Hàng loạt dự án, nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường
21/10/2016 11:03:50
ANTT.VN – Bộ Công thương vừa công bố danh sách 30 dự án, nhà máy nhiệt điện, hóa chất, thủy điện, khai thác khoáng sản có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc nằm trong diện giám sát đặc biệt.

Tin liên quan

Theo đó, danh mục các dự án, nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc có những tồn tại trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường được Bộ Công thương công bố như sau: Tập đoàn Điện lực Việt Nam gồm có: Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 Mở rộng, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng; Công ty Cổ phần nhiệt điện Quảng Ninh;

Tiếp sau là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có Nhà máy điện Vũng Áng 1 - Công ty điện lực dầu khí Hà Tĩnh, Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, Liên Hiệp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Dự án Nhà máy xử lý khí Cà Mau;

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam: Dự án Alumin Nhân Cơ - Đắc Nông, Công ty Nhôm Lâm Đồng, Dự án mỏ sắt Thạch Khê và Dự án khai thác và chế biến đồng Sin Quyền;

Sự cố vỡ đường ống dẫn xút tại Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ (Đăk Nông) vừa xảy ra vào hồi tháng 7 vừa qua ( Ảnh: báo Đất Việt)

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam: Công ty DAP số 1, Công ty DAP số 2, Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, các nhà máy sản xuất Photpho và hóa chất thuộc Khu công nghiệp Tằng Loỏng Lào Cai và Công ty Phân đạm Ninh Bình;

Tổng công ty Thép Việt Nam: Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên - TISCO;

Tập đoàn Dệt may Việt Nam: Khu công nghiệp dệt may Phố Nối Vinatex, Tổng công ty may Việt Thắng;

Tổng công ty Giấy Việt Nam: Nhà máy giấy Bãi Bằng.

Cùng với đó, theo chỉ thị về việc bảo vệ môi trường trong toàn ngành Công thương của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng nêu rõ, yêu cầu các cơ quan quản lý thuộc Bộ nhất là với Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp phối hợp với các đơn vị trong Bộ tổ chức theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc chấp hành pháp luật và chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường trong ngành Công Thương.

Trước mắt, Cục này làm đầu mối chủ trì phối hợp với các đơn vị trong Bộ Công Thương và với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức các hoạt động giám sát đặc biệt với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc có những tồn tại trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, đảm bảo giải quyết dứt điểm, hiệu quả các tồn tại cũng như chấp hành nghiêm túc, đầy đủ pháp luật Nhà nước về bảo vệ môi trường trong giai đoạn 2016-2017…

Với các Tổng cục, Cục, Vụ thuộc Bộ phối hợp với Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp hoặc các cơ quan quản lý chuyên ngành của Nhà nước về môi trường rà soát, đánh giá công nghệ sản xuất trong các lĩnh vực sản xuất nhiệt điện, hóa chất, khai thác, chế biến khoáng sản, dệt may để phối hợp xây dựng và hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững

Tổng cục Năng lượng phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức rà soát, đánh giá tổng thể tác động môi trường toàn bộ Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải trong năm 2017 và triển khai tiếp với các trung tâm điện lực lớn (có từ 02 nhà máy điện trở lên); Kiểm tra, giám sát việc thực hiện đầu tư các dự án nhiệt điện và đảm bảo môi trường, rà soát các hạng mục công trình môi trường theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt;…

Chỉ thị của Bộ trưởng Công thương cũng nêu rõ, các Tập đoàn, Tổng công ty và các doanh nghiệp kiên quyết từ chối đầu tư các dự án có công nghệ tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, từng bước đổi mới, cải tiến công nghệ đối với các nhà máy hiện có để giảm phát thải, cải thiện môi trường.

Bên cạnh đó, tổ chức tốt công tác truyền thông và cung cấp thông tin cập nhật chính xác và đầy đủ từ cấp doanh nghiệp đến các Tổng công ty, Tập đoàn về công nghệ sản xuất, phương án bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường; định kỳ tổ chức tiếp dân để tuyên truyền, phổ biến các thông tin về môi trường, tạo sự đồng thuận và tranh thủ sự ủng hộ của người dân địa phương. Lắp đặt hệ thống giám sát, quan trắc môi trường tự động, kết nối với đơn vị chức năng tại địa phương theo quy định.

Trên cơ sở danh sách các dự án lưu ý đặc biệt tổ chức kiểm tra đánh giá, báo cáo về việc khắc phục và xử lý các tồn tại và bất cập trong công tác bảo vệ môi trường một cách triệt để trong giai đoạn 2016 - 2017.

Đối với các chủ đầu tư dự án nhiệt điện than, xây dựng và thực hiện quy trình thải tro xỉ nhà máy, yêu cầu đảm bảo không phát tán tro xỉ ra môi trường; khẩn trương hoàn thành đàm phán và ký hợp đồng tiêu thụ tro xỉ các Nhà máy nhiệt điện, đặc biệt là các Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, Vĩnh Tân 2, Vũng Áng trong năm 2016;

Hoàn thiện hệ thống quan trắc tự động các thông số phát thải của nhà máy nhiệt điện thuộc các Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải, kết nối đến đơn vị chức năng của địa phương theo quy định trong Quý IV năm 2016;

Kiểm tra nồng độ phát thải, thực hiện các giải pháp cần thiết để đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về khí thải công nghiệp nhiệt điện (QCVN 22:2009/BTNMT), báo cáo Bộ Công Thương kế hoạch thực hiện trong tháng 12 năm 2016;

Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với Tổng cục Năng lượng tập trung tuyên truyền, phổ biến về công nghệ và giải pháp bảo vệ môi trường của các Nhà máy nhiệt điện than.

Thiên Di

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến