Hành trình nương theo sóng
15/02/2016 10:13:58
Chèo lái con thuyền Traphaco, công ty dược hàng đầu Việt Nam, từ khi 45 tuổi, nay đã lên chức bà ngoại ở tuổi 60, Chủ tịch hội đồng quản trị Vũ Thị Thuận vẫn tin vào những giá trị và nguyên tắc mình theo đuổi trong công việc và cuộc sống, phải “đại lượng” và luôn nhìn vào mặt tốt của con người.

Tin liên quan

Chúng tôi nói chuyện với nhau gần 3 giờ đồng hồ trong một chiều cuối năm vội vã. Bà hứa sẽ chia sẻ những điều rất thật mà từ trước đến giờ chưa kể cho nhà báo nào.

Bà Thuận làm thuyền trưởng trên con tàu Traphaco được 16 năm trong hành trình 37 năm gắn bó với công ty kể từ lúc bước ra khỏi cổng trường Đại học Dược Hà Nội. Người làm ngành dược, các nhà đầu tư trên thị trường tài chính hẳn khó có thể quên Traphaco đã trưởng thành nhanh như thế nào trong đó có vai trò của bà. Từ một công ty nhà nước thuộc Bộ Giao thông Vận tải với 300 nhân viên và không có một tấc đất, sau khi cổ phần hóa Traphaco đã “lớn nhanh” như Phù Đổng với 1.600 nhân viên, trở thành doanh nghiệp cổ phần duy nhất trong ngành dược Việt Nam có chuỗi giá trị với năm vùng trồng nguyên liệu, bốn nhà máy sản xuất dược phẩm hiện đại và một hệ thống phân phối với 22.000 nhà thuốc (chiếm 50% tổng số nhà thuốc cả nước) và được quản trị bằng công nghệ thông tin.

Rất nhiều người đã hỏi bà: Traphaco là công ty có vốn nước ngoài à, công ty ở miền Nam à? “Không, tôi là doanh nghiệp nhà nước ở Hà Nội”, bà tự hào. Họ lại ngạc nhiên: Hà Nội mà làm như thế à? Vậy bà và cộng sự làm như thế nào?

Công ty Dược phẩm và Thiết bị y tế Bộ Giao thông Vận tải sinh ra trong chiến tranh với mục đích chỉ phục vụ ngành giao thông trong thời chiến. Hết chiến tranh, công ty sống lay lắt vì Bộ Giao thông không quan tâm trong khi cơ chế làm gì cũng phải xin phép bộ. Năm 1999, Nhà nước bắt đầu có chủ trương cổ phần hóa. Bà cùng một số lãnh đạo công ty đi nghe phổ biến, một tháng sau làm đơn xin cổ phần hóa công ty. Đơn gửi lên cấp trên, họ gọi lên hỏi: Các cậu biết gì về cổ phần hóa? Trả lời: Không biết nhiều, chỉ biết rằng sẽ được quyền tự chủ và tự quyết vận mệnh của công ty, ít phải xin phép hơn.

Traphaco trở thành doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa đầu tiên của ngành dược và ngành giao thông vận tải vào cuối năm 1999 với suy nghĩ mình tự làm sẽ sống tốt hơn, bà Thuận và cộng sự đều tự tin về năng lực chuyên môn và tin vào tương lai của ngành chăm sóc sức khỏe. Sản phẩm chăm lo sức khỏe là thứ mà con người chắc chắn phải sử dụng, cuộc sống càng phát triển thì nhu cầu càng tăng.

“Hồi đó chúng tôi bàn bạc với nhau là Việt Nam có rất nhiều cây và con làm thuốc, có truyền thống y học cổ truyền lâu đời và có giá trị nên quyết định lựa chọn chiến lược khai thác với khẩu hiệu “Hiện đại hóa y dược học cổ truyền”. Chúng tôi xác định năm 2020 Traphaco sẽ trở thành tập đoàn kinh tế mạnh trong lĩnh vực kinh doanh các sản phẩm tự nhiên chăm sóc sức khỏe người dân. Công ty nghèo, vốn điều lệ ghi trên giấy là 9,9 tỉ đồng nhưng tài sản thật lại chẳng có gì nên xoay qua vận động vốn góp của cá nhân, nhân viên, cổ đông, ngân hàng để có tiền hoạt động. Mỗi nhân viên khi đó góp 10 triệu đồng, nay thì ai cũng đều có nhà to, có xe hơi, nuôi con dư dả”, bà Thuận kể.

Phải bình tĩnh chấp nhận khó khăn, rằng con người ta không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng, hay công ty mất đoàn kết thì lãnh đạo làm gì còn tĩnh tâm mà nhìn xa trông rộng. Tinh thần của mình chính là tinh thần nhân viên, của đối tác, của khách hàng.

Cuối năm 1999, với 2 tỉ đồng huy động được, bà Thuận cùng các đồng nghiệp lên làng Phú Thượng ven đô Hà Nội thuê một miếng đất 2.000 mét vuông để dựng nhà máy sản xuất thuốc tuy nhỏ nhưng đạt tiêu chuẩn GMP đầu tiên ở miền Bắc. Traphaco tập trung vào nghiên cứu sản phẩm, những hộp thuốc Đông dược đầu tiên đã ra đời và đến bây giờ vẫn là dòng sản phẩm chính của công ty.

Khi công ty họp đại hội đồng cổ đông lần đầu tiên vào thời điểm đó, từ vị trí phó giám đốc doanh nghiệp nhà nước bà Thuận trở thành giám đốc điều hành (CEO). Nhiệm kỳ đầu tiên rất chật vật, CEO và chủ tịch HĐQT luôn có những tranh luận không cần thiết bởi công ty mới vận hành, luật lệ không rõ ràng, Luật Doanh nghiệp chưa ra đời, công ty không có lợi thế thương mại và thiếu thốn nhiều điều kiện. Xác định phải tìm ra nguồn lực nhanh nhất có thể, bà cùng nhân viên lặn lội lên Tây Bắc tìm nơi phát triển vùng nguyên liệu. Đường lên Tây Bắc hồi đó rất xa, lên được đến nơi là đã kiệt sức, dân trí miền núi thấp, chính quyền địa phương chưa hiểu về giá trị cây thuốc, người dân tộc lại không biết tiếng Kinh, không biết chữ nên phải dùng ký tự đánh dấu vùng trồng... Biết bao khó khăn nhưng họ bảo nhau phải bám vùng nguyên liệu, “nếu không có những tháng năm đó làm sao Traphaco có vùng dược liệu sạch thân thiện môi trường theo tiêu chuẩn GACP ở Sapa như ngày nay”, bà cười.

Nhưng bà nói điều nhớ nhất đến bây giờ chính là bài học thời cơ, “tại sao chúng tôi xin vốn điều lệ công ty cổ phần hóa là 9,9 tỉ đồng mà không phải 10 tỉ đồng, xin đất xây nhà máy 9.000 mét vuông mà không phải 10.000 mét vuông, vì nếu dưới 10 tỉ đồng và 10.000 mét vuông thì thành phố ký duyệt, xin nhiều hơn phải gửi trung ương, càng lên cao càng không biết đợi đến bao giờ”.

Hai nhiệm kỳ liền từ năm 2003-2011 bà Thuận giữ chức Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm CEO và kiêm bí thư đảng bộ. Đối với doanh nghiệp, đây là ba vị trí quan trọng nhất và nhờ đó bà thực hiện được nhiều quyết định nhanh chóng không phải chờ đợi họp hành phân định vì cơ hội không có lần thứ hai. Thời đó nhà máy thứ nhất chưa làm xong đã phải lo đi xin đất xây nhà máy thứ 2 vì bà và ban lãnh đạo thấy hai mảng Đông và tân dược không thể lẫn lộn nên nhất định phải làm. Năm 2006 Traphaco cho ra đời nhà máy sản xuất Đông dược đạt tiêu chuẩn GMP đầu tiên và lớn nhất Việt Nam. Năm 2007 Traphaco IPO, năm 2008 niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, năm 2011 công ty đã đứng hàng đầu ngành dược.

“Quyền lực trong tay lớn như vậy liệu có khi nào bà lạm quyền?”, tôi hỏi. “Lãnh đạo là thực thi mục đích của tổ chức thông qua việc dẫn dắt và nâng đỡ người khác, nếu không khéo tôi sẽ bị cho là độc tài. Nhưng sẽ có những lúc phải quyết ngay vì nhà cháy không có thời gian mà bàn bạc nữa. Lãnh đạo giỏi là quyết nhưng không để lại hậu quả. Chỉ khi có bước ngoặt thì vai trò cá nhân của lãnh đạo mới bộc lộ. Khi có những xì xào, tôi nghĩ có thể có những người chưa hiểu nhưng sau này nhìn công ty họ sẽ hiểu tôi là ai. Nếu một doanh nghiệp thiếu công bằng dân chủ và không minh bạch thì không thể có một sức mạnh tập thể của người lao động, đối tác và cổ đông. Sau này, khi công ty đủ lớn tôi chủ động không kiêm nhiệm nữa”, bà trả lời.

Có những thời điểm như năm 2003, cuộc họp đại hội đồng cổ đông bầu HĐQT nhiệm kỳ thứ 2 là thời điểm nước sôi lửa bỏng, công ty có những bất đồng. Bà đã đứng ra thuyết phục mọi người rằng “chúng ta không chơi đàn dạo mà chúng ta đang chơi bản giao hưởng nên phải hòa tấu cùng nhau”. Rồi có lần người phó giám đốc phụ trách kinh doanh bỏ đi, tuyên bố phá tan hệ thống phân phối, kéo theo 15 người phụ trách kinh doanh các tỉnh đi cùng một lúc. Bà đã quyết định không níu giữ họ lại mà tự mình đến các tỉnh để gây dựng lại mạng lưới phân phối. “Lúc đó tôi bị gọi là “bà Thatcher”. Hệ thống phân phối là mạch máu của công ty, nhân viên cũng lo lắng, nhưng tôi nghĩ khi đã là một thành viên trong tổ chức mà không nghĩ cho nhau thì có níu họ ở lại cũng không ích gì. May thay, các đại lý đều hiểu rằng họ làm việc với công ty chứ không vì một vài cá nhân, họ gắn với công ty vì sản phẩm tốt và chính sách phù hợp... Tôi mừng vì những người đã đi khỏi Traphaco đều giữ được tình cảm với công ty và họ vẫn tự hào mang văn hóa Traphaco đến công ty mới”, bà chia sẻ.

“Vậy có khi nào bà hối hận về những quyết định của mình?”, tôi lại hỏi. “Nhiều khi mình không tránh được khuyết điểm hay gây tổn thương ai đó nhưng tôi vẫn tin khi mình trung thực và chính trực mọi người sẽ theo mình. Trong 16 năm qua, có lúc tôi cũng ngấn nước mắt vì tự ái, người ngoài không hiểu mình là bình thường nhưng người trong nhà không hiểu thì thật khổ tâm. Có khi nhân viên biến động về tư tưởng.

Nhưng tôi luôn nói với nhân viên, Traphaco không giống công ty khác, biểu tình, kiện cáo nhau, gửi đơn lên Thủ tướng. Nếu lo chiến đấu phe cánh thì lấy đâu ra sức mạnh? Tôi ở đây mấy chục năm, biết bao người cũng gắn bó quãng đời đẹp nhất ở đây thì phải hợp tác để ai cũng có phần, đừng tự gây ra hình ảnh xấu cho doanh nghiệp. Xã hội, đối tác, khách hàng, người dân không ai muốn chơi với doanh nghiệp có hình ảnh xấu và lục đục, vì thế mà chúng ta sẽ thiệt hại”.

Là con thứ 6 trong một gia đình có truyền thống buôn bán dược phẩm Đông y cả trăm năm nên bà học được rằng kinh doanh thành bại là ở khách hàng chứ không phải là có nhiều vốn. Bà hiểu chữ tín trong ngành dược mất đi không bao giờ lấy lại được, chữ tín đó không chỉ được xây dựng bởi người trong công ty mà còn từ rất nhiều người khác như người trồng cây thuốc, người bán hàng bên ngoài. “Văn hóa hợp tác, chia sẻ, tôn trọng lẫn nhau và tuân thủ với chúng tôi là quan trọng nhất. Khi mình làm ăn tử tế, minh bạch, tôn trọng con người và cư xử có văn hóa đương nhiên có sự đồng thuận cao. Có đồng thuận nó giúp người lãnh đạo có thời gian và tâm trí phóng tầm mắt ra ngoài biến khó khăn thành cơ hội”, bà nói.

Traphaco ngày nay đã là tổng công ty với sáu công ty thành viên. Lên sàn chứng khoán có vốn hóa 80 tỉ đồng tháng 11-2008, nay vốn hóa của công ty gần 2.000 tỉ đồng. Trong năm năm qua Traphaco giữ tốc độ tăng trưởng bình quân 12%, cao nhất ngành dược và tốc độ tăng trưởng năm 2015 trên 20% với doanh thu 1.900 tỉ đồng. Đáng nói hơn, Traphaco hai năm qua không vay ngân hàng, không tồn kho, không nợ đọng. Bà Thuận cho biết năm 2015 Traphaco vừa có thêm một vùng trồng chè dây 350 héc ta ở Mường Hum (Lào Cai), là rừng thu hái có tái tạo và bảo tồn, tức không thu hái một chỗ mà mỗi năm phải thay đổi. Đó là nguyên liệu sạch để sản xuất sản phẩm Ampelop chữa loét dạ dày và tá tràng theo đề tài nghiên cứu khoa học mới của Traphaco. “Tôi muốn thị trường đừng tư duy Đông dược là rẻ tiền và chỉ phục vụ người nghèo. Cái gì từ thiên nhiên không hề rẻ, từ hóa chất mới dễ. Dược liệu sạch có giá trị rất cao. Tôi muốn dựa trên đa dạng sinh học và lưu giữ truyền thống y học cổ truyền cộng với tiến bộ khoa học để phân chia lợi thế của thiên nhiên cho mọi người”.

Trước khi kết thúc câu chuyện, bà nói ở vị trí quản lý bà đã học được cách “phải bình tĩnh chấp nhận khó khăn, rằng con người ta không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng, hay công ty mất đoàn kết thì lãnh đạo làm gì còn tĩnh tâm mà nhìn xa trông rộng. Tinh thần của mình chính là tinh thần nhân viên, của đối tác, của khách hàng”.

Vậy đó, chúng tôi chia tay và hòa vào dòng người tấp nập giữa Sài Gòn.

Theo TBKTSG

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến