Trong những ngày vừa qua, tại các cây xăng ở TP.HCM, người dân phải xếp thành hàng dài, chờ đợi rất lâu mới mua được xăng. Có nhiều cây xăng thông báo: “hết xăng còn dầu”. Một số cây xăng khác còn đưa ra lý do không bán xăng bởi “chiết khấu 0 đồng, doanh nghiệp thua lỗ, hết tiền nhập hàng, mong mọi người thông cảm”…
Dư luận xã hội chưa rõ nguyên do vì sao lại xảy ra tình trạng khan hiếm xăng như vậy. Vấn đề cần làm rõ là có hay không tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cố tình “găm” hàng, tạo ra sự khan hiếm, đợi khi giá xăng tăng mới bán? Nếu có việc “găm” xăng, đầu cơ xăng sẽ bị xử phạt thế nào?.
Một điểm bán xăng treo thông báo không bán xăng do "chiết khấu 0 đồng, doanh nghiệp thua lỗ, hết tiền nhập hàng...".
Trao đổi với phóng viên Báo Giao thông, luật sư Lê Bá Thường (Đoàn Luật sư TP.HCM), cho biết: Theo quy định của pháp luật thì xăng, dầu là hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá (điểm a Khoản 2 Điều 15 Luật giá 2012 ). Do đó, nếu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cố tình “găm” hàng không bán hoặc bán nhỏ giọt để tạo ra sự khan hiếm, hành vi này sẽ bị phạt hành chính với số tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo Điều 35 Nghị định 99/2020/NĐ-CP (xử phạt hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí).
Điều 35 Nghị định 99 nêu rõ các hành vi vi phạm như sau: Giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết hoặc so với thời gian bán hàng trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; Không bán hàng, ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; Giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Theo luật sư Thường, nếu các cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cố tình có hành vi “găm” xăng không có lý do chính đáng sẽ bị xử phạt hành chính lên tới 20 triệu đồng (khoản 23 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP). Bên cạnh đó còn bị phạt bổ sung với hình thức tịch thu tang vật, tước bỏ giấy phép kinh doanh.
Ngoài ra, nếu doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có hành vi đầu cơ xăng dầu để thu lợi bất chính thì có thể bị phạt hành chính lên đến 100 triệu đồng (khoản 22 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP).
Luật sư Thường phân tích thêm: Đặc biệt, xăng dầu là mặt hàng thuộc danh mục hàng hoá bình ổn giá nên hành vi cố tình “găm” hàng tạo ra sự khan hiếm trên thị trường để thu lợi bất chính có thể bị xử tội hình sự về tội đầu cơ. Tội này có mức xử phạt tù tuỳ theo số tiền thu lợi bất chính mà mức phạt tù đến 15 năm và bị phạt tiền lên đến 5 tỷ đồng đối với cá nhân; đối với pháp nhân thương mại bị phạt tiền lên đến 9 tỷ đồng. Bên cạnh phạt tù, tiền còn bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm (Điều 196 BLHS 2015).
Tác giả: Quang Phương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy