Dòng sự kiện:
Hàng trăm doanh nghiệp ngành du lịch điêu đứng vì dịch COVID-19
01/08/2021 16:05:02
Do dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch, dịch vụ không trụ nổi, buộc phải dừng hoạt động.

Những năm trước, khi dịch COVID-19 chưa xuất hiện, mùa hè ở Thành phố biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) là thời điểm hái ra tiền với ngành du lịch, khách sạn. Bãi biển thường xuyên chật kín du khách từ khắp nơi đổ về, nhiều khách sạn cháy phòng… Nhưng giờ đây, đó đã là viễn cảnh xa vời với thành phố này từ khi làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát.

Biển vẫn xanh và sóng vẫn rì rào ngày đêm, nhưng không một bóng người lai vãng, khách sạn, nhà hàng đóng cửa im lìm, đó là thực tế của Sầm Sơn hiện tại.


Bãi biển Sầm Sơn không một bóng người 

Xây xong khách sạn vào cuối năm 2019 thì đầu năm 2020, dịch COVID-19 xuất hiện. Từ đó đến nay, số lần mở hoạt động của khách sạn gia đình chị Phạm Thị Nguyệt, TP Sầm Sơn tính trên đầu ngón tay. Doanh thu không thấy đâu nhưng nợ chồng nợ khiến chị như ngồi trên đống lửa.

Ở những đợt dịch trước đây, khách sạn vẫn còn hoạt động cầm chừng, đón khách lẻ trong nước. Song, khi làn sóng dịch lần 4 đến, nó như một đòn đánh quyết định buộc khách sạn ngừng hẳn, 25 nhân viên phục vụ ở đây phải nghỉ việc.

Các khách sạn cửa đóng im lìm

"Lễ hội du lịch biển khai mạc hồi 30/4 mở ra nhiều hy vọng cho chúng tôi, khách đặt kín phòng nhưng sau đó dịch bùng phát, họ dừng hết, chúng tôi phải hoàn lại tiền. Cũng từ thời điểm đó đến nay, không còn hoạt động thêm được gì", chị Nguyệt nói.

Chị cho hay, để đầu tư vào khách sạn, gia đình đã phải vay hơn chục tỷ đồng, mỗi tháng phải xoay xở tiền đóng lãi của gói vay ngắn hạn, 6 tháng phải đáo hạn 1 lần. Còn gói vay trung hạn thì ngân hàng cho dồn gốc và lãi hàng tháng đến 31/12.

"Chúng tôi sắp không trụ nổi nữa rồi, không biết lấy tiền đâu để trả, bán khách sạn cũng không ai mua. Chỉ mong sao dịch sớm được đẩy lùi", chị Nguyệt mong mỏi.

Sau một năm làm việc tại một khách sạn 5 sao ở TP Thanh Hóa, khi dịch COVID-19 xuất hiện vào đầu năm 2020, Trương Văn Tuấn (23 tuổi) bị cắt giảm lương. Song, anh vẫn giữ được công việc đều đặn cho đến khi làn sóng COVID-19 lần 4 bùng phát. Lần này, khách sạn lâm vào cảnh phải đóng cửa, doanh thu không đủ để chi trả tiền bảo vệ và điện nước, toàn bộ nhân viên ngậm ngùi ra đi vì mất việc.

Để kiếm tiền sống qua ngày, Tuấn chuyển sang làm shipper, nhận giao hàng ăn cho các quán ăn trong thành phố. Mùa dịch COVID-19 khiến nhiều người không muốn đến hàng quán đông người, nhờ thế anh có nhiều đơn hơn. Thu nhập tạm đủ cho nam thanh niên sinh hoạt và trả tiền thuê nhà.

"Hy vọng các gói hỗ trợ của Chính phủ có thể cứu cánh cho những lao động mất việc vì COVID-19 trong ngành du lịch khách sạn. Nhiều người thậm chí không thể tìm nổi việc sau khi mất việc làm, cuộc sống rất khó khăn", anh Tuấn nói.

Trước dịch, khách sạn Newstar Sầm Sơn có doanh thu từ 2-2,5 tỷ đồng mỗi vụ du lịch hè từ 42 phòng nghỉ. Anh Phương, chủ khách sạn này cho biết, khách sạn đã đóng cửa hoàn toàn từ sau đợt 30/4 vừa qua. Không một đồng doanh thu nhưng áp lực nợ, lãi suất ngân hàng tăng cao. 

"Chúng tôi mong muốn Chính phủ có cơ chế đề xuất các ngân hàng giãn nợ, khoanh nợ đối với các đơn vị kinh doanh khách sạn, du lịch, bởi đây là lực lượng chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất do dịch COVID-19", anh Phương bày tỏ.  


Các doanh nghiệp du lịch nghỉ dưỡng ngậm trái đắng vì dịch COVID-19

Cùng cảnh ngộ trên, hầu hết khách sạn tại các khu du lịch biển như: Sầm Sơn, Hải Tiến, thuộc huyện Hoằng Hóa; Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn đều đóng cửa.

Tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 700 doanh nghiệp du lịch và hơn 300 hộ kinh doanh cá thể. Do dịch COVID-19, đã có 2 doanh nghiệp lữ hành và 16 cơ sở lưu trú du lịch đăng ký tạm dừng hoạt động; còn lại đa phần các doanh nghiệp du lịch hoạt động cầm chừng.

Gần 700 cơ sở lưu trú tại các khu du lịch biển đã đóng cửa; các đơn vị kinh doanh lĩnh vực lưu trú, ăn uống, vận chuyển khách du lịch đạt doanh thu thấp; lĩnh vực lữ hành không có doanh thu…

Tính sơ bộ trong 6 tháng đầu năm nay, công suất sử dụng phòng chỉ đạt từ 20 đến 30% và giảm gần 50% so với những năm trước khi có dịch. Đáng nói hơn, các doanh nghiệp lữ hành chịu áp lực rất lớn trong việc bồi hoàn tiền do hủy tour, lùi tour.

Thống kê 6 tháng đầu năm 2021, hơn 15.000 lao động ngành du lịch trong toàn tỉnh bị mất việc làm.

Bà Vương Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, cho biết, đợt dịch bùng phát lần thứ 4 này, đặc biệt từ đầu tháng 5 đến nay khiến du lịch Thanh Hóa thực sự suy kiệt. Bên cạnh những giải pháp cấp bách, cũng cần tính đến chiến lược dài hơi, hậu COVID-19.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đối với lĩnh vực du lịch như: Giảm giá tiền điện cho các đơn vị kinh doanh lưu trú du lịch; giảm phí, lệ phí đối với các thủ tục hành chính cấp giấy phép kinh doanh lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch và nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, lãi suất vay ngân hàng...

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó lực lượng lao động trong ngành du lịch bị ảnh hưởng cũng thuộc nhóm thụ hưởng.

"Đây là sự động viên kịp thời, chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch; tạo thêm niềm tin để doanh nghiệp và người lao động vượt qua những khó khăn trước mắt. Đồng thời, tiếp tục duy trì hoạt động và giữ người lao động yên tâm gắn bó với nghề, sẵn sàng khởi động trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát. Đây chính là kỳ vọng của chúng tôi đối với sự phát triển của ngành du lịch khi các cơ chế chính sách của Chính phủ được thực thi", bà Yến nhận định.

Lương Diễn 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến