Hành trình lần vết những “dự án ma” mang danh KCN
30/03/2015 11:09:49
ANTT.VN - Lần theo danh sách các Khu công nghiệp “có vấn đề” được Bộ Kế hoạch và Đầu tư liệt kê tại cuộc họp Ban chỉ đạo về phát triển Khu kinh tế, Khu công nghiệp lần thứ 5 diễn ra mới đây, phóng viên ANTT.VN đã tìm về Hưng Yên – địa phương xếp top trong “danh sách đen” để được thực mục sở thị các dự án sẽ mang theo sứ mệnh “thay da đổi thịt bộ mặt nông thôn”.

Tin liên quan

“Khu công nghiệp nào cơ? Minh Quang á? Làm gì có!”; “Minh Đức chứ, làm gì có Minh Quang”; “Anh nhầm ở đâu rồi chứ, Bạch Sam làm gì có, đã nghe thấy bao giờ đâu”…

“Bác ơi, làm ơn cho cháu hỏi Khu công nghiệp Minh Quang ở chỗ nào ạ?” – có tới cả chục lần chúng tôi phải đặt những câu hỏi như thế hoặc tương tự với những người dân xung quanh địa bàn xã Bạch Sam, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên; trẻ có, già có, xe ôm có, bán nước cũng có thậm chí là cả những chiến sỹ cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đường quốc lộ số 5, đoạn đi qua địa phận xã Bạch Sam. Tuy nhiên, đáp lại chúng tôi chỉ là những cái lắc đầu và những câu trả lời như đã liệt kê.

Dự án Khu công nghiệp Minh Quang vẫn chỉ là đồng lúa thẳng cánh cò bay...

Theo miêu tả của Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam – Chủ đầu tư của Dự án: “Khu công nghiệp Minh Quang thuộc xã Bạch Sam, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên có diện tích 325,43 ha, phía Bắc giáp đường huyện lộ 198, phía Nam giáp đường cao tốc số 5, phía Đông giáp đường huyện lộ 198B, phía Tây giáp khu dân cư xác Bạch Sam”. Rõ ràng là vậy, mà dọc ngang khu vực này hàng tiếng đồng hồ, chúng tôi vẫn không tài nào có thể phát lộ được chút tăm hơi của một đại dự án Khu công nghiệp rộng hàng trăm hecta, quy mô được đánh giá là nhất nhì vùng đất nổi tiếng với nhãn Tổ, tương Bần này.

Rất may, nhờ sự chỉ dẫn nhiệt tình của đồng chí cán bộ Tư pháp xã Bạch Sam, nhóm chúng tôi mới có thể tiếp cận, ngắm nhìn và tưởng tượng về dự án đã được chấp thuận từ 7, 8 năm về trước.

và con sông cạn đục

Được biết, Khu công nghiệp Minh Quang được thành lập theo Văn bản số 1159/TTg-CN ngày 21/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung KCN Minh Quang vào quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam và Quyết định số 542/QĐ-UBND ngày 04/03/2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hưng Yên về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ: 1/200 KCN Minh Quang, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.

Như vậy, tính từ thời điểm tỉnh Hưng Yên chấp nhận phê duyệt quy hoạch dự án thì đã là 7 năm có lẻ. Nhưng, thật bất ngờ khi dự án với vị trí quy hoạch “nằm trên trục đường giao thông quan trong nối liền các khu kinh tế lớn như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh và Sân bay Quốc tế Nội Bài rất thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hoá” ấy lại vẫn chỉ là một… cánh đồng thẳng cánh có bay.

Hơn 7 năm ròng, chưa có một dấu hiệu thực địa nào “manh nha” rằng trên những dải ruộng mướt xanh đang thì con gái kia rồi sẽ mọc lên một Khu công nghiệp đa ngành với những hứa hẹn “ít gây ô nhiễm môi trường bao gồm các ngành nghề chính: Công nghiệp lắp ráp cơ khí điện tử, chế biến thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, đồ trang sức, linh kiện xe máy, ôtô, đồ điện gia dụng”.

Sông Cầu Lường bị ô nhiễm nặng được người dân Bạch Sam gọi là " sông chết"

Trong khi đó, chỉ cần phóng tầm mắt sang bên kia đường, Khu công nghiệp Minh Đức, với cơ sở hạ tầng đã được triển khai tương đối đồng bộ và tổng diện tích chỉ bằng phân nửa so với quy hoạch của Minh Quang (200ha) nhưng không ít khoảnh đất phía sâu trong thì vẫn đang còn để trống.

Rẽ sâu vào con đường mô mấp nằm sát cánh đồng được cho phần diện tích được quy hoạch dành cho dự án Khu công nghiệp Minh Quang, chúng tôi bắt gặp nhóm 5 người nông dân đang đánh vữa để hoàn thiện một công trình dân dụng.

“Công nghiệp với Minh Quang gì nhà báo ơi, nhà báo viết thì viết về cái con sông chết đen ngòm ngòm kia kìa. Phản ảnh cho dân Lường chúng tôi được nhờ!”, chị phu hồ ngơi tay xúc vữa, quyết mồ hôi, cười nói với chúng tôi trong một ánh nhìn chất phác, lam lũ mà đôn hậu.

“Con sông chết” mà chị phu hồ nhắc tới ở đây là sông Cầu Lường – con nước thủy nông quan trọng, kênh dẫn nước tưới tiêu bao đời gắn bó với vùng quê chiêm trũng nơi này. Tuy nhiên, giờ đây sông Cầu Lường, đúng như lời người nông dân này, nó đã trở thành một “con sông chết”, “chết” theo đúng nghĩa đen bởi trong dòng nước đặc đen, tanh hôi và dùng dình váng ấy chắc chắn chẳng cá tôm nào sống nổi…

Nằm đối diện dự án khu công nghiệp Minh Quang là khu công nghiệp Minh Đức

“Cứ vào khoảng chiều tối và đêm nước từ các ống xả này lại được xả ra. Có thời điểm nước xả ra đen ngòm. Tại khu vực giáp đường 5 này có tới 2 – 3 điểm xả. Chúng tôi cũng không rõ nước thải này là từ công ty, doanh nghiệp nào vì đường ống được nối ngầm dưới đất. Vào mùa khô, khi nước sông rút xuống thấp thì cả đoạn sông này chỉ còn lại một màu đen, bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Người già, trẻ nhỏ trong nhà tối đến phải sơ tán tới ở chỗ khác chứ ở đây thì không thể chịu nổi”, một hộ dân sống gần đó cho hay.

Trời cuối xuân, mưa dầm dề và dày hạt, nước sông ngầu đặc cũng chẳng được loãng hơn. Ngược lại, theo hơi ẩm, mùi hôi lại tanh càng thêm nồng nặc và quánh nghẹt.

Chúng tôi rời Bạch Sam, tiếp tục cuộc hành trình đi tìm những Khu công nghiệp “dự án ma” lúc cuối giờ chiều, mưa càng thêm nặng lạnh, đường 5 vẫn dặng dài xe chạy. Mưa nhòa mắt kính, trời tối dần, mờ như một dự án KCN Minh Quang mãi chỉ là “bánh vẽ”, và những cam kết, hứa hẹn về một hệ thống xử lý nước và rác thải “hiện đại”, “đồng bộ” cũng đang nhạt nhòa dần khắp các khu công nghiệp trên mọi miền tổ quốc!.

(Còn nữa)

Ninh Giang – Thiên Di

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến