Dòng sự kiện:
Hàng loạt sai phạm gây thất thoát tài sản nhà nước của Hadico
01/11/2019 10:46:58
Từ khủng hoảng bất ổn nhân sự đến hoạt động kinh doanh xuất hiện nhiều dấu hiệu không rõ ràng, “con thuyền đắm” Hadico mang đến nhiều nỗi lo về tương lai thất thoát tài sản nhà nước như trong quá khứ?

Như kỳ trước "Khủng hoảng nhân sự kèm nợ thuế, tương lai nào cho Hadico!?" đã đưa tin về tình hình bất ổn tại doanh nghiệp nhà nước HADICO, qua tìm hiểu của PV, trong quá trình hoạt động “đứa con cưng” của UBND TP Hà Nội này đã vướng nhiều sai phạm. Tại kết luận thanh tra số 1857/KL-TTTP-P2 ngày 1/7/2016 của Thanh tra TP Hà Nội đã nêu rõ về về việc sử dụng vốn cho đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo đó, tại Công ty Nông nghiệp Hà Nội, có một số khoản phải thu quá hạn, khó có khả năng thu hồi với tổng số tiền là 34.082.852.043 đồng bao gồm: Công ty TNHH Thương mại Việt Thanh nợ 8.979.730.875 đồng, hiện đơn vị đang ngừng hoạt động; Công ty TNHH Trang My nợ 12.130.100.000 đồng, hiện đơn vị này đang ngừng hoạt động: Công ty CP giải pháp điện tử thông tin nợ 12.973.021.168 đồng, hàng năm số tiền trả nợ gốc rất ít.

Cũng tại Kết luận thanh tra số 1857 cũng cho biết: Từ năm 2011-31/12/2015, Công ty Nông nghiệp Hà Nội đã thực hiện tạm ứng cho 129 cán bộ, công nhân viên Công ty, trong đó có 38 người đã chuyển công tác. Tổng số dư nợ đến 31/12/2015 là 26.580.573.999 đồng.

Qua kiểm tra làm việc với 17 người có số dư nợ lớn (18.727.360.881 đồng) thấy số tiền tạm ứng lớn, việc tạm ứng diễn ra tuỳ tiện, nội dung tạm ứng trên giấy đề nghị tạm ứng không rõ ràng, người nhận tiền tạm ứng chuyển tiền tạm ứng cho người khác sử dụng, hầu hết các trường hợp chưa thực hiện việc hoàn ứng đã được tạm ứng tiếp.

Về sai phạm đầu tư có 1 dự án tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi chưa được UBND TP chấp thuận; 2 dự án thi công sai Giấy phép xây dựng, trong đó có 1 dự án tự chuyển đổi một phần nhà văn phòng sang làm nhà ở cho thuê. Các sai phạm ở dự án Cải tạo khu nông nghiệp và dịch vụ sinh thái là các hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng, do đó cần được chuyển cơ quan công an điều tra làm rõ.

Đối với các dự án BĐS: có 5 dự án Công ty Nông nghiệp Hà Nội ký hợp đồng hợp tác đầu tư với đơn vị khác tuy nhiên việc này đã không báo cáo UBND TP Hà Nội (chủ sở hữu), thậm chí có 3 dự án, Công ty không có văn bản xin ý kiến chấp thuận của UBND tp Hà Nội. Ngoài ra 1 dự án xin điều chỉnh quy hoạch (nâng tầng, thêm số lượng căn hộ), tuy nhiên Công ty Nông nghiệp và đơn vị hợp tác đầu tư chưa hoàn thiện xong thủ tục để nộp tiền sử dụng đất bổ sung.

 

Hadico vi phạm nghiêm trọng về việc quản lý sử dụng đất đai

Sai phạm nối tiếp sai phạm?

Ngày 29/08/2019 vừa qua, Cục thuế TP Hà Nội ra Quyết định số 68123/QĐ-CT-QLN về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp “vô hiệu hóa hóa đơn” của công ty Hadico. Đồng thời, Cục thuế TP Hà Nội cũng ra Thông báo số 68124/TB-CT-QLN về việc hóa đơn không còn giá trị sử dụng.

Ngày 05/09/2019 Cục thuế Hà Nội đã lập Biên bản vi phạm hành chính số tiền 3,5 triệu đồng đối với Hadico về việc: Ngày 08/07/2019, đơn vị chậm nộp tờ khai 01QL-LNCN, kỳ tính thuế năm 2018, hạn nộp hồ sơ 01/04/2019, số ngày nộp quá hạn 98 ngày.

Ngày 1/10/2019, Sở công thương Hà Nội công bố kết quả kiểm tra toàn diện chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do HADICO quản lý và phát lộ ra nhiều sai phạm như: Không thực hiện việc sắp xếp ngành hàng kinh doanh theo đúng phương án đã được phê duyệt; tự quy định chủ hộ lớn và bố trí các kiốt; điểm kinh doanh không theo phê duyệt; chưa ký hợp đồng thuê đất, chưa nộp thuế đất đầy đủ, công tác thu chi tài chính chưa đảm bảo tính chặt chẽ, minh bạch, khó kiểm soát, chưa đúng quy định để xảy ra hiện tượng cán bộ lợi dụng quyền hạn tiến hành tư lợi thất thoát nguồn thu…dẫn đến việc quản lý, kinh doanh khai thác Chợ đầu mối chưa đảm bảo đúng quy trình.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán năm 2018 của Hadico cho thấy, tổng tài sản của Hadico là hơn 678 tỷ, trong đó tài sản ngắn hạn là hơn 294,7 tỷ, tài sản dài hạn là hơn 393,3 tỷ. Trong khi đó, nợ phải trả ngắn hạn của Công ty Hadico tăng từ 243,5 tỷ lên đến 250,5 tỷ, vốn chủ sở hữu giảm từ 384 tỷ xuống còn 280 tỷ vào thời điểm cuối năm 2018 so với đầu năm 2018. Điều này đã cho thấy một phần kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa của Hadico.

Nguyên nhân khiến nợ phải trả của Hadico tăng là do các mục sau đã tăng mạnh như: Doanh thu chưa thực hiện được ngắn hạn tăng từ 48 triệu lên đến 3,4 tỷ; vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng từ 25,7 tỷ lên 29 tỷ; thuế và các khoản phải nộp cho nhà nước tăng từ 2,8 tỷ lên 3,7 tỷ tính đến cuối năm 2018.

Tuy nhiên, trong các khoản đầu tư tài chính của Hadico có những mục đáng ngờ như: Cho vay các đối tượng bao gồm người lao động trong Công ty, các công ty con, thời gian vay từ 2,5 tháng đến 12 tháng với mức lãi suất cho vay là 0%/năm hoặc không thấp hơn mức lãi suất của Ngân hàng thương mại.

Đáng chú ý, báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán năm 2018 của Hadico đã có nhiều ý kiến loại trừ, trong đó liên quan đến các khoản đầu tư, tài sản của công ty này. Đơn cử, tại thuyết minh số 22, chỉ tiêu “phải trả ngắn hạn khác”, trên bảng cân đối kế toán bao gồm số tiền hơn 21,3 tỷ là khoản chi phí cải tạo Nhà tập thể Xí nghiệp vườn quả du lịch Từ Liêm, kiểm toán đã không thể thu thập được bằng chứng kiểm toán để xác nhận đối tượng phải trả cũng như số tiền phải trả nêu trên.

Điều đáng nói, với những khoản chi chưa rõ ràng của Hadico vừa qua, nguy cơ gây ra hậu quả thất thoát tài sản nhà nước như những năm trước đó rất có thể tiếp tục diễn ra tại đây.

Hải Đăng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến