở hữu thương hiệu hàng không giá rẻ Jetstar - đã ký kết hợp đồng đầu tư với SCIC để mua lại 30% cổ phần tại hãng hàng không Pacific Airlines và trở thành cổ đông chiến lược.
Thông qua liên danh này, Qantas tham vọng đưa thương hiệu hàng không giá rẻ Jetstar Airways xuất hiện trên bản đồ hàng không Việt Nam và châu Á.
Theo thỏa thuận ban đầu, Qantas sẽ đầu tư 50 triệu USD để sở hữu 18% cổ phần Pacific Airlines, sau đó sẽ đầu tư thêm để nâng sở hữu lên tối đa 30%. Không lâu sau, Pacific Airlines cũng đổi tên thương hiệu thành Jetstar Pacific Airlines.
Nhờ có dòng tiền mới từ nhà đầu tư ngoại, Jetstar Pacific Airlines đã cắt được mạch thua lỗ trong những năm trước đó. Đến cuối năm 2011, hãng hàng không này đã chiếm khoảng 17% thị phần hàng không nội địa Việt Nam.
Cũng trong năm 2011, Vietnam Airlines nhận quyền đại diện gần 69% phần vốn Nhà nước tại Jetstar Pacific từ SCIC và trở thành công ty mẹ của hãng hàng không này. Nhờ sự hỗ trợ quản trị của hãng hàng không quốc gia Việt Nam, Jetstar Pacific sau đó đã trở lại đà phục hồi và phát triển đội bay.
Năm 2015, hãng đã mở thêm 14 đường bay nội địa, nâng tổng số đường bay khai thác lên 34 đường bay bao gồm cả nội địa và quốc tế. Liên danh hàng không giá rẻ này sau đó đã ghi nhận giảm lỗ từ hoạt động kinh doanh và bắt đầu có lãi 2 năm liên tiếp 2018-2019.
Tuy nhiên, năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát đã khiến ngành hàng không toàn cầu chịu ảnh hưởng nặng nề và Pacific Airlines cũng không nằm ngoài "cơn bão". Hệ quả là hãng lại tiếp tục nối dài số năm thua lỗ. Trong giai đoạn 2020-2021, hầu hết đội bay của Pacific Airlines đều phải ngừng hoạt động.
Tặng lại cổ phần, rút khỏi thị trường Việt Nam
Cũng trong giai đoạn 2020-2021, hoạt động kinh doanh của hãng hàng không mẹ Vietnam Airlines bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh khiến việc hỗ trợ Pacific Airlines càng trở nên khó khăn hơn.
Tháng 6/2020, Vietnam Airlines bất ngờ thông báo Qantas sẽ rút vốn khỏi Jetstar Pacific.
Đáng chú ý, đối tác Australia lựa chọn phương án rời khỏi thị trường Việt Nam không phải thông qua một thương vụ bán lại cổ phần mà tặng toàn bộ vốn sở hữu tại Jetstar Pacific cho Vietnam Airlines.
Với việc Qantas rút lui, Vietnam Airlines nâng sở hữu tại Jetstar Pacific lên 99%. Đến tháng 7/2020, hãng hàng không giá rẻ này cũng chuyển đổi thương hiệu trở về tên khai sinh Pacific Airlines, chấm dứt hơn một thập kỷ hiện diện của thương hiệu hàng không Australia - Jetstar - tại thị trường Việt Nam.
Ông Trịnh Hồng Quang, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines khi đó cho biết Jetstar Pacific khó phát triển là do khác biệt về quan điểm, văn hóa, tập quán giữa Vietnam Airlines và Qantas.
Tạp chí Forbes nhận định ngay cả ở thời kỳ hoàng kim, Jetstar Pacific dường như cũng không tương thích với tập đoàn Australia. Hãng hàng không giá rẻ này hoạt động khá độc lập, tự tìm kiếm nguồn cung ứng máy bay thay vì phụ thuộc vào đơn đặt hàng của Qantas.
Jetstar Pacific cũng không đem lại hiệu quả kinh doanh bằng những món đầu tư khác ở châu Á của Qantas là Jetstar Asia (Singapore) hay Jetstar Japan (Nhật Bản).
Vietnam Airlines hiện sở hữu 99% cổ phần tại Pacific Airlines. Ảnh: VNA.
Quý I/2022, Vietnam Airlines đã tiếp nhận toàn bộ cổ phần được tặng từ Qantas tại Pacific Airlines để triển khai việc tái cơ cấu và thoái vốn.
Lúc này, Pacific Airlines đang thua lỗ và có “tình hình tài chính rất nghiêm trọng” theo chia sẻ của đại diện Vietnam Airlines tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022.
Việc nhận thêm cổ phần của một công ty đang thua lỗ khiến Vietnam Airlines phải hạch toán khoản lỗ 1.749 tỷ đồng vào báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, đại diện Vietnam Airlines cho biết thay vì nắm cổ phần chi phối, hãng để ngỏ khả năng thoái vốn xuống còn 30% hoặc thoái vốn toàn bộ tại Pacific Airlines. Tuy nhiên, việc thoái vốn đang gặp khó khăn do cơ chế thoái vốn cũng như tìm kiếm nhà đầu tư.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy