Dòng sự kiện:
Hanoimilk: Hẩm hiu đến bao giờ?
16/06/2019 20:05:12
Hanoimilk là một trong số ít doanh nghiệp trong ngành chế biến sữa đang niêm yết trên sàn chứng khoán, bên cạnh Vinamilk. Tuy nhiên, số phận của Hanoimilk lại "hẩm hiu" hơn rất nhiều.

Công ty CP Sữa Hà Nội (Hanoimilk - HNX: HNM) thông báo chuẩn bị tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2019. 

Cụ thể, ngày đăng ký cuối cùng tham dự đại hội là 4/6/2019. Ngày doanh nghiệp dự kiến tổ chức ĐH là 29/6/2019.  

Ngoài ra, Hanoimilk vẫn chưa công bố nội dung tài liệu ĐHĐCĐ/nội dung họp. 

Về tình hình kinh doanh, lũy kế cả năm 2018, Hanoimilk ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng 16% đạt 189 tỷ đồng. Nhờ tiết giảm mạnh chi phí (giảm 10 tỷ chi phí bán hàng và 6 tỷ chi phí quản lý doanh nghiệp) nên công ty có lãi gần 1,2 tỷ đồng, khả quan hơn nhiều so với con số lỗ hơn 23 tỷ năm 2017.

Tại thời điểm cuối năm, tổng tài sản của HNM tăng gần 50 tỷ so với đầu năm lên 503 tỷ đồng, phần lớn nằm ở hàng tồn kho (203 tỷ và các khoản phải thu ngắn hạn 187 tỷ đồng). Công ty đang có tổng vay nợ 204 tỷ đồng, tương đương gần 41% tổng tài sản. Hanoimilk đang có khoản lỗ lũy kế 24 tỷ trên vốn điều lệ 200 tỷ đồng.

Cơ cấu vốn của Hanoimilk tại thời điểm cuối năm 2018 gồm có CTCP Hoàng Mai Xanh (chiếm 6,25% vốn), Công ty TNHH Phát triển sản phẩm mới công nghệ mới (6,25%), Intereffekt Investment Funds N.V (2,33%), ông Hà Quang Tuấn (21,88%), bà Bùi Thị Thanh Vân (18,75%), ông Lê Thế Hùng (5,01%),…

Quý I/2019 ghi nhận doanh thu thuần Hanoi Milk lãi lớn hơn 40,4 tỷ đồng, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, lãi sau thuế của Izzi chỉ đạt vỏn vẹn 166 triệu đồng, tăng khoảng hơn 50 triệu đồng so với quý I/2018.

Dòng tiền trong kỳ của Hanoi Milk tính đến cuối kỳ ghi nhận tăng 1,6 tỷ đồng đạt hơn 3,1 tỷ đồng. Tuy vậy, dòng tiền dương chủ yếu đến từ các khoản phải trả trong kỳ dương 12,2 tỷ đồng. Bảng cân đối kế toán cho thấy, phải trả người bán ngắn hạn của Hanoi Milk tăng gần 11% đạt hơn 81,1 tỷ đồng; trong khi đó phải trả ngắn hạn khác  tăng 15,6% lên gần 13 tỷ đồng. 

Được biết, áp lực nợ ngắn hạn phải trả của Hanoi Milk là rất lớn. 

Cuối kỳ BCTC quý I/2019, HNM đang nợ ngắn hạn 301,1 tỷ đồng (tăng khoảng 3 tỷ đồng so với cùng kỳ). Ngoài, hai khoản phải trả người bán ngắn hạn và phải trả ngắn hạn khác kể trên, Hanoi Milk đang vay ngắn hạn 179 tỷ đồng, trong đó 26,3 tỷ vay Ngân hàng BIDV – CN Tây Hà Nội; 8 tỷ đồng Ngân hàng liên doanh Việt Nga – Sở Giao dịch; gần 40 tỷ đồng vay Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam và gần 105 tỷ đồng còn lại là vay các cá nhân.

Hiện tại, Hanoi Milkl đang nằm trong diện kiểm soát và chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần, lý do bởi tổ chức niêm yết tiếp tục chậm trễ công bố thông tin báo cáo tài chính. Ngay trước thềm ĐHĐCĐ thường niên 2019, Hanoi Milk vẫn chưa công bố BCTC kiểm toán 2018.  

Thành lập năm 2001, CTCP Sữa Hà Nội  từng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành sữa Việt Nam, với các sản phẩm mang nhãn hiệu Izzi, Yotuti, sữa tươi Hanoimilk 100%, sữa chua Hanoimilk...

Tuy nhiên, chuỗi thành công vang dội tạm chấm dứt ở thời điểm cuối năm 2008 khi “cơn bão melamine” tràn vào Việt Nam, Hanoimilk trở thành tâm bão và chịu ảnh hưởng nặng nề mà đến nay vẫn chưa thể vực dậy.

Không chỉ đối mặt với khủng hoảng truyền thông liên quan đến melamine, Hanoimilk còn mắc sai lầm trong việc phát triển nhãn hiệu chủ lực Izzi cũng như thực hiện đầu tư dàn trải.

Việc thử nghiệm bao bì kiểu hộp Wed (hình tam giác) cho ngay sản phẩm chủ lực Izzi đã mang tác dụng ngược. Dấu ấn khác biệt so với các sản phẩm khác là có, song khi sử dụng lại dễ gây trào sữa ra ngoài và khi xếp trên kệ, tủ thì không tối ưu diện tích nên hiệu quả kinh doanh không đạt kỳ vọng.

Trong thực tế, sản phẩm bán được phần lớn là dạng hộp Brik (hình khối chữ nhật) nhưng công ty chỉ có 3 máy rót hộp Brik. Ngược lại, HNM lại đầu tư cùng một lúc 7 máy rót hộp Wed đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, do đó HNM phải dừng sản xuất Izzi hộp Wed từ đầu năm 2015.

Ngoài ra, đầu tư dàn trải cũng khiến Hanoimilk đi xuống. HNM từng đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực như bất động sản, ô tô, siêu thị, chứng khoán,… Đầu tư vào lĩnh vực ‘nóng’ trong khi thiếu hiểu biết về các lĩnh vực này nên Hanoimilk nhận thêm trái đắng.

Tuy gặp nhiều thách thức, ban lãnh đạo của HNM, đặc biệt là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) - ông Hà Quang Tuấn - vẫn đặt nhiều niềm tin vào triển vọng phát triển trong tương lai của doanh nghiệp.

Tại đại hội cổ đông lần thứ 17 diễn ra vào ngày 30/6/2018, giải đáp mối lo ngại của cổ đông về trái phiếu chuyển đổi, ông Tuấn đã khẳng định sẵn sàng mua 100 tỷ đồng trái phiếu nếu không ai mua, vì một phần trách nhiệm và niềm tin vào cơ hội phát triển trong dài hạn của công ty. Ông Tuấn cũng tin tưởng nhà đầu tư chiến lược sẽ đánh giá cao những tài sản, công nghệ mà HNM đang có.

Được biết, ông Hà Quang Tuấn đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐQT từ năm 2009, thời điểm mà HNM còn khó khăn hơn rất nhiều, khi công ty thua lỗ trên 68 tỷ đồng, chịu áp lực nợ vay lớn từ ngân hàng.

Ông Tuấn đã từng kiêm nhiệm cả chức vụ Tổng giám đốc tại HNM, điều hành doanh nghiệp, mặc dù trước đó chỉ thỏa thuận làm vị trí Chủ tịch HĐQT với các cổ đông lớn tại đây.

Sự đóng góp này cũng đã nhận được nhiều lời động viên từ các cổ đông, vì nếu không, họ đã mất trắng khoản đầu tư vào HNM từ lâu.

Với bối cảnh của HNM hiện tại, bài toán về tài chính vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu nhưng để tìm kiếm được một nhà đầu tư phù hợp như đã đề ra thì không phải là một chuyện dễ dàng. Và đại hội lần thứ 18 này, HNM chắc hẳn cũng sắp "đau đầu" với việc giải trình về tình hình kinh doanh.

Hoàng Dung

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến