Dòng sự kiện:
Hành xử với nợ thuế khó thu
10/12/2018 07:01:08
Cuối năm, chuyện nợ thuế và xử lý nợ thuế càng thêm nóng. Năm 2018 sắp kết thúc, nhưng tỷ lệ nợ đọng thuế ở mức 7,5% (tăng hơn 13% so với năm 2017), số nợ đọng thuế tại hầu hết địa phương tiếp tục gia tăng.

Thực trạng trên cũng cho thấy, mục tiêu giảm nợ thuế xuống tối đa 5% tổng thu ngân sách nhà nước được ngành tài chính đặt ra liên tục trong nhiều năm trở lại đây chưa bao giờ thành hiện thực.

Tiền phạt chậm nộp thuế được tính bằng 0,03%/ngày/số tiền nợ thuế

Không thể phủ nhận nỗ lực của cơ quan quản lý thuế trong việc thu hồi nợ thuế. Bằng nhiều biện pháp khác nhau, từ “đồng hành, vận động, thuyết phục”, đến áp dụng đủ 7 biện pháp cưỡng chế được luật hóa trong Luật Quản lý thuế, nên ngân sách nhà nước năm 2016 đã “tăng thu” 40.049 tỷ đồng. Nhờ những biện pháp trên, mà 9 tháng đầu năm 2018, cơ quan quản lý thuế đã thu 25.382 tỷ đồng, bằng 61% số tiền nợ đọng thuế có khả năng thu hồi tính đến thời điểm ngày 31/12/2017.

Nợ thuế diễn biến phức tạp, tiền nợ thuế có xu hướng tăng qua từng tháng khiến Bộ trưởng Bộ Tài chính phải ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế thu hồi nợ thuế.

Hiện Bộ Tài chính đang gấp rút hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp và tiền phạt không có khả năng thu hồi để trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2019.

Có lẽ mục tiêu giảm nợ thuế xuống tối đa 5% tổng thu ngân sách nhà nước là không tưởng. Lý do là trong tổng số tiền nợ thuế, thì tiền nợ không có khả năng thu hồi do người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh chiếm tới 43%. Số tiền nợ thuế không có khả năng thu hồi tiếp tục tăng do số doanh nghiệp ngừng hoạt động, chờ giải thể tăng; tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tính bằng 0,03%/ngày/số tiền thuế nợ cũng tăng lên, ước khoảng 200 tỷ đồng/ngày.

Vì vậy, giải pháp hữu hiệu nhất và có thể là duy nhất để giảm mạnh nợ thuế là xem xét phương án hợp lý, cần thiết phải chấp nhận xóa các khoản nợ, cả tiền nợ thuế lẫn tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp đối với khoản nợ không có khả năng thu hồi. Cũng nên mạnh dạn xóa nợ thuế đối với các khoản nợ của người nộp thuế gặp thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp khó khăn bất khả kháng; ngân sách nhà nước chậm thanh toán; đối tác của người nộp thuế bị phá sản....

Việc xóa nợ thuế không chỉ giảm gánh nặng cho cơ quan thuế, mà còn giúp giảm chi phí vì khoản nợ này đã được cơ quan thuế tìm đủ mọi biện pháp thu hồi, nhưng bất khả thi. Đó là chưa kể, nếu không được xóa thì hàng năm, ngân sách nhà nước vẫn phải chi để quản lý số nợ này. Xóa nợ thuế, tiền chậm nộp còn thể hiện sự sòng phẳng giữa ngân sách nhà nước với người nộp thuế, vì trong không ít trường hợp, doanh nghiệp gặp khó khăn, buộc phải nợ thuế do quy hoạch, kế hoạch, chính sách thay đổi khó lường trước, hoặc bản thân ngân sách nhà nước chậm thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp đã cung cấp cho những quan hành chính, sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước.

Việc khoanh nợ thuế với doanh nghiệp đã ngừng hoạt động quá một năm, đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cũng tạo điều kiện giúp tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đó quay trở lại thị trường. Đây cũng là giải pháp tránh thất thu thuế, vì chỉ khi doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, thì ngân sách nhà nước mới có cơ hội thu hồi số nợ tạm khoanh.

Theo báo Đầu Tư

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến