Doanh thu hãng máy lạnh và các vị bán lẻ tăng mạnh nhờ thời tiết nắng nóng gay gắt. Ảnh: Showmetech.
Nắng nóng gay gắt ở cả 3 miền trong thời gian qua đã giúp thị trường kinh doanh các sản phẩm làm mát bùng nổ.
Đơn cử, báo cáo kết quả kinh doanh quý I của CTCP Tập đoàn Nagakawa (HNX: NAG) đã cho thấy những con số tăng trưởng ấn tượng.
Thu hàng tỷ đồng mỗi ngày
Cụ thể, chủ hãng máy lạnh Nagakawa ghi nhận doanh thu thuần đạt mức kỷ lục gần 680 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, tăng 27% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ cũng đạt mức đỉnh với hơn 13 tỷ đồng, tăng đến 82% so với quý I năm ngoái.
Ban lãnh đạo công ty cho biết do thời tiết nắng nóng đột biến nên nhu cầu thị trường tăng cao. Công ty dự báo tình hình để có các chính sách linh hoạt nên được các hệ thống siêu thị lớn và các nhà phân phối, đại lý cấp 1, cấp 2 ủng hộ.
Đồng thời, các hoạt động trong khâu mua hàng, truyền thông marketing đã đi vào ổn định và hoạt động có hiệu quả dẫn đến tỷ trọng chi phí giảm xuống và lợi nhuận tăng lên.
Trong khi đó, CTCP Cơ điện lạnh - REE Corp - (HoSE: REE) cũng ghi nhận doanh thu mảng cơ điện lạnh tăng nhẹ gần 3 tỷ đồng so với quý I năm ngoái, đạt hơn 552 tỷ đồng.
Đáng nói, trong 3 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp này cũng đã hưởng lợi từ bối cảnh nắng nóng kéo dài và hiện tượng El Nino khiến nhiệt độ gay gắt hơn.
Cả năm 2023, mảng cơ điện lạnh đã đem về hơn 2.600 tỷ đồng doanh thu cho REE Corp. Tập đoàn Nagakawa cũng lãi sau thuế hơn 25 tỷ đồng trong năm vừa qua, tăng gần 7% so với cùng kỳ. Còn Casper - thương hiệu điện máy đến từ Thái Lan - công bố lãi ròng hơn 33 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lỗ gần 470 tỷ đồng.
Thị trường máy lạnh ở Việt Nam hiện có sự tham gia của nhiều thương hiệu trong và ngoài nước như Panasonic, Daikin, Casper, Sharp, Toshiba, Samsung, LG, Nagakawa, Reetech, Midea, Aqua, Asanzo, TCL... Trong đó, các vị trí top 3 thị phần được các hãng Panasonic, Casper và Daikin chia nhau trong những năm gần đây.
Trong một sự kiện hồi tháng 3 vừa qua, ông Nguyễn Trương Thành - Phó tổng giám đốc Casper Việt Nam cho biết năm 2023 hãng đứng thứ hai về sản lượng điều hòa dân dụng tại Việt Nam và thường vươn lên vị trí thứ nhất trong các tháng cao điểm.
Nhà bán lẻ máy lạnh cũng hưởng lợi
Không chỉ các hãng sản xuất, nhiều ông lớn bán lẻ điện máy cũng ghi nhận doanh thu đột biến từ việc bán máy lạnh trong các tháng đầu năm.
Trong quý I, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) ghi nhận kết quả kinh doanh phục hồi mạnh so với cùng kỳ. Các chuyên gia tại Công ty chứng khoán SSI cho rằng một trong các động lực là doanh thu bất thường từ máy lạnh.
Thực tế, doanh thu sản phẩm máy lạnh tại Điện Máy Xanh tăng trưởng đến 50%, trong khi lượng khách đến mua sắm mặt hàng này cũng tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh số bán máy lạnh tại hệ thống này dự kiến tiếp tục tăng trong quý II khi thời tiết nắng nóng còn kéo dài. Cuối tháng 4 vừa qua, CEO Đoàn Văn Hiểu Em cho biết chuỗi Điện Máy Xanh đã bán hơn 40.000 bộ máy lạnh và gần 25.000 quạt điều hoà chỉ trong vòng 3 ngày cận lễ 30/4.
Máy lạnh là ngành hàng đóng góp chính cho doanh số các hệ thống bán lẻ giữa nắng nóng. Ảnh: S.T.
Trong bối cảnh này, từ đầu tháng 4, chuỗi FPT Shop cũng tuyên bố mở rộng kinh doanh máy lạnh tại hàng trăm cửa hàng thuộc hệ thống.
Theo các đơn vị, kết quả khởi sắc của ngành hàng máy lạnh không chỉ đến từ nguyên nhân khách quan là nắng nóng. Chính các thương hiệu cũng đẩy mạnh sản xuất các dòng máy lạnh giá phải chăng, trong khi các chuỗi bán lẻ cũng tung nhiều ưu đãi giảm giá, tặng quà, tặng công lắp đặt... để thu hút khách hàng.
Không chỉ tại kênh phân phối truyền thống mà thống kê của nền tảng dữ liệu thương mại điện tử Metric trên 5 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop cũng cho thấy xu hướng tương tự.
Quý đầu năm đã có hơn 380 triệu sản phẩm máy lạnh và quạt máy được bán qua các sàn. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu thiết bị làm mát tăng gần 54%, đạt xấp xỉ 163 tỷ đồng.
Do nắng nóng gay gắt diện rộng diễn ra tại cả 3 miền, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết công suất cực đại và sản lượng điện tiêu thụ ngày quy mô toàn quốc liên tục tăng cao với những con số kỷ lục mới.
Sang tháng 5, nhiệt độ trung bình trên cả nước được dự báo phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 1,5-2,5 độ C. Do đó, nhu cầu sẽ tiếp tục tăng cao với sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống dự kiến ở mức 913,6 triệu kWh/ngày, tăng 12,24% so với cùng kỳ. Công suất cực đại có thể lên tới 49.000 MW, riêng miền Bắc có thể lên đến 24.500 MW.
Tác giả: Liên Phạm
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy