Dòng sự kiện:
Hàng lậu chưa xử lý dứt điểm, doanh nghiệp ngành mía đường vẫn lao đao
26/08/2022 09:32:18
Trong khi các vùng nguyên liệu chưa phục hồi hoàn toàn, doanh nghiệp ngành mía đường vẫn đang “gồng mình” khi hàng lậu vào thị trường trong nước.

Trao đổi với Người Đưa Tin, đại diện Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, đến ngày 31/7, ngành đường Việt Nam đã hoàn thành vụ mía 2021-2022.

Lũy kế đến kết thúc vụ, toàn ngành đã ép được 7,5 triệu tấn mía, sản xuất được gần 741.700 tấn đường, tăng 11,6% về lượng mía ép và 7,5% về lượng đường so với cùng kỳ với vụ ép mía 2020- 2021.

Nguồn cung đường nhập khẩu tiếp tục đưa đường vào thị trường thông qua nhập khẩu trực tiếp chính ngạch từ các nước ASEAN và đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam với Campuchia và Lào đang tràn vào, cộng với đường từ vụ ép 2021-2022 và cả đường lỏng siro ngô tiếp tục được nhập khẩu.

Các nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ đường chưa tăng nên các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu đặc biệt là đường lậu tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường.

Các doanh nghiệp sản xuất mía đường đang kỳ vọng vào các biện pháp phòng vệ thương mại để hạn chế hàng lậu trên thị trường.

VSSA ước tính tổng cung đường năm 2022 là 2,5 triệu tấn lớn hơn tổng cầu trong khoảng 2,1 - 2,3 triệu tấn nên cân đối cung cầu đường sẽ là thừa cung cho cả năm 2022.

Hết tháng 7/2022, tất cả các doanh nghiệp mía đường niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý. Theo đó, kết quả kinh doanh quý IV niên độ 2021 - 2022 của các doanh nghiệp mía đường ghi nhận sự giảm tốc cả về doanh thu và lợi nhuận.

Lợi nhuận TTC Sugar đi ngang

Hiện CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar - Mã: SBT) là doanh nghiệp đầu ngành, chiếm 46% thị phần cả nước với 66.000ha vùng nguyên liệu tại Việt Nam, Lào và Campuchia. Công ty này đặt mục tiêu đến 2025 sẽ mở rộng vùng nguyên liệu tại Úc lên đến 20.000ha.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV niên độ 2021 - 2022 (năm tài chính kết thúc ngày 30/6) của TTC Sugar, doanh thu thuần đạt 5.508 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ.

Về cơ cấu doanh thu, nguồn thu chính của SBT là từ bán đường, chiếm tỉ trọng khoảng 90%, tiếp đó là các sản phẩm mật đường, phân bón và điện.

Giá vốn hàng bán tăng 44% lên khoảng 4.987 tỷ đồng khiến biên lợi nhuận gộp giảm còn 9,5% so với 14% cùng kỳ năm ngoái.

Dù doanh thu tăng mạnh song biên lợi nhuận gộp thu hẹp cộng với tổng chi phí gia tăng khiến lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đi ngang, đạt 170 tỷ đồng.

Lũy kế cả niên độ, công ty ghi nhận doanh thu thuần 18.325 tỷ đồng, tăng 23%. Khoản lãi trước thuế niên độ này đã vượt 1.000 tỷ, tăng 28% và cũng là con số cao nhất từ trước tới nay. Lãi sau thuế niên độ 2021 - 2022 đạt 818 tỷ đồng, tăng 25,7% so với niên độ trước.

Trong niên độ này, SBT lên mục tiêu đạt 16.905 tỷ đồng doanh thu và 750 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, công ty đã vượt 8% kế hoạch doanh thu và 9% kế hoạch lợi nhuận.

Đường Quảng Ngãi đạt 54% kế hoạch lợi nhuận năm

Công ty CP Đường Quảng Ngãi (Mã: QNS) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II theo năm tài chính 2022 với doanh thu thuần 2.201 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán ghi nhận khoảng 1.544 tỷ đồng, tăng 12,9% khiến biên lợi nhuận gộp giảm còn 30% so với 32% cùng kỳ năm ngoái.

Nhờ kiểm soát các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, Đường Quảng Ngãi ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 365,3 tỷ đồng, nhích nhẹ so với mức 360,6 tỷ đồng quý II/2021.

Lũy kế 6 tháng, công ty ghi nhận doanh thu thuần 4.014 tỷ đồng và lãi sau thuế 541 tỷ đồng, lần lượt tăng 10% và 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong năm nay, doanh nghiệp đặt chỉ tiêu đạt 8.000 tỷ đồng doanh thu và 1.008 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, sau nửa năm, công ty đã đạt 50% kế hoạch doanh thu và 54% kế hoạch lợi nhuận.

Giá vốn giảm sâu, lợi nhuận Mía đường Lam Sơn tăng 46%

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV niên độ 2021 – 2022 của Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Mã: LSS), ghi nhận 766 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện lên gần 9,5% so với 6,7% cùng kỳ năm ngoái.

Giá vốn giảm sâu trong khi các chi phí tăng không đáng kể nên doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận ròng tăng 46% lên hơn 25 tỷ đồng.

Lũy kế cả niên độ 2021 - 2022, Công ty CP Mía đường Lam Sơn đạt 2.041 tỷ đồng doanh thu thuần, hơn 44 tỷ lợi nhuận ròng; tăng lần lượt 10,5% và 95% so với cùng kỳ năm ngoái.

Niên độ 2021 - 2022, doanh nghiệp đặt kế hoạch 2.600 tỷ đồng doanh thu, gần 100 tỷ lợi nhuận trước thuế. Như vậy, với 50 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, doanh nghiệp mới đạt 50% mục tiêu lợi nhuận và đạt 78,5% chỉ tiêu doanh thu.

Lợi nhuận Mía đường Sơn La vẫn vượt 150% mục tiêu năm

Công ty CP Mía đường Sơn La (Mã: SLS) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV niên độ 2021 - 2022 ghi nhận sự giảm tốc cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.

Quý IV niên độ 2021 - 2022, doanh nghiệp đạt 218 tỷ đồng doanh thu thuần, 62 tỷ đồng lãi sau thuế; giảm lần lượt 6% và 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu từ bán đường, mật rỉ chiếm khoảng 76% tổng doanh thu. Biên lợi nhuận gộp trong kỳ còn 30,7%, giảm so với mức 34,6% của cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 4 quý, Công ty ghi nhận 869 tỷ đồng doanh thu thuần, 188 tỷ lãi sau thuế; tăng lần lượt hơn 8% và 14,6% so với cùng kỳ niên độ trước. EPS cả niên độ đạt 19.162 đồng.

Niên độ này, doanh nghiệp lên mục tiêu 1.037 tỷ đồng tổng doanh thu, 75 tỷ lãi sau thuế. Như vậy, Công ty CP Mía đường Sơn La mới đạt 84% chỉ tiêu doanh thu song đã vượt 150% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Báo cáo đánh giá của Công ty chứng khoán VCBS phát hành giữa tháng 8/2022 đánh giá, việc áp thuế chống bán phá giá của Việt Nam khi tiến hành được nhanh chóng tiến hành sẽ tạo công bằng cho các doanh nghiệp trong nước với đường né thuế và đường nhập lậu.

Về ngắn hạn, điều đó sẽ giúp các doanh nghiệp đường tiêu thụ được sản phẩm và có lợi nhuận trong khi thời gian dài hạn sẽ giúp phục hồi vùng nguyên liệu mía của Việt Nam đang bị giảm sút nghiêm trọng.

Tác giả: Nguyễn Thành Nhân

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến