Dòng sự kiện:
Hanoimilk và con đường gian nan giải bài toán khủng hoảng
25/08/2018 18:00:18
Nếu nhìn chi tiết hơn báo cáo tài chính của HNM, sẽ thấy thêm nhiều vấn đề về chất lượng tài sản cũng như độ an toàn tài chính mà công ty đang phải đối mặt.

Công ty Cổ phần sữa Hà Nội (Hanoimilk - HNX: HNM) được thành lập năm 2001 và chính thức đi vào hoạt động năm 2003. Doanh nghiệp này  từng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành sữa Việt Nam, với những sản phẩm sữa mang nhãn hiệu Izzi, Yotuti, sữa tươi Hanoimilk 100%, sữa chua Hanoimilk...

Thế nhưng, những năm gần đây, kết quả kinh doanh của HNM ngày càng bết bát. Sự tụt dốc không phanh này có thể nói rằng do phần lớn từ mô hình kinh doanh sai lầm nhỏ có thể dẫn tới những thất bại lớn trong một thị trường khốc liệt. Đã nhiều kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên của HNM đi qua, điệp khúc “vỏ hộp sữa” được các cổ đông nhắc đi nhắc lại như một bài học "đắt giá". 

Trước kia, Hanoimilk tự định vị sản phẩm sữa Izzi là sản phẩm giá rẻ. Tetra Pak – Cty chuyên đóng hộp sản phẩm sữa, đã đề xuất mẫu hộp này cho Hanoimilk để phân biệt với các dòng sản phẩm sữa khác.

Thực tế cho thấy hình dáng hộp Wed (hình tam giác) tạo ra sự khác lạ, song khi sử dụng dễ gây trào sữa ra ngoài và khi xếp trên kệ, tủ thì tốn diện tích nên một thời gian sau khách hàng quay trở lại sử dụng loại hộp Brik (hình khối chữ nhật) của các hãng sữa khác.

Chính việc đầu tư cùng một lúc 7 máy rót hộp Wed khi xây dựng nhà máy đã gây ra hậu quả cho đến nay. Suốt một thời gian dài, HNM chỉ có thể bán được sản phẩm sữa hộp Brik, trong khi chỉ có 3 máy rót hộp Brik, dẫn đến việc nhà máy chế biến sữa thừa công suất chế biến nhưng thiếu công suất rót.

Kết quả là Hanoimilk phải dừng sản xuất sản phẩm Izzi hộp Wed từ đầu năm 2015, đồng nghĩa với 7 dây chuyền máy rót hộp Wed “đắp chiếu” (được tiết lộ mức đầu tư ban đầu khoảng 500.000 USD/máy). Lãnh đạo Hanoimilk  sau đó đã phải lên tiếng thừa nhận trước cổ đông về sai lầm của mình khi vội vàng quyết định sai chiến lược kinh doanh.

Izzi được cho là cú "sảy chân" của Hanoimilk 

Ngoài lý do ngân sách hạn chế, nếu nhìn chi tiết hơn báo cáo tài chính của Hanoimilk, sẽ thấy thêm nhiều vấn đề về chất lượng tài sản cũng như độ an toàn tài chính mà công ty đang phải đối mặt.

Báo cáo soát xét thông tin tài chính giữa niên độ của Hanoimilk, kiểm toán viên cũng đã đưa ra một số kết luận ngoại trừ "bất bình thường.

Thứ nhất, tại ngày 31/12/2017 và ngày 30/6/2018, công ty đang ghi nhận khoản đầu tư vào Công ty cổ phần sữa Tự nhiên với số tiền 27.000.000.000 đồng, chiếm 18% tổng vốn góp. Tuy nhiên, do giới hạn về phạm vi tài chính mà kiểm toán đã không tiếp cận được tình hình tài chính và BCTC của công ty cổ phần sữa Tự nhiên. Do đó, kiểm toán đã không xác định được liệu có cần phải điều chỉnh trích lập dự phòng tổn thất khoản đầu tư nêu trên hay không.

Thứ hai, trong phần Trả trước cho người bán, bao gồm khoản trả cho Cty TNHH Việt Phát với giá trị tại ngày 30/6/2018 là 88.508.863.636 và ở khoản Phải thu khác, công ty có một khoản tạm ứng cho nhân viên đã nghỉ việc và các nhân viên hiện đang làm việc tại ngày 31/12/2017 và 30/6/2018 lần lượt là 29.894.811.381 và 13.271.322.259. Tuy nhiên, kiểm toán vẫn không thu thập được các bằng chứng thích hợp về giá trị có thể thu hồi đối với các khoản thu này. Do đó, khó có thể xác định, các khoản này đã ảnh hưởng thế nào (nếu có) đến BCTC năm 2017 và nửa đầu năm 2018.

Tiếp theo, công ty cũng ghi nhận số dư hàng tồn kho tại ngày 30/6/2018 và 31/12/2017 là 165.203.833.438 và 144.483.892.759. Cũng do giới hạn về thông tin tài chính về số liệu hiện có của Hanoimilk nên kiểm toán đã không xác định được tính đầy đủ về số dư hàng tồn kho này có ảnh hưởng đến BCTC hay không!

Ngoài ra, Hanoimilk vẫn còn những khoản hạch toán chưa được rõ ràng như: chi phí trả trước, tài sản cố định hữu hình, chi phí xây dựng cơ bản dở dang (Thuyết minh số 10,11,13); Phải trả cho người bán ngắn hạn (Thuyết minh số 14); Các khoản tiền phạt và chậm nộp thuế; Các khoản tiền lãi phạt của cơ quan bảo hiểm.

Với kết quả kinh doanh những năm qua, Hanoimilk vẫn đi trong vòng lẩn quẩn thua lỗ và chưa giải quyết được khủng hoảng của doanh nghiệp. Những đối thủ như Vinamilk, TH True milk, Nutifood đã lớn mạnh nhiều lần, còn Hanoimilk cơ hội nào để doanh nghiệp này quay lại cạnh tranh?

Một trong những vấn đề của HNM hiện tại là cần nguồn vốn để đầu tư mở rộng. Tuy nhiên nợ vay đã ở mức cao, nếu vay thêm sẽ tạo áp lực lên chi phí lãi vay, do đó phương án huy động vốn qua trái phiếu chuyển đổi và cổ phiếu được HNM đề ra.

Vốn dĩ, Hanoimilk  đã lên kế hoạch phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi theo hình thức phát hành riêng lẻ để thực hiện các dự án đầu tư. Tuy nhiên, giá cổ phiếu giảm quá thấp (3.400 đồng/cp) và HNM bị lỗ trong năm 2017, nên kế hoạch này chưa thực hiện được; do vậy Hanoimilk đã phải gia hạn sang năm 2019-2020.

Đứng trên góc độ phân tích tình hình tài chính, một số chuyên gia tài chính cho rằng phát hành tăng vốn có lẽ là phương án tốt nhất cho HNM hiện nay, một mặt cải thiện chỉ số nguồn vốn, mặt khác đem lại dòng tiền. Tuy nhiên,  với kết quả nửa đầu năm đã thua lỗ hơn 11 tỷ thì câu chuyện có lãi trong năm 2018 để đủ điều kiện phát hành trái phiếu chuyển đổi vẫn còn bỏ ngỏ.

Trước đó Sở GDCK Hà Nội đã quyết định đưa cổ phiếu HNM vào diện bị kiểm soát và hạn chế giao dịch từ 7/6/2017. Chứng khoán HNM chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần. Nguyên nhân do công ty chưa nộp BCTC kiểm toán năm 2016.

Ngay sau đó ngày 9/6/2017 Hanoi Milk đã có văn bản giải trình, nguyên nhân công ty chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2016 là do đơn vị kiểm toán cho công ty – Công ty TNHH Kiểm toán và định giá Thăng Long – T.D.K bất ngờ thông báo bị UBCKNN đình chỉ tư cách kiểm toán BCTC năm 2016. Hanoi Milk đang xin phép tìm đơn vị kiểm toán thay thế.

Tuy nhiên đến 21/7/2017 Sở GDCK Hà Nội đã có thêm thông báo quyết định tạm ngừng giao dịch cổ phiếu HNM từ ngày 25/7/2017 do công ty chưa khắc phục được nguyên nhân chứng khoán bị rơi vào diện bị kiểm soát.

Mãi đến 19/1/2018 Sở GDCK Hà Nội mới thông báo cổ phiếu HNM được chuyển từ diện bị tạm ngừng giao dịch sang diện bị cảnh báo từ 23/1/2018 do công ty đã khắc phục được nguyên nhân chứng khoán bị tạm ngừng giao dịch.  

Xem BCTC quý 2 của Hanoimilk Tại đây!

Hoàng Dung 

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến