Dòng sự kiện:
Hành trình ‘cân não’ đưa trái tim từ Hà Nội về Huế ghép thành công
15/06/2018 21:44:08
Các y bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế đã phối hợp với Bệnh viện hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), thực hiện thành công ca ghép tim xuyên Việt lần thứ 2.

Thông tin từ Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, trái tim này của một nam thanh niên bị tai nạn. Các bác sỹ bệnh viện Hữu nghị Việt Đức dù đã hết lòng cứu chữa nhưng người thanh niên này không qua khỏi và rơi vào tình trạng chết não. Trong thời điểm đau thương ấy, gia đình người này đã tình nguyện hiến tặng toàn bộ mô/tạng.

GS.TS Phạm Như Hiệp, GĐ Bệnh viện T.Ư Huế trên đường vận chuyển trái tim từ Hà Nội về Huế.

Sau khi khớp nối các thông tin trên “Danh sách chờ ghép Quốc gia”, xác định có 2 bệnh nhân nặng, đang cấp cứu ở BV T.Ư Huế và BV Chợ Rẫy đủ điều kiện tiếp nhận tạng khẩn cấp, trung tâm đã quyết định điều chuyển trái tim của người thanh niên nói trên tới Bệnh viện TW Huế để ghép cho bệnh nhân có chỉ số ưu tiên cao nhất - bệnh nhi 15 tuổi.

Tuy nhiên, vẫn còn một thủ thuật cuối để có thể kết luận trái tim của người hiến có ghép được cho cháu bé hay không đó là việc đọ chéo máu. Thông thường, trong một ca ghép tim như vây, các bác sỹ sẽ phải mang máu của người nhận ra nơi có người hiến để đọ chéo đồng thời chờ đợi để mang tạng về ghép cho bệnh nhân của mình. Đối với ca ghép này, do thời gian quá gấp, lịch bay không phù hợp nên kíp bác sỹ từ Bệnh viện T.Ư Huế không đủ thời gian để mang máu của bệnh nhân bay ra Hà Nội đọ chéo và lấy tạng.

Trong tình huống này, Giáo sư Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã quyết định để kíp y bác sỹ của bệnh viện lấy trái tim sau đó đưa trái tim này từ Hà Nội vào Huế.

Để kịp thời gian, trung tâm đã mang mẫu máu của người hiến bay vào Huế trước để thực hiện việc đọ chéo. Trong lúc chờ kết quả đọ chéo máu, trái tim người hiến vẫn được trung tâm và kíp bác sỹ bệnh viện Việt Đức bắt chuyến bay tiếp theo vào Thành phố Đà Nẵng để chuyển tới Huế.

Đi cùng chuyến bay là GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng ghép tạng Bệnh viện T.Ư Huế. Được biết, thời điểm này GS.TS Hiệp đang họp Quốc hội tại Hà Nội.

Khác với lần trước, quãng đường vận chuyển tạng dài hơn lần trước do phải bay vào Đà Nẵng mới có chuyến bay phù hợp với thời điểm phẫu thuật lấy tạng, sau đó quả tim mới được vận chuyển bằng ô tô từ Đà Nẵng về Huế mà vẫn phải đảm bảo thời gian cho phép thiếu máu tạng (thời gian từ khi lấy tim tại BV Việt Đức về đến BV T.Ư Huế chỉ 3 giờ 30 phút).

Thời gian chờ kết quả phản ứng đọ chéo (âm tính) để quyết định mổ ghép (do nhân viên của BV Việt Đức đem tới Huế từ chuyến bay của VietnamAirlines sớm trước đó 4 giờ) cũng là một thử thách rất lớn.

Tất cả mọi tính toán đều buộc phải rất chính xác để cùng lúc thỏa mãn 3 điều kiện: quãng đường vận chuyển tim dài hơn, quỹ thời gian rất ngắn để chuẩn bị cho 1 ca ghép tim và nhất là phải đảm bảo thời gian thiếu máu tim trong giới hạn cho phép.

Kíp mổ của Bệnh viện T.Ư Huế khẩn trương tiến hành ghép tạng khi trái tim về đến Huế.

Sau khi về đến Huế, GS.TS Hiệp là người trực tiếp chỉ đạo thực hiện ca ghép tim xuyên Việt thứ 2 tại BV T.Ư Huế.

Kíp mổ do ThS.BS Trần Hoài Ân, Giám đốc Trung tâm Tim mạch thực hiện lúc 2h30 ngày 14/6. Cuộc mổ kết thúc lúc 6h sáng cùng ngày.

Đến khoảng 9h, bệnh nhân được ghép tim đã hồi tỉnh, huyết động ổn định và tiếp tục được chăm sóc, theo dõi rất chặt chẽ tại Khoa Gây mê hồi sức Tim mạch, BV T.Ư Huế. Chức năng tim ghép rất tốt có phân suất tống máu (EF) là 61%.

“Thành công của ca phẫu thuật này là minh chứng cho quy trình ghép tạng mô hình đa trung tâm mà bệnh viện T.Ư Huế đang thực hiện phù hợp với thực tiễn, cũng như khẳng định tính chuyên môn cao, bản lĩnh chuyên nghiệp trong lĩnh vực phẫu thuật tim, ghép tim cũng như ghép các tạng khác”, GS.TS Phạm Như Hiệp chia sẻ.

Lê Kông

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến