Dòng sự kiện:
Hành trình gieo chữ gian nan ở bản làng biên giới
20/11/2024 10:36:41
Giữa muôn vàn khó khăn ở bản Mùa Xuân, các thầy cô giáo vẫn kiên trì bám bản, đem con chữ đến với các em học sinh người Mông.

Gian nan gieo chữ 

Xã Sơn Thủy nằm cách trung tâm huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) hơn 30 km. Từ đây, hành trình vào bản Mùa Xuân – một bản người Mông xa xôi nằm sát biên giới – đòi hỏi phải vượt qua thêm gần 20 km đường núi gập ghềnh, băng qua những bản làng như Sa Ná, Son, Ché Lầu, xã Na Mèo, trước khi chạm tới miền đất heo hút này.

Con đường dẫn lên bản như một dải ruy băng ngoằn ngoèo quấn quanh chân núi, càng lên cao không khí càng loãng, khiến đôi tai ù đi vì áp lực.

Phóng tầm mắt từ trên cao, khung cảnh thiên nhiên hiện ra vừa hùng vĩ vừa mê hoặc. Những đám mây lững lờ trôi ngang đỉnh núi, bao quanh là màu xanh bất tận của núi rừng, xen lẫn tiếng suối róc rách và tiếng chim hót líu lo, tạo nên một bức tranh yên bình và hùng vĩ.

Cô trò ở điểm trường Mầm non Mùa Xuân

Chiếc xe của chúng tôi gầm rú, cố sức vượt qua những cung đường bê tông dốc đứng, để rồi tiếp tục lăn bánh trên đoạn đường đất gập ghềnh đầy thử thách.

Vào mùa mưa, con đường này chẳng khác nào “đường trơn như đổ mỡ,” bùn lầy khiến việc đi lại trở nên gian nan gấp bội, làm chùn chân cả người dân bản địa lẫn những thầy cô giáo đang cắm bản nơi đây. May mắn thay, hôm chúng tôi ghé thăm trời hanh khô, nhưng quãng đường hơn 3km cuối cùng vẫn đủ khiến tài xế vã mồ hôi.

Đến bản, những mái nhà lợp gỗ thông và những căn nhà gỗ sơn đỏ hiện ra thấp thoáng giữa núi rừng yên bình. Ngôi trường mầm non Mùa Xuân cũng đã hiện lên trước mắt, nơi tiếng hát ê a trong trẻo của các em nhỏ vang lên như tiếng chim rừng. Không khí lớp học thật ấm áp và rộn rã, nhưng ít ai biết đằng sau khung cảnh đó là những gian nan, vất vả và sự hy sinh thầm lặng của các thầy cô giáo nơi đây...

Cô giáo Ngân Thị Vui (SN 1982), đã dành trọn 20 năm thanh xuân để gắn bó với những bản làng xa xôi vùng cao. Nhắc đến hành trình gieo chữ của mình, đôi mắt cô ánh lên niềm xúc động. Cô kể về những kỷ niệm không thể nào quên, những ngày tháng vượt qua bao thử thách.

“Không hiểu sao ngày đó mình lại có thể vượt qua tất cả những khó khăn, trở ngại. Có lẽ chính tình yêu nghề và tình thương dành cho những đứa trẻ khát khao con chữ nơi vùng cao đã tiếp thêm sức mạnh cho mình,” cô Vui chia sẻ.

Cô giáo trẻ và các em nhỏ người Mông 

Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm mầm non, cô Ngân Thị Vui được phân công về Trường Mầm non Sơn Thủy. Những năm tháng gắn bó với vùng đất này, cô đã không quản ngại khó khăn, băng qua những bản làng nghèo khó nhất như Mùa Xuân, Xía Nọi, Khà, Hiết. Nhưng với cô, bản Mùa Xuân là nơi đặc biệt nhất, nơi lưu giữ những kỷ niệm sâu sắc không thể phai mờ.

Cô Vui bồi hồi nhớ lại: “Năm 2009, lần đầu tiên tôi đến bản Mùa Xuân, con đường lúc đó chỉ là lối mòn nhỏ hẹp, rộng chưa đầy một gang tay, hai bên là cây rừng um tùm. Đường đi đầy vắt rừng, chúng tôi phải lội bộ qua nhiều quả đồi, con suối, xuất phát từ trưa mà mãi đến tối mịt mới tới nơi. Bản Mùa Xuân khi đó không có điện, không sóng điện thoại, tất cả như tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài”.

Khó khăn chồng chất, nhưng khi đặt chân đến Mùa Xuân, cô nhận ra nơi đây còn khắc nghiệt hơn cả những gì cô từng trải. Thế nhưng, chính ánh mắt trong veo của những đứa trẻ khát khao con chữ đã trở thành động lực lớn lao.

"Chỉ có tình yêu dành cho bọn trẻ và mong muốn chúng có một tương lai tươi sáng, đó mới là lý do giúp tôi vượt qua mọi gian khổ," cô tâm sự.

Sau 1 năm cắm bản ở Mùa Xuân, cô Vui được chuyển về trường chính rồi tiếp tục hành trình gieo chữ ở nhiều bản khác. Nhưng đến năm 2020, khi có cơ hội trở lại Mùa Xuân, cô đã không ngần ngại nhận nhiệm vụ. Vì đây là điểm trường đặc biệt khó khăn, các giáo viên thường phải thay phiên nhau cắm bản mỗi năm. Nhưng hết nhiệm kỳ, cô Vui lại tình nguyện ở lại, tiếp tục sứ mệnh mang tri thức đến cho những đứa trẻ vùng cao.

Điểm trường Mầm non Mùa Xuân hiện đang là nơi học tập của 92 em nhỏ, với đội ngũ gồm 5 giáo viên tận tâm: 4 cô giáo cắm bản và 1 thầy giáo địa phương; ngoài cô Ngân Thị Vui còn có cô Lê Thị Nhung, cô Lương Thị Lan, cô Thao Thị Xua và thầy Hơ Văn Tho, người con của bản.

Việc dạy mầm non ở vùng cao không chỉ dừng lại ở việc dạy chữ, mà còn đòi hỏi các thầy cô chăm sóc chu đáo từng bữa ăn, giấc ngủ cho trẻ. Mùa đông khắc nghiệt, các cô phải đốt lửa sưởi ấm cho các em. Thiếu thốn nhà bếp bán trú, họ tự nguyện nấu ăn cho học sinh, dù khoản trợ cấp mỗi bữa ăn rất ít ỏi.

Cô Lê Thị Nhung, người có 10 năm gắn bó với nghề, trong đó 4 năm cắm bản ở Mùa Xuân, chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên vận động phụ huynh đóng góp thêm thực phẩm như quả bí, bó rau để cải thiện bữa ăn cho các cháu. Dù khó khăn, nhưng nhìn các em ăn no, học giỏi, chúng tôi cảm thấy mọi nỗ lực đều xứng đáng”.

Bên cạnh các cô giáo, điểm trường còn có sự hiện diện đặc biệt của thầy Hơ Văn Tho, người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên ngay tại bản Mùa Xuân.

Sau khi tốt nghiệp cấp 2, thầy vừa học bổ túc văn hóa, vừa học nghề, để rồi quay trở lại quê hương làm giáo viên mầm non. Với 10 năm trong nghề, thầy Tho là giáo viên nam đầu tiên dạy mầm non ở huyện Quan Sơn, trở thành hình mẫu ý nghĩa cho lớp trẻ trong bản.

Điểm trường lẻ Tiểu học Sơn Thủy ở Mùa Xuân

Không xa điểm trường Mầm non, điểm trường Tiểu học Sơn Thủy cũng là một nơi gieo chữ đầy gian truân. Trường được xây dựng theo mô hình lắp ghép nhờ sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, nhưng cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn. Dẫu vậy, các thầy cô nơi đây vẫn kiên cường bám bản, mang tri thức đến với học sinh, gieo hy vọng vào tương lai tươi sáng cho những đứa trẻ vùng cao.

Thắp sáng ước mơ

Nhờ sự tận tụy của nhiều thế hệ thầy cô giáo, bản Mùa Xuân đã từng bước chuyển mình. Những đứa trẻ người Mông ở đây không chỉ được học con chữ mà còn được thắp sáng ước mơ. Không ít em đã vượt qua khó khăn để vươn lên học tập và trở về đóng góp cho quê hương.

Một trong những tấm gương tiêu biểu là anh Sung Chống Dế (SN 1997), giáo viên tiểu học tại điểm trường lẻ Mùa Xuân.

Sinh ra trong cảnh thiếu thốn, khi cơm không đủ no, áo không đủ ấm, và bạn bè cùng trang lứa lần lượt nghỉ học, Dế vẫn kiên trì với con chữ. Hình ảnh các thầy cô giáo ngày ấy băng rừng vượt suối, bất chấp hiểm nguy để mang tri thức đến với học sinh đã trở thành động lực mạnh mẽ thôi thúc anh.

“Khi tôi còn đi học, bản chưa có đường, chưa có điện hay sóng điện thoại. Mọi thứ khó khăn gấp bội. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của các thầy cô, tôi có thành tích học tập tốt và thi đỗ Đại học Hồng Đức,” anh chia sẻ.

Năm 2021, khi huyện có đợt tuyển dụng giáo viên, Dế không chần chừ nộp hồ sơ. Anh trúng tuyển và được phân công về chính điểm trường Mùa Xuân – nơi chôn nhau cắt rốn của mình. “Giấc mơ làm thầy giáo của tôi đã thành hiện thực. Tôi không chỉ muốn dạy chữ, mà còn mong truyền cảm hứng để các em tiếp tục học tập và mơ ước. Giờ đây, nhờ chính sách quan tâm của Đảng và Nhà nước, điều kiện học tập của các em đã tốt hơn rất nhiều,” anh tâm sự.

Vượt qua những khó khăn, Sung Chống Dế đã trở thành thầy giáo trở về giảng dạy tại bản làng nơi anh sinh ra

Ông Lê Huy Hà, Trưởng phòng Giáo dục huyện Quan Sơn, cho biết: Huyện vẫn còn 46 điểm trường lẻ, trong đó 25 điểm thuộc cấp mầm non và 21 điểm tiểu học. Điểm trường Mùa Xuân là một trong những nơi xa và khó khăn nhất. Theo ông, nhờ chính sách đầu tư của Nhà nước, 3 năm trở lại đây, con đường từ xã vào bản đã được bê tông hóa, điện lưới quốc gia và sóng điện thoại cũng đã về tới nơi. Nhờ đó, cuộc sống của người dân và điều kiện của thầy trò trên bản đã cài thiện nhiều.

“Không chỉ mang con chữ, các thầy cô còn truyền cảm hứng, thắp sáng ước mơ cho con em đồng bào. Để gắn bó được với những điểm trường vùng khó như Mùa Xuân, không chỉ cần sự kiên trì mà còn đòi hỏi tình yêu nghề mãnh liệt. Nhờ sự cống hiến ấy, nhiều học sinh DTTS ở các bản khó khăn đã được tiếp cận tri thức, vượt lên hoàn cảnh để xây dựng tương lai, đồng thời góp phần phát triển quê hương”, ông Hà chia sẻ.

Lương Diễn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến