Những ngày gần đây, PV ANTT liên tục nhận được phản ánh của người dân xã ven biển Vinh Hải, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế) về tình trạng xâm thực bờ biển diễn ra với tốc độ nhanh khiến hàng trăm hộ dân nơi đây sống trong cảnh thấp thỏm, lo lắng...
Tại xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc là xã ven biển nên thường xuyên phải hứng chịu nhiều thiên tai, bão lũ, nhất là tình trạng xâm thực bờ biển từ nhiều năm nay. Thời gian gần đây, bờ biển bị sạt lở càng thêm nghiêm trọng khiến khu rừng phòng hộ ven biển đứng trước nguy cơ bị sóng biển cuốn trôi.
Trung bình mỗi năm, nơi đây nước biển ăn sâu vào đất liền từ 10 – 20m, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt của hàng trăm hộ dân nơi đây. Nhiều người dân lo lắng tình trạng sạt lở tiếp tục diễn ra nhanh, nhất là vào mùa mưa bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng, của cải của bà con.
Người dân lo lắng, tình trạng biển xâm thực ngày càng nhanh, đe dọa cuộc sống.
Ông Phan Vui, trú ở thôn 3, xã Vinh Hải chia sẻ: “Hơn 15 năm trước, vợ chồng tôi ra đây dựng nhà ở làm ăn sinh sống yên ổn. Hiện tại, biển xâm thực, nuốt một phần rừng phi lao mà ông bà chúng tôi đã trồng hàng chục năm trước đó. Đất nhà đã cận kề biển rồi nên rất sợ. Nước biển xâm thực, còn tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp của bà con”.
Xâm thực diễn ra nhanh, nhiều hàng phi lao bị biển "nuốt chửng"
Trước đây, bờ biển cách nhà dân cả cây số. Thế nhưng, mấy năm trở lại đây, tình trạng xâm thực diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Tính đến thời điểm hiện tại, bờ biển chỉ cách nhà dân chưa đầy 30m.
Anh Vũ Văn Hòa, trú tại xã Vinh Hòa, cho biết: “Chứng kiến sự xâm thực ngày càng ảnh hưởng tới cuộc sống bà con, chúng tôi hi vọng chính quyền có những biện pháp ngăn chặn kịp thời để bà con yên tâm sản xuất”.
Những biện pháp tạm thời của bà con để ngăn tình trạng biển xâm thực.
Theo nhiều người dân địa phương, để chống lại sự xâm thực diễn ra, trước đây đã nhiều lần trồng rừng phi lao để làm rừng phòng hộ. Thế nhưng gần đây rừng phi lao bị thu hẹp dần do sự xâm thực diễn ra với tốc độ nhanh hơn và ảnh hưởng trực tiếp từ các cơn bão lớn. Việc biển xâm thực đã khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp nơi đây bị nhiễm mặn, khiến việc canh tác, trồng lúa như trước đây gặp nhiều khó khăn.
Cần sớm giải quyết.
Để giải quyết tình trạng này, nhiều người dân cho rằng cần sớm xây dựng một tuyến đê kiên cố hơn chạy dọc bờ biển. Trước mắt chưa có điều kiện xây dựng mới, cần có kinh phí để tu sửa những đoạn đê bao bị hỏng, sạt lở và tiếp tục trồng mới rừng phòng hộ để ngăn biển nuốt đất, đe dọa tính mạng, của cải người dân.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu - quyền Chủ tịch UBND xã Vinh Hải cho biết: “Tình trạng xâm thực bờ biển tại địa phương đã xảy ra từ lâu và hiện càng nghiêm trọng. Trong 15 năm trở lại đây, mỗi năm xã Vinh Hải bị biển xâm thực hơn 10m sâu vào đất liền, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của gần 700 hộ dân tại đây. Trước đây, UBND tỉnh đã hỗ trợ kinh phí kè đê biển tạm thời với chiều dài 110m nhưng đến nay nhiều đoạn đê bị sạt lở nghiêm trọng”.
"Để đảm bảo an toàn cho tính mạng của cải của nhân dân, xã đã xin hỗ trợ 3,5 tỷ đồng để xử lý, gia cố gần 300m đê biển xung yếu. Trước tình trạng xâm thực ngày một nghiêm trọng, chúng tôi mong muốn các cấp liên quan, quan tâm hỗ trợ địa phương xây dựng hệ thống để đảm bảo an toàn cho người dân an tâm sinh sống và sản xuất", ông Hữu cho biết thêm.
Đình Tuấn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy