Dòng sự kiện:
Hành trình vượt đỉnh của VN-Index
19/01/2021 12:01:10
Trước ngưỡng đỉnh lịch sử 1.200 điểm của chỉ số VN-Index, thị trường chứng khoán vừa có một tuần giao dịch trong thế giằng co đầy kịch tính giữa bên bán và bên mua.

Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tiếp tục tăng mạnh tại các công ty chứng khoán. Ảnh: Lê Toàn.

F0 làm sập sàn

Trưa ngày thứ 5 tuần trước, hệ thống giao dịch SmartOne của Công ty Chứng khoán VPS gặp lỗi không thể đăng nhập và tiếp tục đóng sửa lỗi sau giờ giao dịch để kịp vận hành phiên thứ 6.

Không chỉ các đối thủ miêu tả VPS “giăng lưới F0 hung hãn”, mà ngay cả khách hàng của VPS cũng hiểu đây là hệ quả khi lượng tài khoản mở mới dồn dập.

Sau quý IV/2020 vươn lên vị trí thứ 2 thị phần môi giới trên HOSE, VPS tiếp tục thu hút hàng chục tài khoản mở trực tuyến mỗi ngày trong 2 tuần đầu tháng 1/2020 với chính sách miễn phí giao dịch tài khoản thường và tài khoản margin phí chỉ 0,1%, thấp hơn so với mức phổ biến 0,15% ở nhóm công ty chứng khoán hàng đầu.

Ghi nhận trong hai tuần đầu năm 2021, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tiếp tục tăng mạnh. Tại hội sở Công ty Chứng khoán SSI, mỗi ngày có khoảng 80 khách tới mở tài khoản, tăng gấp 2 lần so với bình quân tháng trước và 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Một môi giới tại Công ty Chứng khoán VNDIRECT Chi nhánh TP.HCM cho biết, số lượng tài khoản mở mới tại chi nhánh rất lớn, có ngày tới 500 - 600 tài khoản. Trong 2 tuần đầu năm, VNDirect ghi nhận 7.295 tài khoản mở mới, ước tính tăng khoảng 15% so với tháng 12/2020.

Tương tự, tại Mirae Asset, ước tính số lượng khách hàng mở tài khoản online và mở tài khoản trực tiếp tháng 1/2021 nhiều hơn tháng 12/2020 khoảng 20%.

Việc mở tài khoản chứng khoán rất thuận lợi nhờ sự hỗ trợ của công nghệ. Nhất là tại những công ty áp dụng công nghệ eKyC (xác thực khách hàng điện tử), thì khách hàng không cần đến công ty có thể đăng ký các dịch vụ cơ bản.

Khách hàng mở tài khoản trực tuyến tối hôm trước, trưa hôm sau đã có thể chuyển tiền vào mua chứng khoán.

Cuối tuần qua, một môi giới chứng khoán nhà nghề cho biết, margin khá căng vào giữa tuần nhưng đã thoát ra bớt trong 2 ngày thị trường điều chỉnh.

VN-Index được ví như tàu lượn siêu tốc khi thoắt tăng, thoắt giảm, biến động trong từng phiên lên tới 12 - 15 điểm cho thấy sự giằng co gay cấn giữa bên mua và bán, giữa cung và cầu.

Giám đốc một quỹ đầu tư quy mô khá lớn nêu quan điểm, thị trường lên bởi dòng tiền thì có thể xuống cũng bởi dòng tiền, chứ không phải nội tại cơ bản của doanh nghiệp thay đổi. Yếu tố hiện nay cần quan sát kỹ nhất là tâm lý nhà đầu tư.

Nếu bên mua vẫn hừng hực khí thế đổ tiền mới vào và tiền cũ chưa bị rút ra thì thị trường sẽ tiếp tục chinh phục các ngưỡng mới. Một cú bồi mạnh cho thị trường chưa diễn ra trong thời điểm này nên bên mua vẫn rất khí thế.

Tiền vẫn hội tụ vào sàn

Chị Nguyễn Thị Mỹ D. quê ở Mỹ Tho, Tiền Giang, đang làm việc cho một công ty nước ngoài tại TP.HCM cho biết: “Chứng khoán đang lên rần rần nên chị đầu tư mấy trăm triệu kiếm chút lời, thay cho gửi góp hụi với người nhà và bà con trong xóm như trước. Một vài người lớn tuổi ở chị cũng gửi khoản tiết kiệm vài trăm triệu cho người thân ở TP.HCM chơi chứng”.

Thực tế nhìn thấy rõ là dòng vốn từ các kênh đầu tư bất động sản, vàng, ngoại tệ và thậm chí là casino đang chảy sang chứng khoán. Và dòng tiền tiết kiệm trong dân vẫn tiếp tục chảy vào chứng khoán hậu thuẫn cho thanh khoản và sức cầu trên thị trường trước nhu cầu chốt lời lớn.

Cạnh tranh huy động tiết kiệm của các ngân hàng những ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu “căng” hơn khiến ngân hàng phải đẩy mạnh khuyến mại huy động vốn, cho dù thanh khoản của ngành vẫn được đánh giá tích cực.

Lý do thường lệ là cuối năm, doanh nghiệp rút tiền nhiều hơn để chi trả lương, thưởng. Nhưng lý do khác thường là, không ít khách hàng đã rút tiết kiệm để đầu tư chứng khoán khi lãi suất huy động giảm mạnh.

Lãi suất cho vay giảm tiếp sức cho dòng vốn “tươi mới” vào chứng khoán

Số liệu Ngân hàng Nhà nước đưa ra, đến ngày 28/12/2020, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 13,26% so với cuối năm 2019 và tăng 14,61% so với cùng kỳ 2019.

Theo Tiến sỹ Lê Đạt Chí, Đại học Kinh tế TP.HCM, lý thuyết kinh tế cho thấy, khi M2 tăng cao hơn tăng trưởng kinh tế thì một lượng tiền đã đi vào các kênh đầu tư tài sản tài chính như vàng, bất động sản, trái phiếu, chứng khoán.

Không đo lường được lượng tiền vào mỗi kênh này là bao nhiêu, nhưng diễn biến thực tế các kênh đầu tư cho thấy tiền đã vào chứng khoán.

Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng, sự dịch chuyển dòng tiền từ ngân hàng sang chứng khoán có thể có, nhưng không nhiều.

Vì nguồn vốn huy động vào hệ thống ngân hàng trong năm 2020 vẫn tăng trưởng tích cực, với mức tăng khoảng 13%, chỉ thấp hơn một chút so với năm 2019. Sự dịch chuyển rõ nét là dòng tiền từ bất động sản sang chứng khoán.

Tuy nhiên, ông Chí cho rằng, con số tăng trưởng vốn huy động không phản ánh được sự dịch chuyển của tiền tiết kiệm sang chứng khoán.

Tổng tiền gửi tăng một phần xuất phát từ việc Ngân hàng Nhà nước tăng dự trữ ngoại hối, nên một lượng tiền được bơm vào hệ thống và dù có công cụ để hút về thì một lượng nhất định vẫn còn trong thị trường.

Trong khi đó, theo các ngân hàng, tổng tiền gửi tiết kiệm tăng một phần do nhiều doanh nghiệp đã phát hành cổ phiếu, trái phiếu để tăng vốn, nhưng chưa giải ngân được trong bối cảnh dịch Covid-19.

Mặt khác, thị trường chứng khoán có mua và bán, bên bán thu tiền về để tiền trong tài khoản ngân hàng, hoặc để tiền trong tài khoản chứng khoán nhưng tài khoản tổng của công ty chứng khoán nằm trong ngân hàng. Vì thế, thanh khoản thị trường chứng khoán tăng mạnh thì dòng tiền vẫn nằm trong hệ thống ngân hàng.

Đáng chú ý, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, tổng vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố đến hết năm 2020 đạt 2,775 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2019.

Trong đó, tiền gửi thanh toán của tổ chức kinh tế và cá nhân ước đạt 1,43 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng đến 51,5% trong tổng nguồn vốn huy động, tăng 11,2% so với cuối năm 2019.

Trong khi đó, tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn của khách hàng dân cư ước đạt 1,125 triệu tỷ đồng, chiếm 40,5% trong nguồn vốn huy động, chỉ tăng 2,4% so cùng kỳ năm 2019.

Số liệu này phần nào cho thấy, tiền gửi thanh toán lớn để người gửi có thể linh hoạt sử dụng, chuyển đổi kênh đầu tư như chứng khoán.

Xu hướng dịch chuyển này có thể tiếp diễn khi lãi suất được đánh giá chưa chạm đáy. Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đặt ra yêu cầu năm 2021, các ngân hàng thương mại phải xây dựng kế hoạch kinh doanh theo hướng giảm lợi nhuận để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với khoản vay cũ, khoản vay trung dài hạn… cho doanh nghiệp, người dân.

Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt cũng nhận định, lãi suất huy động đang ở gần mức thấp nhất trong lịch sử, nhưng lãi vay vẫn có thể giảm do độ trễ khi giảm theo lãi huy động.

Lãi suất cho vay giảm vừa giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp niêm yết, đồng thời tiếp sức cho dòng vốn “tươi mới” vào chứng khoản.

Thêm nữa, kênh trái phiếu cũng không còn quá hấp dẫn. Theo trưởng phòng trái phiếu một công ty chứng khoán, mức lãi suất cho trái phiếu linh hoạt chỉ còn 8%/năm so với trước đây là 9,5%/năm, lãi suất kỳ hạn 1 tháng là 7%/năm, nhưng nhà đầu tư phải đóng 5% tiền thuế thu nhập từ lãi trái phiếu.

Chị Mỹ D., quê Tiền Giang cho biết, khi vài người biết đầu tư vào chứng khoán, đám hụi trong xóm nhà chị đã tan.

Đằng sau thế giằng co

Tuần trước, thị trường điều chỉnh trong thế giằng co sau 8 phiên tăng điểm liên tục đầu năm 2021. Nhiều cổ phiếu vượt đỉnh lịch sử, có những cổ phiếu đã tăng bằng lần. Điều này cũng đồng nghĩa, việc tìm kiếm cơ hội mới đã khó khăn hơn, nhưng bên mua hay bên bán đều có lý lẽ riêng.

Một nhà đầu tư thế hệ Fn cho biết, từ sau tuần đầu Tết dương lịch là nhóm của chị đã ngừng mua mới mà chủ yếu chờ đợi để chốt lãi. Ban đầu, chị dự kiến đỉnh của thị trường là vào tháng 4/2021 nhưng đến nay cũng hạ dự phóng và cho rằng, thị trường sẽ giằng co trong thời gian tới.

Những nhà đầu tư có kinh nghiệm đã chuyển hướng đầu tư theo hướng chọn lọc các cổ phiếu chưa tăng giá bằng VN-Index kể từ thời điểm cuối tháng 3 đến nay, đồng thời có thị giá thấp hơn mức trung bình ngành, có nền tảng hoạt động sản xuất - kinh doanh tốt.

Giám đốc phân tích một công ty chứng khoán nhận xét, dòng tiền luân chuyển qua các mã chứng khoán diễn ra rất nhanh, chỉ cần lời 15% là hoạt động chốt lãi ồ ạt. Các cổ phiếu lớn tăng giảm đan xen, thay nhau nâng đỡ thị trường.

Về mặt vĩ mô, các tin tức trên thị trường thế giới cũng cho thấy tâm lý chốt lãi ở nhiều nhà đầu tư khi chứng khoán Mỹ đi ngang, chứng khoán Trung Quốc giảm… Thông tin được giới đầu tư chú ý nhiều là đường cong lợi tức trái phiếu Mỹ tăng dựng đứng.

Trong nội bộ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện có hai quan điểm trái ngược nhau, một số cho rằng, cần hạn chế bơm tiền ra thị trường, còn một số thì cho biết nửa đầu năm 2021 vẫn chưa phải là thời điểm khóa van.

Hiện mỗi tháng Fed mua 80 tỷ USD trái phiếu, nên nhiều thông tin cho rằng Fed sẽ giảm số mua hàng tháng. Như vậy, đây sẽ là một tín hiệu tác động đến thị trường chứng khoán Mỹ và rất có thể là chỉ báo sớm cho thị trường chứng khoán toàn cầu bước qua giai đoạn “mua gì cũng thắng”.

Nhiều nhà đầu tư trên thị trường có tâm lý bảo toàn thành quả một năm nên muốn chốt lời. Bởi vậy, nhiều công ty chứng khoán hàng đầu bắt đầu có quan điểm thận trọng nhất định sau một thời gian duy trì quan điểm rất tích cực về thị trường chứng khoán. Những kịch bản điều chỉnh ngắn hạn của VN-Index với vùng hỗ trợ gần nhất là 1.067 điểm bắt đầu được đề cập.

Nhưng một điểm nổi bật trên thị trường tuần qua là đứng trước nhu cầu chốt lời lớn thì nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh lên mặt bằng giá mới chỉ điều chỉnh nhẹ trong phiên và có thể giảm nhanh khoảng 10 -15% sau một vài ba phiên đã hồi trở lại khiến khả năng, cũng như mức chênh giữa chốt lời giá cao, mua lại giá thấp của nhà đầu tư rất thấp và mỏng. Điển hình là các cổ phiếu như PAN, DIG, MBB, TCB, HDB, TD, IJC, VCG…

Lý do là nhiều nhà đầu tư nhìn vào triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp năm 2021 để định giá cổ phiếu hiện tại.

Như BCG sau khi tăng 60% thị giá trong 2 tháng, điều chỉnh về dưới 14.000 đồng/cổ phiếu đã tăng trần cuối tuần qua, trước ngày 22/1 - ngày chốt danh sách hưởng quyền mua cổ phiếu phát hành thêm giá 10.000 đồng/cổ phần, tỷ lệ 2:1.

Sở dĩ nhà đầu tư mua vào để hưởng quyền mua cổ phiếu mới mà không lo ngại hiệu ứng pha loãng khi phát hành vốn mới vì lợi nhuận của BCG tăng trưởng trong năm 2021 tương đương EPS khoảng 2.000 đồng, trên vốn điều lệ mới khoảng 2.000 tỷ đồng. Định giá cổ phiếu với P/E 8 lần là 16.000 đồng/cổ phiếu.

Tương tự, lợi nhuận tăng trưởng trong 2021 là lý do để các cổ phiếu như VCG, HNA chuyển sàn sang HOSE thiết lập mặt bằng giá mới.

Nhìn dài hạn, nhiều ý kiến cho rằng, thị trường vẫn vận động trong xu hướng tăng khi các động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam còn lớn và Ngân hàng Nhà nước thúc giục các ngân hàng thương mại giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc thiếu vắng kênh đầu tư cạnh tranh, dòng vốn ETF tăng lên sẽ là nhân tố hỗ trợ cho thị trường tiếp tục cân bằng nhanh trước các nhịp điều chỉnh và tiến đến các vùng điểm số cao hơn.

Không ít ý kiến nhận định chỉ số VN-Index sẽ cán mốc 1.700 điểm hay 1.500 điểm trong năm 2021 dựa trên lập luận mặt bằng giá chứng khoán đang ở mức bình thường, mà trong bối cảnh lãi suất thấp, vốn rẻ thì P/E thị trường hoàn toàn có thể cao hơn mức bình thường.

Đầu tuần qua, ông Dương Văn Chung, Công ty Chứng khoán MB nhận định, tiềm lực tài chính các công ty chứng khoán hiện nay chỉ hỗ trợ cho kịch bản VN-Index vượt 1.200 điểm một chút vì hiện nay nhiều công ty chứng khoán đang căng cứng margin.

Tuy nhiên, nếu VN-Index vượt qua được 1.230 điểm và duy trì trên mốc này khoảng 3 - 5 phiên thì thị trường sẽ bước sang một trang mới.

Đó là thị trường tăng bằng tiền thật. Sau một hai phiên giao dịch, chứng kiến thị trường diễn biến giằng co, giá các cổ phiếu nhấp nháy xanh đỏ trong phiên, điều chỉnh giảm nhẹ, ít cổ phiếu giảm sàn, hôm thứ 5, ông Chung dự đoán thị trường sẽ vượt lên mốc 1.200 điểm lịch sử.

Tác giả: Phan Vinh - Lan Hương

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến